Tưởng niệm 6 năm
Ðức Gioan Phaolô II qua đời
Tưởng niệm 6 năm Ðức Gioan Phaolô II qua đời.
Vatican (RG 1.2-4-2011) - Phỏng vấn Ðức Hồng Y Angelo Comastri, Giám quản thành phố quốc gia Vaticăng, nhân dịp tưởng niệm 6 năm Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời.
Cách đây 6 năm ngày mùng 2 tháng 4 năm 2005 Ðức Gioan Phaolô II đã về Nhà Cha, kết thúc cuộc đời dương thế của người. Hôm 2 tháng 4 năm 2011 là lễ giỗ lần cuối cùng và cũng là lần cuối cùng Giáo Hội hoàn vũ cầu nguyện cho người, vì bắt đầu từ ngày mùng 1 tháng 5 năm 2011 Giáo Hội sẽ cầu khẩn người như là tân chân phước.
Ðể tưởng niệm biến cố này sáng ngày 1 tháng 4 năm 2011 tại Ðại học giáo hoàng Thánh Giá đã có một đại hội về gương mặt của Ðức Gioan Phaolô II. Vào ban chiều, văn phòng mục vụ giới trẻ của giáo phận Roma đã khai mạc một loạt các sinh hoạt chuẩn bị cho thánh lễ phong Chân Phước cho Ðức Cố Giáo Hoàng. Trong các ngày 26-29 tháng 4 và ngày mùng 2 tháng 5 năm 2011 Bảo tàng viện Vaticăng sẽ mở cửa ban đêm cho tín hữu và du khách viếng thăm.
Trong thánh lễ an táng Ðức Gioan Phaolô II sáng ngày mùng 8 tháng 4 năm 2005, người ta đã thấy nhiều biểu ngữ viết "Thánh ngay lập tức", và nghe nhiều tín hữu hô to như vậy.
Giảng trong thánh lễ Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger, Niên trưởng Hồng Y Ðoàn, đã nhắc lại thái độ theo Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời của Ðức Cố Giáo Hoàng. Ðức Gioan Phaolô II đã theo Chúa trong những năm kinh hoàng của chiến tranh và chế độ độc tài, giữa hàng ngàn khó khăn. Người đã theo Chúa như linh mục rồi như giám mục, sau cùng là như Giáo Hoàng. Ðức Karol Wojtila đã trở nên một với Chúa Kitô, Mục Tử Nhân Lành yêu thương đoàn chiên của mình. Ðức Hồng Y Ratzinger nói: "Tình yêu của Chúa Kitô đã là sức mạnh nổi bật của Ðức Thánh Cha yêu dấu của chúng ta; ai đã thấy người cầu nguyện, đã nghe người giảng dậy, thì biết điều đó. Và như thế, nhờ việc đâm rễ sâu nơi Chúa Kitô, người đã có thể mang gánh nặng, vượt qúa các sức lực của con người: là chủ chăn đoàn chiên của Chúa Kitô, của Giáo Hội hoàn vũ".
Rồi Ðức Hồng Y Ratzinger hướng về Ðức Gioan Phaolô II và nói: "Chúng ta có thể chắc chắn rằng Ðức Thánh Cha yêu dấu của chúng ta giờ đây từ cửa sổ Nhà Cha, trông thấy chúng ta và chúc lành cho chúng ta. Vâng, lậy Ðức Thánh Cha, xin chúc lành cho chúng con. Chúng con tín thác linh hồn yêu dấu của Ðức Thánh Cha cho Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của Ðức Thánh Cha".
Trong bài giảng thánh lễ khai mào chức vụ Chủ chăn hoàn vũ của người, Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger trở thành Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức XVI, lại tín thác nơi sự che chở và trợ giúp của vị tiền nhiệm và làm vang vọng lên lời mời gọi của Ðức Gioan Phaolô II trong thánh lễ nhậm chức của người. Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI nói: "Một cách liên tục các lời người nói khi đó vẫn còn vang lên trong tai tôi "Anh chị em đừng sợ hãi, hãy mở toang cửa cho Chúa Kitô!".
Sáu năm đã qua đi, nhưng tín hữu toàn thế giới vẫn còn nhớ hình ảnh hàng trăm ngàn người thuộc đủ mọi lứa tuổi và giai tầng xã hội, kể cả những người không tín ngưỡng, khi nghe tin Ðức Gioan Phaolô II hấp hối đã chạy đến quảng trường thánh Phêrô, tay cầm nến sáng canh thức cầu nguyện cho vị chủ Chăn Giáo Hội hoàn đang từ từ tắt lịm trong phòng của ngài trên Dinh Tông Tòa mở điện sáng trưng. Và đã có 3 triệu người tuốn về Roma để từ giã vị Giáo Hoàng thương mến. Nhiều người đã kiên nhẫn xếp hàng 10, 14, 20 giờ đồng hồ để được nhìn thấy gương mặt của Ðức Gioan Phaolô II lần cuối cùng, trong vài giây ngắn ngủi.
Bà Rita Megliorin, y tá trưởng của nhà thương Bách khoa Gemelli, đã là người săn sóc Ðức Gioan Phaolô II trong các giờ phút cuối cùng cuộc đời dương thế của người. Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ đài Vaticăng hôm mùng 1 tháng 4 năm 2011 bà kể lại kinh nghiệm của mình và cho biết trong những lúc ấy bà không còn trông thấy không gian và thời gian nữa, mà chỉ thấy biết bao ánh sáng, cộng thêm với tiếng lần hạt, hát thánh và tiếng giới trẻ tung hô réo gọi Ðức Gioan Phaolô II vọng lên từ quảng trường Thánh Phêrô ngày càng lớn và mạnh hơn. Bà đã cầm tay Ðức Gioan Phaolô II áp vào má của bà, cảm thấy bàn tay người lạnh hơn những ngày trước đó. Và đó đã là cái vuốt ve mà bà đã lấy trộm được trong ngày cuối cùng của cuộc đời người.
Ðức Gioan Phaolo II đã đương đầu với bệnh tật với lòng can đảm và phẩm cách, nêu gương cho mọi bệnh nhân kể cả những người không tín ngưỡng. Theo bà Rita giáo huấn lớn lao nhất mà bà nhận được từ Ðức Gioan Phaolô II đó là thừa nhận nơi người bệnh một sự toàn vẹn lớn lao hơn. Một khả năng lớn lao hơn trong việc đọc được ý nghĩa đích thật của cuộc sống. Trong lúc đặc biệt ấy, xem ra nó cao cả hơn. Ðức Gioan Phaolô II đã chứng minh cho chúng ta thấy trong lúc khổ đau chúng ta gần Thiên Chúa hơn, chúng ta ở trong vòng tay của Thiên Chúa. Và vòng tay của Chúa yêu thương tiếp đón chúng ta, mà không xét xử. Và Thiên Chúa không bỏ rơi ai hết, kể cả ngưới rốt hết trong các con cái của Người, kể cả người không tin nơi Chúa. Ðức Gioan Phaolô II đã dậy cho tôi biết rằng mầu nhiệm khổ đau đáng được tuyệt đối tôn trọng bởi bất cứ ai. Với tật bệnh, con người chiếm hữu được một chiều kích cao cả hơn, chính bởi vì bệnh tật bắt buộc họ phải suy tư về cuộc sống và các lựa chọn của mình, các lựa chọn của quá khứ, của hiện tại và của tương lai.
Ðức Gioan Phaolô II thường nói đùa rằng nhà thương bách khoa Gemelli là quốc gia thành phố Vaticăng thứ III, sau Dinh Tông Tòa cạnh đền thờ thánh Phêrô và nhà nghỉ mát Castel Gandolfo, vì nhà thương là nơi người đã sống những lúc khó khăn nhất. Bà Rita cho biết sự hiện diện của người tại Gemelli đã là một món qùa rất lớn, và phục vụ Ðức Gioan Phaolô II cũng là điều dễ dàng, vì người rất tốt, tươi vui và cởi mở. Người rất thương các bệnh nhân và các nhân viên phục vụ tại nhà thương. Người luôn luôn hỏi thăm tình trạng của các bênh nhân và lo lắng cho họ. Nỗi đau đớn của người khác cũng là nỗi đau đớn của người. Thập Giá của người đã là tổng hợp của tất cả các Thập Giá khác của con cái người, và người không ngừng cầu nguyện cho từng bệnh nhân một. Theo bà Rita, nét ý nghĩa nhất trong gương mặt của Ðức Gioan Phaolô II là khả năng đón nhận và tha thứ như là người và như là Giáo Hoàng. Người đã luôn luôn nhìn tha nhân như người cha nhìn các con cái của mình, không phán xử và không quên các khó khăn trong cuộc sống của chúng. Người mở rộng vòng tay cho mọi người, trong đó người ta trở thành một con người mới, một con người trong sạch hơn.
Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Hồng Y Angelo Comastri, Giám quản quốc gia thành phố Vaticăng, về lễ giỗ lần cuối cùng này.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, Ðức Hồng Y nghĩ gì về lễ giỗ lần thứ VI của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và biến cố người sắp được Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI phong Chân Phước vào ngày mùng 1 tháng 5 tới đây?
Ðáp: Chúng ta phải thừa nhận rằng trong khi Ðức Gioan Phaolô II qua đời, dân Chúa đã xác tín rằng một vị Thánh đã về trời. Ngoài ra trong thánh lễ an táng người cử hành tại quảng trường thánh Phêrô ngày mùng 8 tháng 4 năm 2005, Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger đã xin phép lành của Ðức Gioan Phaolô II từ cửa sổ trên trời, trong một nghĩa nào đó Ðức Hồng Y đã coi người là Thánh rồi. Tất chúng ta đều cảm động nhớ các lời Ðức Hồng Y Ratzinger nói: "Lậy Ðức Thánh Cha, xin chúc lành cho chúng con từ cửa sổ trên trời!" Với lễ phong Chân Phước, nhận thức của dân Chúa được Ðức Thánh Cha minh xác với một cử chỉ long trọng và chính thức.
Hỏi: Như đã biết, trong những giây phút cuối cùng của cuộc sống dương thế Ðức Gioan Phaolô II đã nói: "Xin anh chị em hãy để cho tôi ra đi!" Với "sự ra đi" đó, trong "việc trở về" Nhà Cha đó, Ðức Karol Wojtila vẫn ở lại với chúng ta một cách sống động, có lẽ trong một cách thế nào đó người còn hiện diện hơn trước kia nữa, có đúng thế không thưa Ðức Hồng Y?
Ðáp: Câu nói của người "Anh chị em hãy để tôi ra đi" có một ý nghĩa chính xác: Ðức Gioan Phaolô II đã cảm thấy mình ở trên ngưỡng cửa Nhà Cha. Các lời đó, kiểu diễn tả đó là nỗi lo lắng của con tim, hầu như là niềm vui mau bước để đến với Chúa Giêsu, được Mẹ Maria cầm tay. Trong trí tưởng tượng đức tin của tôi, tôi hình dung ra và chắc chắn rằng trong lúc đó trên ngưỡng cửa của Trời có Mẹ Maria. Mẹ Maria mà Ðức Gioan Phaolô II đã liên lỉ ngắm nhìn, và tôi tin rằng Mẹ Maria đã ôm người vào lòng như Mẹ đã ôm người trong ngày người bị ám sát để cứu người.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, "Totus tuus ego sum" "Con là tất cả của Mẹ": khẩu hiệu này nói lên rằng cuộc sống, triều đại Giáo Hoàng của Ðức Gioan Phaolô II là ở trong dấu chỉ của Mẹ Maria. Nói cho cùng, thánh lễ phong Chân Phước vào ngày mùng 1 tháng 5 tới này có thể được coi như là một ơn lành mà Ðức Trinh Nữ Maria ban cho Giáo Hội và cho tất cả mọi tín hữu hay không?
Ðáp: Chắc chắn rồi! Ðức Gioan Phaolô II đã cảm thấy tất cả cuộc đời người gắn liền với Mẹ Maria. Khẩu hiệu giám mục của người "Totus tuus - Tất cả là của Mẹ, ôi Mẹ Maria" diễn tả tinh thần tu đức toàn cuộc sống của người. Nhưng mà một cách đặc biệt, tôi phải nói rằng triều đại giáo hoàng của người đã triển nở dưới cái nhìn hiền mẫu của Mẹ Maria. Làm sao không nhớ tới ngày 13 tháng 5 năm 1981 được? Ðó là ngày Ðức Mẹ hiện ra lần đầu tiên tại Fatima, một viên đạn đã thâu qua người Ðức Gioan Phaolô II, nhưng không giết được người. Chính Ðức Gioan Phaolô II đã nói: "Có một bàn tay đã bắn để giết, nhưng có một bàn tay từ mẫu đã chặn tôi lại trên ngưỡng cửa sự chết". Không thể có kiểu đọc hiểu nào khác. Làm sao lại không nhớ tới ngày 25 tháng 3 năm 1984 được? Ngày hôm đó tại quảng trường Thánh Phêrô, trước tượng Ðức Mẹ Fatima được cố ý đem từ Fatima về, tôi vần còn trông thấy Ðức Gioan Phaolô II qùy gối hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ. Năm sau đó 1985 người ta đã thấy ông Gorbaciov lên cầm quyền và bắt đầu chính sách "Perestrojka", đổi mới Ðông Âu, cách mạng Âu châu.
Hỏi: Ðức Gioan Phaolô II sẽ được tôn phong Chân Phước bởi Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI. Hai Giáo Hoàng, hai tôi tớ của Giáo Hội, hai người bạn, hai nhân vật gắn bó với nhau; đây cũng là một khía cạch đặc thù có ý nghĩa, có thể nói là quan phòng... có đúng thế không thưa Ðức Hồng Y?
Ðáp: Vâng, tôi tin rằng đầy là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội, một vị Giáo Hoàng có được niềm vui phong Chân Phước cho vị tiền nhiệm của mình. Chắc chắn nó sẽ là một xúc động ngoại thường đối với Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI, nhưng nó cũng sẽ là một sự vững chắc tinh thần. Giờ đây, từ trời, Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II che chở bước chân của người kế vị ngài, và củng cố người trong các thách đố mà Giáo Hội ngày nay phải đương đầu. Chính trong các diễn văn đầu tiên Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã nói: "Hình như tôi còn nghe thấy tiếng của người nói với tôi: "Ðừng sợ hãi!", lời mời ấy, lệnh truyền ấy mà Ðức Giáo Hoàng đã nói với toàn thế giới và với các kitô hữu sống rải rác trên thế giới. "Ðừng sợ hãi!": chắc chắn giờ đây từ trời người cũng nói lời ấy với Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI trong giai đoạn thê thảm này của lịch sử, trong đó biển lịch sử xem ra đang thực sự ở trong bão táp. Bám chặt vào Chúa Giêsu, dưới cái nhìn hiền mẫu của Mẹ Maria, chúng ta có thể vượt qua mọi bão táp của lịch sử, và an toàn tới bến bờ của Thiên Chúa.
(RG 1.2-4-2011)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)