Vai trò của tôn giáo
đối với xã hội
Vai trò của tôn giáo đối với xã hội.
Hoa kỳ [CNS 4/5/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Tự do tôn giáo là một điều tốt cho xã hội, kể cả cho phát triển kinh tế. Trên đây là khẳng định của bà Mary Ann Glendon, chủ tịch Hàn lâm viện Tòa thánh về khoa học xã hội.
Bà Glendon, một giáo sư luật người Mỹ, đã đưa ra lời tuyên bố trên đây bên lề một cuộc gặp gỡ do Hàn lâm viện Tòa thánh về khoa học xã hội tổ chức từ ngày 29 tháng 4 đến 3 tháng 5 năm 2011 với chủ đề "Các quyền phổ cập trong một thế giới đa diện: bênh vực tự do tôn giáo". Tham dự cuộc gặp gỡ có các nhà khoa học xã hội, các chuyên gia về chính trị học, kinh tế gia, luật gia thuộc nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau trên khắp thế giới. Trong 5 ngày hội thảo, các tham dự viên đã lắng nghe các bản báo cáo về việc hạn chế thực hành tôn giáo tại nhiều nước trên thế giới. Nhiều học giả vốn không màng đến vai trò của tôn giáo trong xã hội, nay tìm hiểu về những đóng góp tích cực của tôn giáo.
Trong một cuộc họp báo tại Vatican hôm 4 tháng 5 năm 2011, bà Glendon tuyên bố với báo chí: "cuộc nghiên cứu mới đang thách thức cáo buộc cho rằng tôn giáo là một yêu tố gây chia rẽ trong xã hội". Bà nói rằng tôn giáo có thể bị xử dụng để tạo ra xung đột trong xã hội. Nhưng các dữ kiện lại chứng minh rằng tôn giáo lại thường là một yếu tố quan trọng để đẩy mạnh phát triển, dân chủ và hòa bình.
Theo bà chủ tịch Hàn lâm viện Tòa thánh về khoa học xã hội, một số nghiên cứu cho thấy rằng bạo động đang có khuynh hướng ngày càng gia tăng trong những xã hội nào dẹp bỏ thực hành tôn giáo. Trái lại, việc thăng tiến tự do tôn giáo lại góp phần kiến tạo hòa bình bằng cách hạ giảm xung đột giữa các tôn giáo.
Bà Glendon nói với các ký giả rằng các thành viên của Hàn lâm viên Tòa thánh về khoa học xã hội đều đồng ý rằng những mô thức về tự do tôn giáo khác nhau, vốn phản ánh lịch sử và văn hóa dân tộc, cũng tỏ ra hiệu quả. Tuy nhiên, các thành viên của Hàn lâm viện không đạt được một sự đồng thuận về điều làm nên sự đa nguyên chính đáng và ai có quyền quyết định về điều được gọi là "chính đáng".
Theo bà, những mô thức khác nhau về tự do tôn giáo có thể có khởi điểm khác nhau. Chẳng hạn tại Pháp, tự do tôn giáo xuất phát từ nhu cầu phải bảo vệ Nhà nước khỏi sự can thiệp của Giáo hội. Tại Hoa kỳ, tự do tôn giáo được đề ra là để "bảo vệ các Giáo hội Tin lành khỏi sự kiểm soát của Nhà nước và thăng tiến sự sống chung hòa bình giữa các Giáo hội Tin lành".
Bà Glendon khẳng định: không có nước nào có tự do tôn giáo hoàn toàn. Nghĩa vụ bảo vệ mọi công dân và bảo đảm trật tự trong đời sống xã hội đòi hỏi phải đặt ra một số ranh giới trong đó các nhóm tôn giáo được tự do hoạt độnt.
Về phần mình, trong sứ điệp gởi cho các tham dự viên cuộc gặp gỡ do Hàn lâm viện Tòa thánh về khoa học xã hội tổ chức, Ðức thánh cha Benedicto XVI nói rằng "mỗi quốc gia có quyền tối thượng để công bố luật pháp của mình và bày tỏ nhiều thái độ khác nhau đối với tôn giáo trong luật pháp".
Theo Ðức thánh cha, một số quốc gia dành cho các tôn giáo và các tín đồ nhiều tự do, trong khi đó một số khác lại hạn chế tự do tôn giáo vì nhiều lý do, kể cả vì nghi kỵ đối với chính tôn giáo.
Trong sứ điệp, đức thánh cha nói rằng Tòa thánh "tiếp tục kêu gọi mọi quốc gia phải nhìn nhận tự do tôn giáo như một quyền cơ bản của con người. Ngài kêu gọi mọi quốc gia hãy tôn trọng tự do tôn giáo và nếu cần, bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số".
Ðức thánh cha nói: "Thiên Chúa chờ đợi nơi con người một sự đáp trả tự do với tiếng gọi của Ngài". Dó đó không ai bị cưỡng bách phải tin và cũng không ai bị ngăn cản để sống theo lương tâm của mình.
Ông Allen Hertzke, một giáo sư về chính trị học tại đại học Oklahoma, Hoa kỳ, và là một nhà nghiên cứu về tự do tôn giáo, nói với các ký giả rằng "con người là những tạo vật có tinh thần. Họ chỉ "triển nở" một cách tốt đẹp nhứt khi được phép sống theo phẩm giá nền tảng của mình mà thôi".
Là một người thuyết trình tại cuộc gặp gỡ của Hàn lâm viện Tòa thánh về khoa học xã hội, giáo sư Hertzke nói rằng trong mọi tôn giáo và tại khắp nơi trên thế giới, ngày càng có những nhà lãnh đạo và chuyên gia đồng ý rằng "cưỡng bách là một điều sai lầm về phương diện tôn giáo, bởi vì "bạn không thể cưỡng bách con người tùng phục Thiên Chúa. Hành động này cũng làm thiệt hại cho các xã hội, bằng cách gia tăng áp bức, đàn áp và căng thẳng trong xã hội.
Bà Glendon cho biết: tham dự cuộc gặp gỡ do Hàn lâm viện Tòa thánh tổ chức không chỉ có các chuyên gia công giáo, mà còn có đại diện của các tôn giáo lớn khác như Ấn giáo, Do thái giáo và Hồi giáo.
Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa thánh về khoa học xã hội nói: Mọi lục địa, nhiều vùng và mọi tôn giáo lớn đều được đại diện trong cuộc gặp gỡ của chúng tôi".
CV.