Ðức thánh cha Benedicto XVI

và hiệp nhứt Kitô giáo

 

Ðức thánh cha Benedicto XVI và hiệp nhứt Kitô giáo.

Vatican [La Croix 21/4/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Trong ngày thứ Năm Tuần Thánh 21 tháng 4 năm 2011, những bài suy niệm của Ðức thánh cha Benedicto XVI tập trung vào những cử chỉ của thánh Phero trong những giờ phút cuối cùng của Chúa Giesu.

Vào lúc 5 giờ 30 chiều thứ Năm 21 tháng 4 năm 2011, Ðức thánh cha đã cử hành thánh lễ tưởng niệm bữa tiệc ly của Chúa Giesu tại vương cung thánh đường thánh Gioan Laterano, nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma. Buổi sáng cùng ngày, vào lúc 9 giờ 30, trước 1,600 linh mục giáo phận Roma, Ðức thánh cha đã cử hành Lễ Dầu, trong đó ngài đã làm phép các thứ dầu được dùng trong các bí tích rửa tội, xức dầu bệnh nhân và thêm sức.

Nhưng tuần tam nhựt vượt qua chỉ thực sự bắt đầu với thánh lễ chiều thứ Năm tuần thánh. Theo giải thích của Văn Phòng cử hành phụng vụ của Tòa thánh, 3 ngày này không phải là 3 ngày chuẩn bị cho Lễ Phục Sinh, mà đúng hơn chính là cử hành Phục Sinh trong 3 ngày.

Trong thánh lễ chiều thứ Năm tuần thánh, Ðức thánh cha đã rửa chân cho 12 linh mục giáo phận Roma. Ngài lập lại cử chỉ mà Chúa Giesu đã làm cho các tông đồ. Số tiền quyên góp được trong thánh lễ sẽ được chuyển đến các nạn nhân của trận động đất và sóng thần tại Nhựt bản hôm 11 tháng 3 năm 2011.

Trong bài giảng Thánh lễ, Ðức thánh cha đã nhấn mạnh đến lời khấn xin mà Chúa Giesu đã lập lại đến 4 lần trong lời nguyện hiến tế của Ngài. Ðây hẳn phải là bận tâm chính của Chúa Giesu trong những giờ phút cuối cùng. Thật vậy, Chúa Giêsu đã 4 lần cầu cho sự hiệp nhứt. Ngài nói rõ rằng lời khấn xin này không chỉ dành cho các môn đệ đang hiện diện lúc đó, mà cho tất cả những ai sẽ tin vào Ngài. Ngài cầu xin cho tất cả được nên một "như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha, để cho thế gian tin".

Lời khấn cầu của Chúa Giesu đã trở thành một những trục cột trụ chính trong triều đại của đức Benedicto XVI. Với vị giáo hoàng này, Giáo hội chỉ có thể hiện hữu "nếu các tín hữu được liên kết chặt chẽ với Chúa Giesu." Ðức thánh cha giải thích: "Ðức tin và tình yêu đối với Chúa Giesu, đức tin vào con người "nên một" của Chúa Giesu với Chúa Cha và sự cởi mở để hiệp nhứt với Ngài là hai điều thiết yếu". Nhưng theo Ðức thánh cha, sự hiệp nhứt này không chỉ là một cái gì có tính cách nội tâm và thần bí. Nó phải trở nên hữu hình và hữu hình đến độ có thể làm chứng cho thế gian rằng Chúa Giesu đã được Chúa Cha sai đến.

Nhưng theo Ðức thánh cha, giáo hoàng, người kế vị thánh Phero là người có một vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì sự hiệp nhứt trong Giáo hội. Chính vì vậy mà Ðức thánh cha đã dành phần thứ hai của bài giảng để suy niệm về những cử chỉ của thánh Phero trong những giây phút cuối cùng của Chúa Giesu.

Trong lời cầu nguyện cho hiệp nhứt, Chúa Giesu đã nhắn nhủ riêng thánh Phero: "Này Simon, Satan muốn sàng con như sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho con, để đức tin của con không suy suyển. Phần con, khi đã trở lại, hãy củng cố anh em con".

Với tư cách là người kế vị thánh Phero, Ðức thánh cha đã chia sẻ: "Ngày nay chúng ta lại đau lòng chứng kiến rằng Satan được phép nhắm vào các môn đệ, một cách tỏ tường, trước mặt thế giới. Và chúng ta biết rằng Chúa Giesu cầu nguyện cho đức tin của thánh Phero và những người kế vị thánh nhân, Chúng ta biết rằng thánh Phero, xuyên qua những thăng trầm của lịch sử luôn đi gặp gỡ Chúa và lúc sắp chìm đắm, luôn được bàn tay của Chúa nâng đỡ và hướng dẫn trên sóng nước".

Suy niệm về những cử chỉ của thánh Phero, Ðức thánh cha nói: "Chúa Giesu đã tiên báo cho Phero rằng thánh nhân sẽ vấp ngã và trở lại. Thánh Phero đã phải hoán cải từ điều gì? Lúc đầu, khi được kêu gọi, khiếp sợ trước quyền năng của Chúa và sự yếu đuối của mình, thánh nhân đã thưa: "Lạy Chúa, xin hãy xa con, vì con là người tội lỗi". Duới ánh sáng của Chúa, thánh nhân đã nhận ra sự bất toàn của mình. Chính trong sự khiêm tốn của một con người biết nhận ra mình là nguời tội lỗi mà thánh nhân đã được kêu gọi. Thánh nhân phải không ngừng tìm lại sự khiêm tốn ấy. Tại địa hạt Cesare Philipphe, thánh Phero đã không muốn chấp nhận rằng Chúa Giesu sẽ phải chịu đau khổ và chịu đóng đinh. Ðiều đó không thể nào dung hòa được với hình ảnh Thiên Chúa và Ðấng Messia mà Ngài đã tự xưng. Trong phòng tiệc ly, thánh nhân cũng không muốn chấp nhận để cho Chúa Giesu rửa chân: điều đó không xứng đáng với cương vị của một Vị Thầy. Trong vườn Cây dầu, thánh nhân đã rút gươm ra chém. Thánh nhân muốn chứng minh sự can đảm của mình. Tuy nhiên trước mặt một người nữ tỳ, thánh nhân đã khẳng định rằng mình chẳng biết Chúa Giesu là ai. Trong giây phút đó, thánh nhân chỉ nghĩ đó là một lời nói dối không đáng kể, để có thể được ở gần Chúa Giesu. Tính anh hùng của thánh nhân đã sụp đổ vì hèn nhát muốn có một chỗ đứng trong các biến cố đang diễn ra".

Theo Ðức thánh cha, chúng ta cũng có cùng một cơn cám dỗ như thánh Phero. Ngài nói: "Tất cả chúng ta đều phải luôn học biết đón nhận Thiên Chúa và Chúa Giesu Kitô như Ngài là chứ không phải như chúng ta muốn. Chúng ta cũng khó chấp nhận rằng Ngài liên kết với những giới hạn của Giáo hội và các thừa tác viên của của Giáo hội. Chúng ta không muốn chấp nhận rằng Ngài cũng không có quyền lực nào trong trần thế này... Chúng ta cần có sự khiêm tốn của người môn đệ biết thực thi ý muốn của Thầy mình. Trong giờ phút này, chúng ta hãy cầu xin Ngài cũng nhìn đến chúng ta như Ngài đã đưa mắt nhìn thánh Phero để cải hóa chúng ta.

Cuối cùng, Ðức thánh cha nói rằng ngài luôn cảm thấy được an ủi bởi vì trong mỗi thánh lễ tất cả mọi người đều cầu nguyện cho ngài. Ngài nói: "Chỉ nhờ lời cầu nguyện của Chúa Giesu và của Giáo hội mà giáo hoàng mới có thể chu toàn nhiệm vụ củng cố anh em của mình, chăn dắt đoàn chiên của Chúa Giesu và bảo đảm cho sự hiệp nhứt vốn là chứng tá hữu hình của sứ mệnh mà Chúa Cha đã ủy thác cho Ngài".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page