Ðức Gioan Phaolo II

Vị sứ giả của lòng Chúa Nhân Từ

 

Ðức Gioan Phaolo II Vị sứ giả của lòng Chúa Nhân Từ.

Roma [National Catholic Register 30/4/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ðức Gioan Phaolo II qua đời ngày thứ Bảy 2 tháng 4 năm 2005, áp ngày Chúa Nhựt thứ 2 Phục Sinh, Chúa Nhựt của Lòng Chúa Nhân Từ. Do đó, ngày 1 tháng 5 năm 2011, Chúa Nhựt thứ hai Phục Sinh, được chọn để tôn phong chân phước cho ngài có một ý nghĩa đặc biệt, bởi vì di sản của vị giáo hoàng này gắn liền với Lòng Chúa Nhân Từ.

Năm 1981, tại Ðền Thánh Lòng Chúa Nhân Từ ở Collevalenza, Ý, trong chuyến viếng thăm đầu tiên bên ngoài Roma sau khi bị mưu sát, đức Gioan Phaolo II đã tuyên bố như sau: "Ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ Phero tại Roma, tôi đã xem sứ điệp này là một tác vụ đặc biệt của tôi. Chúa Quan Phòng đã ủy thác tác vụ này cho tôi trong hoàn cảnh hiện nay của con người, của Giáo hội và thế giới. Có thể nói rằng hoàn cảnh này đã trao phó sứ điệp này cho tôi như một nhiệm vụ trước mặt Chúa".

Một năm trước đó, ngài đã viết thông điệp "Dives in Misericordia" [Giàu lòng xót thương]. Ngay cả trước đó, ngài cũng đã từng có liên hệ với sứ điệp của nữ tu Faustina Kowaslka, là người đã được Chúa Giesu ủy thác sứ điệp về Lòng Chúa Nhân Từ.

Cha Seraphim Michalenko, thuộc dòng Ðức Mẹ Vô Nhiễm, một chuyên gia về lòng Chúa Nhân Từ, người đã từng làm phụ tá trong hồ sơ phong thánh cho nữ tư Faustina tại Bắc Mỹ, đã cho biết một vài khía cạnh trong việc tôn kính của Ðức Gioan Phaolo II đối với Lòng Chúa Nhân Từ.

Năm 1965, Ðức cha Karol Wojtyla, Tổng giám mục Krakow và người bạn của ngài là Ðức hồng y Andrzej Deskur, lúc bấy giờ đang còn là linh mục, ra khỏi vương cung thánh đường thánh Phero sau khóa họp cuối cùng của công đồng Vatican II. Lúc bấy giờ Ðức cha Wojtyla ghi nhận rằng "ngài bị người ta tới tấp đặt câu hỏi về tiến trình phong thánh cho nữ tu Faustina". Tuy nhiên, theo cha Michalenko, lúc bấy giờ, các tác phẩm của nữ tu này bị ngăn cấm: từ năm 1959 đến năm 1978, sứ điệp về lòng Chúa Nhân Từ của nữ tu này bị cấm phổ biến.

Ðức cha Wojtyla và cha Deskur đã đến gặp Ðức hồng y Alfredo Ottaviani là người rất am tường về hồ sơ của nữ tu Faustina. Chính vị Hồng y này đã thúc đẩy ngài tiến hành hồ sơ xin phong chân phước cho nữ tu Faustina.

Cha Michalenko cho biết: Ðức cha Wojtyla đã nhắc điện thoại, gọi cho vị Giám mục phụ trách về hồ sơ và yêu cầu tiến hành án phong chân phước cho nữ tu Faustina.

Năm 1978, Ðức Phaolo VI đã tháo gỡ lệnh cấm tôn kính Lòng Chúa Nhân Từ do nữ tu Faustina khởi xướng. Và 6 tháng sau, Ðức hồng y Wojtyla được bầu làm giáo hoàng.

Năm 1993, đức Gioan Phaolo II tôn phong chân phước cho nữ tu Faustina, thường được gọi là "Tông đồ của Lòng Chúa Nhân Từ". Ngày 30 tháng 4 năm 2000, chân phước Faustina được tôn phong hiển thánh.

Trong cuốn sách có tựa đề "Faustina, vị thánh của thời đại: một cái nhìn cá nhân về cuộc đời, linh đạo và di sản của thánh nữ", cha George Kosicki, viết rằng "khi phong thánh cho thánh nữ Faustina, đức Gioan Phaolo II cũng "phong thánh" cho sứ điệp và sự tôn kính đối với Lòng Chúa Nhân Từ khi công bố Chúa Nhựt Thứ Hai Phục Sinh là "Chúa Nhựt của Lòng Chúa Nhân Từ".

Ðức Gioan Phaolo II đã nói: "Ðây là ngày hạnh phúc nhứt trong đời tôi".

Trong ngày đó, vị giáo hoàng người Balan này nói: "Việc phong thánh cho nữ tu Faustina có một ý nghĩa đặc biệt: Với hành động này, hôm nay tôi muốn lưu truyền sứ điệp này cho thiên nguyên kỷ mới. Tôi lưu truyền sứ điệp này cho mọi người để họ học biết rõ hơn Dung Nhan đích thực của Thiên Chúa và gương mặt đích thực của anh chị em mình".

Trong bài giảng, Ðức thánh cha giải thích: "Không có gì mà con người cần cho bằng Lòng Chúa Nhân Từ.. Ðây là một sứ điệp rõ ràng và ai cũng hiểu được. Ai cũng có thể đến đây, để nhìn vào hình ảnh của Chúa Giesu nhân từ, trái tim rạng ngời ân sủng của Ngài và nghe tự trong đáy thẳm tâm hồn mình điều mà chân phước Faustina đã từng nghe được: "Ðừng sợ gì cả. Ta hằng ở với con". Nếu người đó đáp trả bằng một trái tim chân thành "Lạy Chúa Giesu, con tin tưởng nơi Chúa" thì người đó sẽ tìm được an ủi trong mọi lo lắng và sợ hãi của mình... Ở ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba, một lần nữa tôi ký thác nơi Ngài sứ vụ Phero của tôi: "Lạy Chúa Giesu, con tin tưởng nơi Chúa".

Ðức thánh cha nói rằng sứ điệp của Lòng Chúa Nhân Từ thật rõ ràng đối với ngài. Ðây là một nguồn hy vọng cho nhân dân Balan trong thời đệ nhị thế chiến. Ðây cũng là kinh nghiệm cá nhân của ngài.

Một trong những điểm quan trọng trong di sản của đức Gioan Phaolo II là cho thành lập Hội đồng Tòa thánh về chăm sóc mục vụ cho các nhân viên y tế.

Năm 2002, đức Gioan Phaolo II đã trở về Krakow và Lagiewniki nhân dịp cung hiến Ðền Thánh Lòng Chúa Nhân Từ. Một lần nữa, ngài nhấn mạnh đến sứ điệp của lòng Chúa Nhân Từ.

Cho đến cùng, cả cuộc đời của vị giáo hoàng này gắn liền với sứ điệp của Lòng Chúa Nhân Từ: ngài qua đời chiều tối ngày 2 tháng 4 năm 2005, áp lễ Lòng Chúa Nhân Từ.

Sứ điệp cuối cùng của ngài về Lòng Chúa Nhân Từ là bài suy niệm trước kinh lạy Nữ Vương Thiên Ðàng ngày 3 tháng Tư năm 2005. Sứ điệp đã được đọc vào cuối thánh lễ Lòng Chúa Nhân Từ tại quảng trường thánh Phero.

Trong sứ điệp, đức Gioan Phaolo II viết: "Chúa Phục Sinh trao ban tình yêu có sức tha thứ, hòa giải và mở rộng trái tim con người cho tình yêu. Ðây là một tình yêu có sức hoán cải tâm hồn và ban hòa bình. Thế giới cần phải hiểu và đón nhận Lòng Chúa Nhân Từ biết chừng nào".

Trong ngày Chúa Nhựt Lòng Chúa Nhân Từ năm 2008, Ðức đương kim giáo hoàng Benedicto XVI nói rằng "cũng như nữ tu Faustina, đức Gioan Phaolo II là một vị tông đồ của Lòng Chúa Nhân Từ trong thời đại của ngài". Ðức Benedicto XVI ghi nhận rằng đức Gioan Phaolo II đã nhắm mắt lìa đời vào chính ngày áp lễ Lòng Chúa Nhân Từ và đồng thời cũng là ngày thứ bảy đầu tiên trong Tháng Hoa, kính Ðức Mẹ.

Theo đức thánh cha, đây là "cốt lõi của triều đại lâu dài và đa diện này: toàn bộ sứ mệnh phục vụ Thiên Chúa, con người và hòa bình thế giới đều được tóm gọn trong lời loan báo của đức Gioan Phaolo II tại Krakow hồi năm 2002", khi ngài cung hiến đền thánh Lòng Chúa Nhân Từ tại Lagiewniki.

Ðức Benedicto XVI nói: "Sứ điệp của đức Gioan Phaolo II, cũng như sứ điệp của thánh nữ Faustina, dẫn chúng ta đến gương mặt của Chúa Kitô, mạc khải tối thượng của lòng Chúa Nhân Từ. Không ngừng chiêm ngắm gương mặt ấy: đây là di sản mà ngài đã để lại cho chúng ta. Chúng ta hãy hân hoan đón nhận và sống sứ điệp ấy".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page