Lễ tôn phong Chân Phước cho

đức Gioan Phaolô II sẽ thúc đẩy

toàn Giáo hội Italia tiến tới

 

Lễ tôn phong Chân Phước cho đức Gioan Phaolô II sẽ thúc đẩy toàn Giáo hội Italia tiến tới.

Roma (RG 25-4-2011) - Ðức Hồng Y Angelo Bagnasco, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Italia xác tín rằng lễ phong Chân Phước cho Ðức Gioan Phaolô II sẽ thúc đẩy toàn Giáo Hội và xã hội Italia tiến tới một cách mạnh mẽ hơn.

Ðức Hồng Y Bagnasco đã nói như trên trong bài phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ đài Vaticăng ngày 25 tháng 4 năm 2011. Ðức Hồng Y nói: Ðức Gioan Phaolô II đã rất yêu thương Italia và cũng rất được người dân Italia yêu mến. Bằng chứng là trong các ngày này đã có rất nhiều sáng kiến được đưa ra để chuẩn bị cho lễ phong Chân Phước cho người vào ngày mùng 1 tháng 5 năm 2011.

Các xúc động của tôi cũng là các xúc động của toàn Giáo Hội Italia. Ðức Gioan Phaolô II đã không chỉ đi vào trái tim của tín hữu công giáo mà còn đi vào con tim của toàn thế giới. Việc giảng dậy và giáo huấn của người đã được đem đến khắp nơi trên thế giới này. Huấn quyền của người gắn liền với các quyền con người và phẩm giá của từng người, nhưng sứ điệp của người không chỉ có tính cách xã hội và thần học, bởi vì nó luôn hướng tới Chúa Giêsu Kitô, Ðấng vén mở cho thấy gương mặt đích thật của Thiên Chúa và của con người.

Ðức Hồng Y Bagnasco cầu mong lễ phong chân phước cho Ðức Gioan Phaolô II đem lại nhiều hoa trái cho Giáo Hội và xã hội Italia, giúp canh tân tinh thần truyền giáo, rao giảng Tin Mừng và là muối men của niềm vui và việc phục vụ hạnh phúc của mọi người trong xã hội.

Là vị Giáo Hoàng đầu tiên không phải là người Ý, sau 4 thế kỷ, Ðức Gioan Phaolô II đã đóng góp rất nhiều cho xã hội và nền văn hóa Italia. Lễ phong chân phước đặc biệt ý nghĩa vì trùng với thời gian Italia mừng kỷ niệm 150 năm thống nhất. Ðức Gioan Phaolô II đã là người yêu quê hương tổ quốc Ba Lan và nền văn hóa Ba Lan của mình, và người đã chiến đấu cho sự tự do và quyền bình đẳng. Người đã thông truyền tình yêu quê hương tổ quốc, nền văn hóa và các truyền thống quốc gia ấy cho thế giới Tây âu, mà không sợ hãi, và không mặc cảm. Người đã nói về tinh thần quốc gia, nhưng luôn rộng mở đối với các quốc gia và nền văn hóa khác. (RG 25-4-2011)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page