Vai trò của Ðức Gioan Phaolô II

và sự sụp đổ của chế độ cộng sản đông âu

 

Vai trò của Ðức Gioan Phaolô II và sự sụp đổ của chế độ cộng sản đông âu.

Balan (Avvenire 24-4-2011) - Phỏng vấn ông Tadeusz Mazowiecki, thủ tướng đầu tiên của chế độ dân chủ Ba Lan, về Ðức Gioan Phaolô II.

Ngày mùng 1 tháng 5 năm 2011 Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI chủ sự thánh lễ tôn phong Chân Phước cho vị tiền nhiệm là Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội một vị Giáo Hoàng chủ sự thánh lễ phong Chân Phước cho vị tiền nhiệm của mình.

Là "vị Giáo Hoang đến từ xa", như người tự định nghĩa, Ðức Gioan Phaolô II duy trì nguồn gốc này của mình, và đóng ấn nó trên mọi hành động trong triều đại của người, nhưng cũng đồng thời rộng mở cho thế giới: trong sự can đảm chống lại các chính quyền độc tài, trong việc bảo vệ phẩm giá và các quyền con người, bênh vực công việc làm của con người, tôn sùng Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa.

Khi thế chiến thứ II bùng nổ, Ðức Wojtila 20 tuỗi và đã sống kinh nghiệm chế độ độc tài của Hitler, rồi chế độ độc tài của đế quốc Liên Xô cho tới khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, kéo theo sự sụp đổ của Liên xô và các nước cộng sản Ðông Âu. Nhưng ngay sau đó, tinh thần thực tiễn ngôn sứ của người đã thúc đẩy Ðức Gioan Phaolô II bước vào cuộc chiến đấu mới chống lại chủ nghĩa tư bản. Dưới triều đại của người Ðức Gioan Phaolô II đã có biết bao nhiêu sáng kiến trong đó có việc đại diện Giáo Hội Công Giáo xin lỗi các anh chị em Do thái, viếng thăm hội đường do thái tại Roma, triệu tập Ngày liên tôn cầu nguyện cho hòa bình thế giới tại Assisi, thành lập ngày Quốc tế giới trẻ vv... Ðức Gioan Phaolô II cũng là vị Giáo Hoàng thực hiện nhiều chuyến tông du nhất. Người đã thực hiện 104 chuyến công du ngoài Italia, trong đó Ðức Gioan Phaolô II đã viếng thăm 127 quốc gia. Trong 27 năm làm Giáo Hoàng Ðức Gioan Phaolô II đã viếng thăm Ba Lan 9 lần, Pháp 8 lần, Hoa Kỳ 7 lần, Mehicô và Tây Ban Nha mỗi nước 5 lần; Brasil, Bồ Ðào Nha và Thụy Sĩ mỗi nước 4 lần. Ngoài ra người đã thực hiện 140 chuyến viếng thăm trong nước Italia, và đã thăm hơn 300 trên tổng số 344 giáo xứ của giáo phận Roma.

Ðức Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng đã có ảnh hưởng rất lớn trên cuộc sống Giáo Hội Công Giáo và trên cả tình hình thế giới. Dưới triều đại 27 năm của người Tòa Thánh Vaticăng đã nới rộng các liên lạc ngoại giao với 90 quốc gia năm châu, nâng con số 84 nước khi Ðức Gioan Phaolô II lên ngôi hồi năm 1978 lên 174 nước, khi người qua đời cách đây 6 năm. Một cách đặc biệt Ðức Gioan Phaolô II đã có công lớn đối với sự sụp đổ của chế độ cộng sản Liên Xô và Ðông Âu, trong đó có Ba Lan là quê hương của người.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Tadeusz Mazowiecki, thủ tướng đầu tiên của chế độ dân chủ Ba Lan hồi năm 1987, về Ðức Gioan Phaolô II. Tên tuổi của ông cùng tên tuổi của Ðức Gioan Phaolô II đã đi vào lịch sử Ba Lan và lịch sử thế giới.

Ông Tadeusz Mazowiecki sinh năm 1927 đã là một nhà báo, một người hoạt động xã hội và nhà chính trị Ba Lan. Ông cũng là thành viên của nhóm thành lập Công Ðoàn Liên Ðới Solidanosc sát cánh với ông Lech Walesa. Ông đã bị nhà nước cộng sản Ba Lan lên án vì tội chống đối chế độ cộng sản. Là tín hữu công giáo dấn thân ngay từ thập niên 1950 ông Mazowiecki đã là cố vấn của ông Lech Walesa, lãnh tụ công đoàn độc lập Liên Ðới Solidanosc, là lực lượng tiên phong đã khiến cho chế độ cộng sản Ba Lan sụp đổ. Ông Mazowiecki đã là Thủ tướng Cộng Hòa Ba Lan từ ngày 24 tháng 8 năm 1989 tới ngày 31 tháng 12 năm 1989. Sau khi chế độ cộng sản cáo chung, ông đã tiếp tục chức vụ Thủ tướng cho tới ngày 12 tháng giêng năm 1991. Ông cũng đã là đặc sứ của Liên HIệp Quốc tại cựu Yugoslavia. Nguyên thủ tướng rất kín đáo khi đề cập tới tương quan đặc biệt của ông với Ðức Gioan Phaolo II, nhưng ông luôn luôn khẳng định xác tín sau đây của mình: "Chính Ðức Gioan Phaolô II đã tái trao ban cho tín hữu Ba Lan lòng can đam lên tiếng trong cuộc sống công cộng, bằng cách làm chứng cho thiên tài của Kitô giáo".

Hỏi: Thưa ông Mazowiecki, khi nào ông đã ý thức được sự sang trang lịch sử này tại Ba Lan?

Ðáp: Hồi năm 1977 trong tư cách là chủ tịch của hiệp hội trí thức công giáo thủ đô Varsava, tôi đã tổ chức một đại hội về đề tài "Kitô hữu trước các quyền con người". Nhưng đã không thể ấn hành các diễn văn của đại hội, vì nhà nước cộng sản kiểm duyệt chúng. Tuy nhiên, tôi đã thành công trong việc gửi các diễn văn của đại hội cho một vài Giám Mục của Hội Ðồng Giám Mục. Ðức Hồng Y Karol Wojtila đã viết cho tôi một thư trả lời rất ý nghĩa, trong đó người khẳng định rằng: tại Ba Lan "các quyền con người gặp gỡ một cách hầu như có cơ cấu với các quyền của quốc gia và các quyền của Giáo Hội". Và người kết luận:"Chúng ta là các chứng nhân của một liên minh ngày càng lớn giữa Giáo Hội, Quốc gia và bản vị con người". Ðó đã là một ý niệm mới, một ý niệm cách mạng: Giáo Hội không hạn chế trong việc bênh vực các quyền của riêng mình, mà biến sự tự do tôn giáo trở thành đá tảng cho các quyền tự do xã hội và dân sự của toàn Quốc gia.

Hỏi: Ông có đề cập vền đề này với Ðức Gioan Phaolô II sau khi người được bầu làm Giáo Hoàng không?

Ðáp: Vào tháng 6 năm 1979 Ðức Gioan Phaolô II đã viếng thăm quê hương Ba Lan lần đầu tiên. Ðó đã là một chuyến công du chiến thắng với hàng triệu người quây quần chung quanh Ðức Thánh Cha đến để loan báo sự thật của Chúa Kitô về con người. Tôi cũng đã có mặt tại quảng trường Chiến Thắng trong thủ đô Varsava ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, khi Ðức Gioan Phaolô II lớn tiếng khẩn nài Chúa Thánh Thần biến đổi trái đất, và người nói thêm biến đổi "vùng đất này" khiến cho tín hữu đã nồng nhiệt vỗ tay hoan hô người rất lâu. Trước khi người trở về Roma, tôi đã có dịp nói chuyện với người. Ðức Gioan Phaolô II nói: "Tôi tự hỏi cái gì sẽ xảy ra sau chuyến viếng thăm này của tội tại Ba Lan". Tôi nghĩ tới các lời này sau đó, khi các công nhân xưởng đóng tầu Gdanz biểu tình đình công, và điều đầu tiên các công nhân biểu tình làm đó là treo hình Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trên cổng vào xưởng đóng tầu.

Hỏi: Công đoàn Liên Ðới Solidanosc đã nảy sinh và bắt đầu cuộc chiến đấu chống lại chế độ cộng sản. Giờ đây người ta nghĩ rằng nó đã đi từ chiến thắng này qua chiến thắng khác, có đúng thế không thưa ông?

Ð: Không đúng. Trái lại, đó đã là một cuộc đấu tranh cam go và khó khăn. Theo các nhà quan sát lúc bầy giờ thì nó không có khả thể thành công nào. Nhưng Ðức Gioan Phaolô II đã là một trong số ít người xác tín rằng chế độ cộng sản sẽ bị đánh bại. Tôi cũng nghĩ như thế, nhưng không ai trong chúng tôi dám dự kiến chế độ cộng sản sẽ bị thua trận khi nào và ra sao. Cái khôn khéo lớn của Ðức Karol Wojtyla là đã duy trì đường lối chính trị cởi mở đối với các nước cộng sản Ðông Âu, nhưng đặt để nó vào trong một chiều kích rộng lớn hơn, và các tác nhân đối thoại không còn phải chỉ là các chính quyền nữa, mà là các dân tộc.

Hỏi: Có thể nói rằng Ðức Gioan Phaolô II đã là một ngôn sứ lẻ loi không thưa ông?

Ðáp: Ðức Gioan Phaolô II đã trao tiếng nói cho các khát vọng của hàng triệu người. Nhưng cả bên trong Giáo Hội Ba Lan cũng có người nghĩ rằng sau khi tướng Jaruzelski tuyên bố tình trạng chiến tranh, và loại trừ Công đoàn Liên Ðới Solidanosc ra ngoài vòng pháp luật, cần phải tìm ra một vài thỏa hiệp với chính quyền cộng sản. Trái lại, Ðức Gioan Phaolô II đã không ngừng ủng hộ lý lẽ của công đoàn tự do của chúng tôi. Chính Ðức Gioan Phaolô II đã minh xác với tôi điều đó hồi năm 1987, khi tôi có thể đến Roma viếng thăm người và Tòa Thánh Vaticăng. Tôi đã ra khỏi cuộc gặp gỡ với tâm hồn nhẹ nhõm. Và tôi cám ơn Thiên Chúa vì món qùa qúy báu là vị Giáo Hoàng cao cả này.

Hỏi: Ông đã gặp gỡ Ðức Gioan Phaolô II nhiều lần. Cuộc gặp gỡ nào đã quan trọng nhất?

Ðáp: Ðó là khi tôi chính thức được tiếp kiến tại Vaticăng hồi tháng 10 năm 1989. Tôi đến Văticăng như Thủ tưởng của chính quyền dân chủ Ba Lan, và được một vị Giáo Hoàng người Ba Lan tiếp đón. Ðức Gioan Phaolô II đã giơ tay ra bắt tay tôi và siết chặt rất lâu, cả hai chúng tôi đều yên lặng. Chúng tôi đã biết mình sống một phép lạ không cần phải diễn tả bằng nhiều lời nới. Tôi cảm thấy được tràn ngập bởi sự dịu hiền của một người cha yêu mến và hãnh điện về nước Ba Lan. Ðức Gioan Phaolô II sẽ luôn mãi là điểm tham chiếu cho mọi người dân Ba Lan, tin hay không tin. Người đã cho chúng tôi trở lại niềm hy vọng, sự tự do và phẩm giá con người. Chúng tôi sẽ không thể nào quên được điều đó.

Hỏi: Thưa ông Mazowiecki, Ðức Gioan Phaolô II đã không chỉ đóng lại một giai đoạn, mà còn mở ra một giai đoạn mới nữa, bằng cách dẫn đưa Giáo Hội bước vào Ngàn năm mới. Ðâu là sứ điệp mạnh mẽ nhất đã định tính cho giai đoạn thứ hai này trong triều đại giáo hoàng của người?

Ðáp: Có nhiều yếu tố lắm, nhưng tôi chỉ xin dừng lại ở một trong các điểm mới mẻ nhất này: đó là giáo lý về sự can thiệp nhân đạo. Ðức Gioan Phaolô II đã thúc đẩy cộng đồng quốc tế can thiệp để chặn đứng các tai ương và các kinh hoàng. Người đã chỉ cho thấy một con đường mà các nền dân chủ còn phải vất vả để bước đi. Ðức Gioan Phaolô II đã nhắc tới tính cách cấp thiết của nó. Chúng ta có bổn phận tìm ra các phương thế và các dụng cụ thích hợp để khiến cho nó được hữu hiệu.

(Avvenire 24-4-2011)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page