Sinh họat tôn giáo
tại Vương quốc Á rập thống nhứt
Sinh họat tôn giáo tại Vương quốc Á rập thống nhứt.
Á rập [La Croix 18/4/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Tại tiểu vương quốc Á rập thống nhứt hiện có khoảng 500 ngàn người Công giáo, mà phần lớn là người Ấn độ. Riêng tại Abou Dhabi có khỏang 150 ngàn người Công giáo.
Một trong những sinh hoạt tiêu biểu nhứt của cộng đồng Công giáo này đã diễn ra tại nhà thờ chính tòa thánh Giuse ở Abou Dhabi, thủ đô của tiểu vương quốc, hôm Chúa nhựt Lễ Lá 17 tháng 4 năm 2011.
Bên cạnh nhà thờ chính tòa là một ngôi đền thờ Hồi giáo với 4 tháp chuông cao ngất. Trong sân nhà thờ, trên 4 ngàn người tập trung để tham dự cuộc rước kiệu Lễ Lá được cử hành chiều Chúa nhựt 17 tháng 4 năm 2011, sau khi mọi người đã rời bỏ sở làm của mình.
Lễ nghi chỉ có thể diễn ra sau khi vị giáo sĩ Hồi giáo chấm dứt bài giảng của ông vào lúc 3 giờ 55 phút chiều. Bà Joyce Rego vừa cười vừa giải thích: "Với chiếc loa phóng thanh quá gần này, người ta chẳng còn nghe thấy gì nữa".
Bà Rego xuất xứ từ Mangalore, bang Karnataka, Ấn độ. Năm 1980, bà đến Abou Dhabi, thành phố quan trọng nhứt của 7 tiểu vương quốc họp lại thành Vương quốc Á rập thống nhứt.
Chồng bà đã đến đây một năm trước đó, để tìm kiếm một công việc tốt đẹp hơn. Hai vợ chồng đã thích thành phố này và đã ở lại cho đến nay. Ba người con trai của ông bà sinh ra tại đây. Nhưng một người đã trở về làm việc tại Bombay. Chồng bà về hưu hồi năm trước cũng đã trở về Mangalore. Bà Rego cũng sẽ trở về quê hương vào năm tới khi bà được 60 tuổi. Bà cho biết: "Cũng như nhiều gia đình khác, chúng tôi đành phải sống xa nhau".
Kể từ năm 2000, bà Rego đã trở thành điều hợp viên của 130 giảng viên giáo lý của giáo xứ chính tại Abou Dhabi là nơi qui tụ khoảng 120 ngàn tín hữu. Tại Al Ain cũng có một giáo xứ khác với khỏang 30 ngàn tín hữu. Các giảng viên giáo lý này phụ trách việc giảng dạy giáo lý cho 1,800 trẻ em Ấn độ, Phi luật tân và Phi Châu tuổi từ 6 đến 13. Bà Rego giải thích: "Các trẻ em nói tiếng Pháp và tiếng Á rập học giáo lý riêng".
Làm thư ký cho một công ty dầu hỏa từ 20 năm nay, bà Rego sống hai người con trai trong một căn hộ gồm 3 phòng mà tiền thuê mỗi năm là 14 ngàn âu kim. Vì nhà gần nhà thờ cho nên tất cả thì giờ rỗi rãnh, bà đều dành cho sinh họat nhà thờ. Bà nói: "giáo xứ là gia đình nới rộng của tôi".
Bà Rego cho rằng mình là người may mắn vì có thể thực hành tôn giáo một cách tự do và có được một ngôi nhà thờ như thế. Trong khi đó những người Ấn giáo không có đền thờ riêng tại Abou Dhabi và chỉ có thể cầu nguyện ở nhà hay đến Dubai, cách đó 140 cây số mà thôi. Theo bà, thiếu đất để xây dựng nơi thờ phượng là một vấn đề.
Chiều chúa nhựt Lễ Lá 17 tháng 4 năm 2011, sau buổi rước kiệu, đã có 3 thánh lễ được cử hành cùng một lúc: một thánh lễ bằng tiếng Á rập trong sân nhà thờ, một thánh lễ bằng tiếng Malayalam cho những người Ấn độ gốc Kerala trong một phòng đa dụng và một thánh lễ khác bằng Anh ngữ trong nhà thờ chính.
Ðức cha Paul Hinder, thuộc dòng Capucin, Ðại diện Tông tòa tái Á rập nói rằng giáo phận hiện không có đủ chỗ cho nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau và cho 1,300 em học sinh, buộc phải học giáo lý ở cuối sân. Trong toàn vương quốc có tất cả 7 giáo xứ. Nhưng con số này không đủ để phục vụ cho nhu cầu của 500 ngàn người Công giáo di dân tại đây.
Bà Myrna Brown, một giáo dân người Phi luật tân giải thích rằng sống xa quê hương và gia đình, nhiều người cảm thấy có nhu cầu phải củng cố niềm tin của mình, do đó chấp nhận một kỷ luật sống rất khắt khe. Bà Brown đã đến Abou Dhabi năm 1983 và làm việc tại tòa đại sứ Phi luật tân tại vương quốc Á rập thống nhứt. Mỗi tuần bà đến Mafraq hay Al Wathba để thăm viếng những người Phi bị giam giữ trong hai nhà tù ở Abou Dhabi vì các tội như nợ nần, rượu chè, đánh lộn hay tình dục.
Tại vương quốc Á rập thống nhứt, cảnh sát "phong hóa" luôn theo dõi chặt chẽ. Hôn nhau nơi công cộng, ngoại tình hay trầm trọng hơn, chữa hoang bị xem là những hành động phạm pháp. Người phạm pháp bị giam tù trước khi bị trục xuất về nước.
Chính vì luật pháp nghiêm nhặt như thế mà theo bà Brown, rất nhiều người trong số 500 ngàn người Phi đang làm việc tại đây, luôn múc lấy sức mạnh từ sự cầu nguyện để sống khiết tịnh. Bà nói: "việc người Phi học biết tôn trọng luật pháp là một điều tốt. Khi trở về nước họ sẽ không còn muốn làm gì thì làm".
Về phần mình, bà Rego cũng đưa ra một nhận xét tương tự: "Ở đây, chúng tôi có một đời sống thiêng liêng và nói chung cả cuộc sống sâu xa hơn".
CV.