Luật kế vị tại vương quốc Anh
và người công giáo
Luật kế vị tại vương quốc Anh và người công giáo.
Anh [CNA 24/6/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Cũng như đám cưới của hòàng tử Charles và công nương Diana cách đây 30 năm, đám cưới của hòang tử William và cô Kate Middleton vào ngày thứ Sáu 29 tháng 4 năm 2011 là một biến cố được thế giới theo dõi nhiều nhứt. Nhân dịp này, đã nổ ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi về luật kế vị trong hoàng gia Anh. Theo luật đã có từ hằng bao thế kỷ nay, các quốc vương hay nữ hoàng Anh không được phép lấy một người công giáo.
Trong số ra ngày 25 tháng 4 năm 2011, Báo The Daily Telegraph phát hành tại London tiết lộ rằng ý định bãi bỏ luật kế vị năm 1701 hiện đang bị "khựng lại" vì gặp sự "chống đối đáng kể" của Giáo hội Anh giáo Anh.
Mới đây, thủ hiến Scotland, ông Alex Salmond, đã viết thư cho chính phủ Anh để yêu cầu làm sáng tỏ vụ này càng sớm càng tốt.
Ông Salmond cho biết: "Tôi đã viết thư cho thủ tướng David Cameron để kêu gọi bãi bỏ mọi kỳ thị có chứa đựng trong Luật Kế Vị, kể cả sự kỳ thị ra mặt đối với người công giáo: đây là một điều hoàn toàn không thể chấp nhận được trong xã hội hiện đại. Tôi quan ngại sâu xa về những tin tức cho biết cuộc cải tổ rất cần thiết và đã quá trễ này đã bị chính phủ Anh ngăn chận".
Luật nói trên không hề cấm cản hoàng gia lập gia đình với những tín đồ các tôn giáo khác như Hồi giáo, Do thái giáo hay ngay cả những người vô thần hay vô tín.
Hiện Anh Giáo vẫn còn là quốc giáo tại Anh Quốc và quốc vương hay nữ hoàng vẫn được xem là "thủ lãnh tối cao" của Giáo hội này.
Một phát ngôn viên của chính phủ Anh nói với báo The Daily Telegraph rằng chính phủ "nhìn nhận có những điều khoản trong luật kế vị có tính cách kỳ thị".
Tuy nhiên, theo phát ngôn viên này, tiến trình tu chính luật "là một vấn đề phức tạp và khó khăn đòi hỏi phải có nghiên cứu cẩn thận và xuyên suốt", vì nó sẽ ảnh hưởng đến việc kế vị trên ngài vàng Vương quốc Anh.
Một phát ngôn viên của Giáo hội Anh giáo tại Anh cũng bày tỏ những quan ngại tương tự. Viên chức Giáo hội Anh này nói rằng điều khoản chống công giáo "đương nhiên" xem ra lỗi thời.
Nhưng viên chức này nói với tờ The Telegraph rằng "nếu điều khoản cấm không được kết hôn với người công giáo được tháo gỡ, thì khó khăn vẫn còn đó, bởi vì quốc vương Anh vẫn bị đòi hỏi phải hiệp thông với Giáo hội Anh giáo Anh với tư cách là "thủ lãnh tối cao của Giáo hội này". Và đây chắc chắn là điều mà với giáo luật hiện hành, Giáo hội Công giáo không thể nào chấp nhận được."
Luật kế vị đã được ban hành năm 1701 nhằm ngăn cản không cho hậu duệ của vua James II, một người công giáo, được quyền kế vị. Quốc vương James II đã thoái vị trong biến cố thường được gọi là "cuộc cách mạng vinh quang" năm 1688: cuộc cách mạng này do những người ủng hộ công chúa Mary thực hiện. Công chúa Mary là trưởng nữ của vua James II. Bà theo Tin lành và cưới hoàng tử William Orange. Sau này hoàng tử William lên ngôi với tước hiệu là William III.
Trong những năm gần đây, Luật Kế vị này đã ảnh hưởng đến nhiều thành viên của hoàng gia Anh.
Năm 2001, Lord Nicholas Winsdor, người con trai út của quận công Kent, vì trở lại Công giáo, cho nên vĩnh viễn mất quyền kế vị.
Năm 2008, Autumn Kelly, một người Canada, hôn thê của Peter Philips, cháu nội của nữ hoàng, đã từ Anh giáo trở lại Công giáo, do đó cũng làm cho chồng bà mất quyền kế vị.
Hoàng tử William, người đứng thứ hai trong hàng ngũ những người sẽ kế vị nữ hoàng, sẽ thành hôn với cô Kate Middleton tại tu viện Westminster ở London vào ngày mai thứ Sáu 29 tháng Tư năm 2011. Dĩ nhiên, nghi lễ sẽ được cử hành theo phụng vụ của Giáo hội Anh giáo.
Tuởng cũng nên biết: năm 2007, khi thủ tướng Tony Blair chuẩn bị từ chức, Ðảng Dân Chủ Tự Do Anh đã kêu gọi bãi bỏ luật kế vị. Ðảng Dân Chủ Tự Do đưa ra lời kêu gọi này vì hy vọng rằng ông Tony Blair sẽ trở lại Công giáo và như vậy sẽ ủng hộ việc bãi bỏ luật nói trên. Tuy nhiên, ông Blair đã ra đi mà không làm bất cứ hành động nào theo chiều hướng này.
Trở lại với vụ hôn thê của hoàng thân Peter Philips bỏ Anh giáo để gia nhập Công giáo. Sự kiện này đương nhiên làm cho hoàng thân Philips mất quyền kế vị. Ông là người đứng thứ 10 trong danh sách những người có thể kế vị trên ngai vàng Anh quốc. Lẽ ra, bà Kelly phải trở lại Anh giáo để chồng mình được còn trong danh sách những người kế vị. Nhưng hoàng thân Philips đã chấp nhận cho vợ mình trở lại Công giáo và từ bỏ việc kế vị.
Theo báo The Telegraph, nếu luật kế vị tại Anh quốc bị bãi bỏ, thì điều này sẽ gây xáo trộn cho chính Giáo hội Anh giáo tại nước này. Theo báo này, để tỏ ra công bình với người công giáo, Quốc hội có thể tiến thêm một bước nữa để biến Anh quốc thành một quốc gia thế tục. Nhưng điều này sẽ khiến cho nhiều người Anh lo ngại: Theo thống kê, dân số Hồi giáo tại Anh và Xứ Wales đã có trên 1 triệu 6 trăm ngàn nguời. Nếu Anh giáo không còn là Quốc Giáo thì Hồi giáo sẽ chiếm chỗ bị Giáo hội Anh giáo bỏ trống.
CV.