Ðức Thánh Cha
viếng thăm Aquileia và Venezia
Ðức Thánh Cha viếng thăm Aquileia và Venezia.
Vatican (SD 7-5-2011) - Chiều thứ bẩy, 7 tháng 5 năm 2011, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã đến viếng thăm mục vụ tại vùng Ðông Bắc Italia, với hai trạm dừng là Aquileia và Venezia, cho đến chiều chúa nhật 8 tháng 5 năm 2011.
Ðây là cuộc viếng thăm thứ 22 Ðức Thánh Cha thực hiện tại Italia và là chuyến đầu tiên trong năm 2011, với chủ đề là: "Ngài củng cố đức tin của chúng con".
Vùng đông bắc Italia, họp thành giáo miền Triveneto, rộng gần 41 ngàn cây số vuông với 6 triệu 900 ngàn tín hữu Công Giáo thuộc 15 giáo phận, chia làm 4 giáo tỉnh, với 3,526 giáo xứ, gần 7,100 linh mục triều và dòng, 242 phó tế vĩnh viễn.
Sau 1 giờ bay từ Roma Ðức Thánh Cha đã đến phi trường Ronchi dei Legionari lúc quá 4 giờ 30, và được giáo quyền và chính quyền địa phương cùng với đại diện chính phủ Italia tiếp đón nồng nhiệt. Từ đây ngài đã dùng xe đến thành phố Aquileia cổ kính có từ thời La Mã và là một trong những trung tâm từ đó Kitô giáo được lan ra ở miền đông bắc Italia hồi thế kỷ thứ 4 và sinh ra tổng cộng 57 giáo phận hiện nay tại Italia, Sloveni, Áo, Croát, miền Bavière bên Ðức và đến tận Hungari.
Aquileia ngày nay chỉ còn là một làng có 3,500 dân cư, nhưng được chọn làm trạm dừng đầu tiên của Ðức Thánh Cha vì đây là chiếc nôi của Giáo Hội Công giáo ở miền đông bắc Italia và là sẽ diễn ra Ðại Hội kỳ 2 Giáo Hội tại miền miền này vào tháng 4 năm tới, 2012.
Hơn 4,500 tín hữu và dân chúng đã tụ tập tại quảng trường trước Nhà thờ. Ca đoàn đã hát mừng ngài bằng thánh ca la tinh "Nơi nào có tình yêu thương, ở đấy có Thiên Chúa" (Ubi caritas est, ibi Deus est).
Trong lời chào thăm các tín hữu và dân chúng ở Aquileia và miền Triveneto, cùng với các Giám Mục và chính quyền tụ tập trước Vương cung thánh đường, Ðức Thánh Cha ca ngợi quá khứ oai hùng của thành này, thành phố thứ 9 của đế quốc Roma, thứ 4 của Italia, và là chiếc nôi của một Giáo Hội sinh động, gương mẫu, có khả năng loan truyền Tin Mừng chân chính, phổ biến sang các vùng lân cận và được gìn giữ qua bao thế kỷ.
Ngài nói thêm rằng: "Hỡi anh chị em là những người con và là người thừa kế của Giáo hội Aquileia vinh quang.. trong giờ phút này của lịch sử, anh chị em hãy tái khám phá, bảo vệ, và hăng say tuyên xưng chân lý cơ bản này. Thực vậy, chỉ từ nơi Chúa Kitô, nhân loại mới có thể nhận được hy vọng và tương lai, chỉ từ Chúa, con người mới có thể kín múc được ý nghĩa đức tin và sức mạnh của tha thứ, công lý, hòa bình. Anh chị em hãy giữa cho đức tin và các công trình nguyên thủy của mình luôn được sinh động!.. Tôi mời gọi anh chị em hãy luôn tái trở thành những môn đệ của tin Mừng, để diễn tả Tin Mừng qua sự nhiệt thành, qua đức tin sáng ngài, qua đức ái chân thành, luôn nhạy cảm đối với người nghèo.. Hãy chăm chỉ đến Bàn Thờ để lãnh nhận lương thực là chính Chúa Kitô, Bánh sự sống, sức mạnh trong những cơn bách hại, là lương thực khích lệ trong những lúc nản chí và yếu đuối, mang lại can đảm và lòng nhiệt thành Kitô giáo".
Gặp Hội đồng chuẩn bị đại hội đông bắc Italia kỳ 2
Sau lời chào trên đây, Ðức Thánh Cha đã vào bên trong Vương cung thánh đường Aquileia để gặp các Giám Mục miền Triveneto, các thành viên Hội đồng mục vụ giáo phận và 30 người đại diện cho Hội đồng chuẩn bị Ðại hội của Giáo hội miền Ðông bắc Italia, cùng với đông đảo Linh Mục, tu sĩ nam nữ và tín hữu.
Ca đoàn và mọi người đã hát bài "Hỡi Phêrô, con là đá! Tu es Petrus" trong khi Ðức Thánh Cha tiến lên bàn thờ. Sau khi quì cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa, ngài đã chào thăm tất cả các Giám Mục hiện diện trong gian cung thánh.
Lên tiếng sau lời chào mừng của Ðức Tổng Giám Mục giáo phận Gorizia sở tại, và đoạn sách thánh trích từ Sách Khải Huyền (1,4-11), Ðức Thánh Cha nhận xét rằng "Miền Ðông bắc Italia là chứng nhân và là người thừa kế một lịch sử phong phú về đức tin, văn hóa, nghệ thuật với những dấu hiệu vẫn còn rõ rệt trong xã hội ngày nay đang bị tục hóa. Kinh nghiệm Kitô đã hình thành một dân tộc nhã nhặn, cần cù làm việc, kiên trì và liên đơi. Miền này mang vết tích sâu đậm của Tin Mừng Chúa Kitô, tuy vẫn có sự đa nguyên về căn tính văn hóa".
Ðức Thánh Cha nói với các đại biểu và các tín hữu rằng: "Sứ mệnh ưu tiên mà Chúa ủy thác cho anh chị em ngày nay, được canh tân trong cuộc gặp gỡ bản thân với Ngài, chính là làm chứng về tình thương của Thiên Chúa đối với con người. Anh chị em được kêu gọi thực thi điều đó, trước tiên qua những hoạt động thương yêu và những chọn lựa sự sống cụ thể nhắm mưu ích cho con người, từ những người yếu thế nhất, mong manh nhất, vô thương thế tự vệ, không thể tự lập được, như người nghèo, người già, các bệnh nhân, người khuyết tật, những người mà thánh Phaolô gọi là những thành phần yếu nhất trong thân thể Giáo Hội (Xc 1 Cr 12,15-27).. Anh chị em hãy đặt gia đình ở nơi trọng tâm các mối quan tâm của mình; gia đình là chiếc nôi tình thương và sự sống, là tế bào cơ bản của xã hội và cộng đoàn Giáo Hội. Sự dấn thân mục vụ này càng trở nên cấp thiết vì cuộc khủng hoảng đời sống gia đình ngày càng lan tràn, và vì số sinh suy giảm trầm trọng. Trong mọi hoạt động mục vụ của anh chị em, hãy biết dành một sự chăm sóc đặc biệt cho người trẻ, những người đang nhìn về tương lai trong tâm trạng bất an, họ thường sống trong những hoàn cảnh khó khăn, bấp bênh và mong manh, nhưng họ mang trong tâm hồn một sự đói khát đậm đà đối với Thiên Chúa!"
Ðức Thánh Cha nhận xét rằng: "Trong bối cảnh đó, đức tin Kitô ngày nay phải đương đầu với những thách đố mới: người ta thường miệt mài tìm kiếm sự sung túc kinh tế trong một giai đoạn khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và tài chánh, chủ nghĩa duy vật thực hành, thái độ chủ quan. Trong tình thế phức tạp ấy, anh chị em được kêu gọi thăng tiến ý nghĩa Kitô về cuộc sống, qua việc minh bạch rao giảng Tin Mừng, trong niềm hãnh diện và vui tươi, qua các lãnh vực khác nhau của đời sống thường nhật. Từ đức tin được can đảm sống, ngày nay cũng như trong quá khứ, nảy sinh một nền văn hóa phong phú được dệt bằng lòng yêu mến đối với sự sống con người, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên, bằng sự thăng tiến phẩm giá mỗi người, đề cao tầm quan trọng của gia đình, được xây dựng trên hôn nhân chung thủy và cởi mở đối với sự sống; bằng sự dấn thân cho công lý và tình liên đới".
Ðến Venezia
Giã từ Vương cung thánh đường Aquileia, Ðức Thánh Cha đã đáp trực thăng về thành phố nổi Venezia cách đó khoảng 100 cây số về hướng tây. Ðến đây vào lúc gần 7 giờ tối, ngài dùng tàu đến Quảng trường Thánh Marco ở trung tâm của thành phố này.
Venezia được biết đến nhiều trên thế giới như một thành phố nổi và Tổng giáo phận tại đây hiện có hơn 372 ngàn tín hữu Công Giáo với 128 giáo xứ và 103 thánh đường, gần 400 Linh Mục triều và dòng.
Hồi thế kỷ thứ 15, Ðức Giáo Hoàng Nicolò 5 đã quyết định nâng Venezia lên hàng tòa Thượng Phụ. Trong những thế kỷ sau đó, lãnh thổ của các giáo phận nhỏ lân cận dần dần được tháp nhập vào Venezia. Trong số 47 vị Thượng Phụ thành Venezia từ trước đến nay, có 3 vị trở thành Giáo Hoàng trong đó có thánh Piô 10, Ðức Chân Phước Gioan 23 và Vị Tôi Tớ Chúa Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 1.
Tại quảng trường thánh Marco, Ðức Thánh Cha đã gặp gỡ dân chúng địa phương. Trong đáp từ sau lời chào mừng của thị trưởng thành Venezia, ông Giorgio Orsoni, Ðức Thánh Cha nhắc đến gia sản đức tin mà dân thành Venezia này đã nhận lãnh qua dòng lịch sử và bảo tồn, như nhiều thánh đường nổi tiếng tại đây chứng tỏ, đặc biệt là Vương cung thánh đường Chúa Cứu Thế và Ðền thánh Ðức Mẹ Sức khỏe, thu hút nhiều tín hữu hành hương mỗi năm. Ngài nói: "Khi đến viếng thăm thành phố của anh chị em, tôi cầu xin Chúa ban cho tất cả một niềm tin chân thành và phong phú, có khả năng nuôi dưỡng một niềm hy vọng bao la và một sự kiên nhẫn tìm kiếm công ích.
Ðức Thánh Cha cũng mời gọi người dân thành Venezia luôn tìm kiếm sự hòa hợp giữa cái nhìn của đức tin và lý trí, giúp lương tâm nhận thấy rõ sự thiện đích thực, để những quyết định của cộng đoàn dân sự luôn theo những nguyên tắc luân lý đạo đức phù hợp với chân lý sâu xa của bản tính con người.
Sau khi chào thăm chính quyền và dân chúng thành Venezia, Ðức Thánh Cha đã tiến vào Vương cung thánh đường thánh Marco để kính viếng, đặc biệt là cầu nguyện trước hài cốt của vị thánh sử, rồi về tòa Thượng Phụ để dùng bữa tối và nghỉ đêm.
Sáng Chúa nhật 8 tháng 5 năm 2011, Ðức Thánh Cha sẽ dùng tàu đến thành phố Mestre để cử hành thánh lễ vào lúc 10 giờ tại Công viên thánh Giuliano cho các tín hữu thuộc tất cả các giáo phận miền đông bắc Italia. Ban tổ chức dự kiến sẽ có ít nhất 200 trăm ngàn tín hữu đến tham dự Thánh Lễ, khoảng 50 Giám Mục Italia và các nước lân cận như Áo, Sloveni và Croát, cùng với 700 Linh Mục đồng tế với Ðức Thánh Cha, và phần thánh ca do ca đoàn 1 ngàn ca viên đảm trách.
Trong bối cảnh thế giới sau vị Bin Laden bị giết và nhóm Al Qaida hứa trả thù, giới báo chí đặc biệt chú ý đến vấn đề an ninh: 900 nhân viên được huy động để giữ an ninh trật tự và bảo vệ Ðức Thánh Cha trong buổi lễ, trong số này có hơn 600 nhân viên ở địa phương, phần còn lại là các nhân viên khác từ Roma và Vatican được gửi đến để tăng cường.
Ban chiều cùng ngày chúa nhật, Ðức Thánh Cha sẽ tham dự một cuộc gặp gỡ tại Vương cung thánh đường thánh Marco và chủ tọa Ðại hội kỳ 3 của Tòa Thượng Phụ Venezia kết thúc chương trình viếng thăm mục vụ của Ðức Hồng Y Angelo Scola. Sau đó ngài sẽ đi thuyền tới Vương cung Thánh đường Sức Khỏe vào lúc gần 6 giờ chiều, để gặp gỡ giới văn hóa, nghệ thuật và kinh tế. Sau đó ngài sẽ đáp máy bay trở lại Roma, dự kiến vào lúc 8 giờ rưỡi tối. (SD 7-5-2011)
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)