Vài nét về sư huynh tu viện trưởng

tu viện đại kết Taizé

 

Vài nét về sư huynh tu viện trưởng tu viện đại kết Taizé.

Pháp [La Croix 22/4/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Sư huynh Elois đã lên thay thế sư huynh Roger trong chức vụ tu viện trưởng tu viện đại kết Taizé từ năm 2005.

Chào đời tại làng Ethingen, miền Baviere, Ðức, sư huynh đã lớn lên tại thành phố Stuttgart là nơi mà thân phụ sư huynh làm công nhân cho công ty xe điện trong thành phố.

Thân phụ mẫu của sư huynh đều là người công giáo xuất thân từ miền Bohemia thuộc Áo - Hungary. Miền này đã thuộc về Tiệp Khắc từ năm 1918 khi nước này tuyên bố độc lập. Sư huynh cho biết cha mẹ mình nói rất nhiều về những nguồn gốc của họ tại Bohemia.

Năm 16 tuổi, cùng với giáo xứ, sư huynh đã đến sống một tuần lễ tại tu viện Taizé. Nhắc lại kỷ niệm, sư huynh Alois nói: "Tôi rất yêu thích sự thinh lặng, bầu khí đơn sơ và đại đồng của nơi này". Ngay khi vừa trở về nhà, người thiếu niên 16 tuổi đã bắt liên lạc với những người di dân Ý và Phi luật tân để sống tình huynh đệ đại đồng.

Dịp lễ Phục sinh năm 1971 và trong mùa hè năm đó, người thiếu niên cũng trở lại tu viện một lần nữa. Vài tháng sau, các sư huynh của tu viện đã điện thoại mời người thanh niên làm một chuyến viếng thăm Phần Lan. Chính tại đây mà sư huynh đã gặp gỡ bà Anna Maija Nieminen, một thi sĩ tin lành và đồng thời cũng là một dịch giả mà sư huynh luôn trao đổi thư từ.

Năm 19 tuổi, nghĩ đến ơn gọi linh mục, người thanh niên đã xin gia nhập vào Hiệp hội vì hòa bình và hòa giải có tên là "Aktion Suhnezeichen" mà người sáng lập, mục sư Lothar Kreyssig là một người thân của cố sư huynh Roger.

Cuối cùng, anh đã chọn đến sống nguyên năm 1973 trên đồi Bourgogne, Pháp, cùng với vài chục thiện nguyện viên khác. Cộng đồng đã gởi anh đến sống ba tuần lễ tại Praha, Tiệp khắc: đây là lần đầu tiên sư huynh vượt qua bức màn sắt.

Ðã từng nghe cha mẹ kể lại những biến cố đau thương khi bị trục xuất khỏi Tiệp Khắc, chàng thanh niên rất xúc động khi gặp gỡ các tín hữu kitô Tiệp, nhứt là người Kaplan.

Trở về Taizé, sư huynh dấn thân vào việc chuẩn bị "Công đồng giới trẻ" diễn ra dạo tháng 8 năm 1974, với sự có mặt của mục sư Philip Potter, tổng thư ký Hội đồng các Giáo hội Kitô, các Ðức hồng y Johannes Willebrands, chủ tịch Văn phòng Tòa thánh về hiệp nhứt Kitô giáo và Franz Koenig, đặc trách về các quan hệ chính thức với các chế độ cộng sản Ðông Âu.

Bị đánh động mãnh liệt với cuộc gặp gỡ của giới trẻ Âu châu, tháng 11 năm 1974, nguời thanh niên đã chính thức xin gia nhập cộng đồng đại kết Taizé.

Với sự cố vấn của sư huynh Alois, cộng đồng đại kết Taizé đã tìm ra được huớng đi mới của mình: để tránh tạo ra cảm tưởng muốn thu hút các bạn trẻ tập trung về Taizé, cộng đồng đã sai phái họ trở về với các Giáo hội địa phương và tổ chức điều thường được gọi là "cuộc hành huơng của lòng tin tưởng trên mặt đất" tại nhiều thành lập lớn ở Âu châu, bắt đầu từ thủ đô Paris, Pháp quốc năm 1978.

Chính sư huynh Alois là người được cộng đồng gởi đi để chuẩn bị các cuộc gặp gỡ ấy.

Ngoài ra, sư huynh Roger, tu viện trưởng của tu viện, cũng yêu cầu các sư huynh đào sâu Kinh Thánh để có thể đáp ứng với những nhu cầu của các thế hệ trẻ vốn không mấy thân thiện với Kinh Thánh.

Thấy sư huynh Alois biết chơi tây ban cầm, sư huynh Roger đã xin sư huynh sáng tác các bài hát dành cho giới trẻ. Một số những bài thánh ca thường được hát trong cộng đồng là sáng tác của chính sư huynh.

Ngoài các sinh hoạt giới trẻ, cộng đồng đại kết Taizé cũng dấn thân phục vụ người nghèo. Với công tác này, sư huynh Alois thường tháp tùng sư huynh tu viện trưởng trong các chuyến đi đến các khu ổ chuột tại một số nước như Nairobi, Chile, Haiti.

Sư huynh Alois cho biết: chính tại đây mà sư huynh đã hiểu được rằng những nguời nghèo nhứt không chỉ chờ đợi đuợc giúp đỡ về vật chất, họ cũng có nhu cầu được lắng nghe, thông cảm và tôn trọng.

Một số nhà huynh đệ của Cộng đồng Taizé đã được thiết lập tại Nam Hàn, Senegal, Bangladesh, Brasil và Kenya. Sư huynh Alois giải thích: "Các cộng đồng này không hoạt động như những tổ chức không chính phủ, mà chỉ những những người bạn với những bàn tay trống rỗng."

Năm 1978, sau khi vĩnh khấn vào ngày 6 tháng 8, ngày đức Phaolo VI qua đời, sư huynh Alois cho biết: sư huynh Roger muốn chọn mình làm người kế vị. Trong những năm sau đó, sư huynh Roger đã tìm cách công khai hóa quyết định của mình. Nhưng mãi cho đến năm 1998, khi sư huynh Roger nói rằng mình đã quá già yếu, lúc đó sư huynh Alois mới chính thức được chỉ định làm người kế vị. Nhưng sư huynh chỉ thực sự trở thành tu viện trưởng của tu viện năm 2005 khi sư huynh Roger bị thảm sát.

Là một người công giáo, sư huynh Alois đã có lần nêu lên ơn gọi linh mục, nhưng sư huynh Roger trả lời: "chúng ta là một cộng đoàn giáo dân".

Hiện nay cộng đồng đại kết Taizé gồm có 70 sư huynh, một nửa Tin lành, một nửa Công giáo, tất cả đều liên kết với nhau để làm chứng và nói lên niềm hy vọng kitô.

Khi vừa mới bắt đầu thi hành sứ vụ, sư huynh Alois đã đi viếng thăm các vị hữu trách của các Giáo hội khác nhau để chứng tỏ rằng cộng đồng đại kết Taizé chỉ mong tìm kiếm sự hiệp thông giữa các tín hữu kitô. Mới nhứt là chuyến đi Mascova nhân dịp Phục sinh năm 2011 để viếng thăm Ðức thượng phụ Chính thống Kyrill.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhựt báo Công giáo Pháp La Croix, sư huynh tu viện trưởng tu viện đại kết Taizé nói rằng mình cảm thấy rất gần gũi với Ðức thánh cha đứng trước sự khẩn thiết phải viết lại những chân lý đức tin cho người đương thời, nhứt là giới trẻ. Hằng năm, theo dấu chân của người tiền nhiệm, sư huynh Alois luôn về Roma để gặp gỡ Ðức thánh cha và một số viên chức Tòa thánh.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page