Các Ðức giám mục Hoa kỳ

và nhiệm vụ giảng dạy

trong các vấn đề thần học

 

Các Ðức giám mục Hoa kỳ và nhiệm vụ giảng dạy trong các vấn đề thần học.

Hoa kỳ [National Catholic Reporter 18/4/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Hôm 18 tháng 4 năm 2011, Ðức hồng y Donald Wuerl, Tổng giám mục Washington, chủ tịch Ủy ban Giám mục Giáo lý, đã gởi đến các Ðức giám mục Hoa kỳ một tài liệu dài 13 trang để giải thích về mối quan hệ giữa Giám mục và các nhà thần học trong việc bảo tồn giáo lý chân thực của Giáo hội Công giáo.

Ðức hồng y Wuerl nói rằng sở dĩ ngài sọan tài liệu này là để trả lời cho một tuyên ngôn được Hội thần học gia Công giáo Hoa kỳ cho công bố sau khi Ủy ban do ngài làm chủ tịch đã đưa ra một bản nhận định về một cuốn sách của một nữ thần học gia Công giáo là nữ tu Elizabeth Johnson, giáo sư thần học tại đại học Công giáo Fordham.

Sau khi điểm qua cuốn sách có tựa đề "Ði tìm Thiên Chúa hằng sống: vẽ ra ranh giới của nền thần học về Thiên Chúa" của nữ tu Johnson, Ủy ban giáo lý của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ đã nhận thấy rằng nội dung cuốn sách có chứa đựng một số sai lầm và như vậy không thể đại diện cho một nền thần học Công giáo chân chính.

Trong tài liệu gởi cho các Ðức giám mục trên toàn quốc, Ðức hồng y Wuerl có trích dẫn những lời phê bình của Hội thần học gia Công giáo Hoa kỳ đối với Ủy ban giáo lý. Thật vậy, hội thần học gia Công giáo Hoa kỳ đã trách cứ rằng Ủy ban giáo lý đã lên án nữ tu Johnson trước khi đối thoại với bà. Theo Hội thần học gia Công giáo Hoa kỳ, thái độ của Ủy ban phản ánh một cái nhìn hẹp hòi về vai trò của các nhà thần học ngày nay.

Ðáp lại, trong lá thư gởi cho các Ðức giám mục Hoa kỳ, Ðức hồng y Wuerl nói rằng các nhà thần học "xem ra đã hiểu sai về vai trò "chính đáng và tông truyền" của các Ðức giám mục trong việc điều chỉnh mối quan hệ giữa các ngài và các nhà thần học.

Trong lá thư có tựa đề "Các Ðức giám mục với tư cách là thầy dạy: một tài liệu dành cho các Ðức giám mục", Ðức hồng y chủ tịch ủy ban giáo lý của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ khẳng định rằng các Ðức giám mục có vai trò thẩm định về một nền thần học chân chính và làm trung gian cuối cùng để trình bày về một nền thần học Công giáo chân chính.

Theo Ðức hồng y Wuerl, trình bày vai trò và quyền bính của Giám mục là điều cần thiết trong lúc này "trước khi bàn đến những thủ tục đòi hỏi phải đối thọai với các nhà thần học".

Ðề cập đến cuốn sách của nữ tu Johnson, Ðức hồng y chủ tịch Ủy ban giáo lý biện hộ cho những lời phê bình nặng nề của ngài. Ngài giải thích rằng khi lấy chân lý mạc khải như khởi điểm, cần phải nhấn mạnh rằng nghiên cứu thần học không vì thế mà bị suy giảm, nhưng trái lại được củng cố, bởi vì, cũng như trong mọi bộ môn khác, chỉ khi nào được xây dựng trên một nền tảng vững chắc, công cuộc nghiên cứu mới được đẩy mạnh.

Theo Ủy ban Giáo lý, trong tác phẩm "Ði tìm Thiên Chúa hằng sống", nữ tu Johnson đã không đá động đến Thánh truyền Công giáo.

Ngoài ra, nhiều vị Giám mục Hoa kỳ cũng than phiền rằng tác giả đã không xin vị Giám mục của mình cho "imprimatur", nghĩa là kiểm duyệt và cho phép in. Hiện nay, nhiều nhà thần học không còn giữ thói quen xin Giám mục của mình kiểm duyệt và phê chuẩn trước khi ấn hành tác phẩm.

Trong lá thư gởi các Ðức giám mục, Ðức hồng y Wuerl khuyên nên duy trì thói quen này để tái lập mối quan hệ đúng đắn giữa Giám mục và nhà thần học.

Theo Ðức hồng y chủ tịch Ủy ban giáo lý, Giáo hội "cổ võ cuộc đối thọai tôn trọng giữa các Ðức giám mục và các nhà thần học cũng như giữa các nhà thần học với nhau. Tuy nhiên, một cuộc đối thoại như thế chỉ có thể diễn ra trong đức tin mà thôi. Là một người có đức tin, nhà thần học hiểu và đánh giá cao những đặc sủng giảng dạy được ủy thác cho Giám mục của mình và sẵn sàng để cho Giám mục thẩm định những tư tưởng thần học của mình."

Ðức hồng y Wuerl viết rằng một khi đã nhìn nhận khởi điểm cho cuộc đối thọai này thì đương nhiên phải xin sự kiểm duyệt và phê chuẩn của đấng bản quyền trước khi in ấn.

Trích dẫn giáo luật, Ðức hồng y chủ tịch Ủy ban Giáo lý của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ nói rằng ngay cả những bài viết không cần có sự chuẩn y của Giám mục, các nhà thần học cũng nên xin "imprimatur".

Ðức hồng y cũng kêu gọi các Ðức giám mục Hoa kỳ hãy thực thi trách nhiệm giảng dạy của mình, nhứt là trong giai đoạn có nhiều thiếu sót về việc giảng dạy giáo lý bắt đầu từ thập niên 70. Hậu quả của những thiếu sót này là "ngày nay có cả một thế hệ người Công giáo, nhứt là giới trẻ, không có được một sự đào luyện vững chắc về đức tin. Trong bối cảnh này, các sách vỡ được xử dụng trong các môn giáo lý và thần học trong các trường và đại học Công giáo cần phải được "xem như những tài liệu giáo lý và huấn luyện".

Ðức hồng y phê bình một số tài liệu đuợc xử dụng trong các trường Công giáo, vì trình bày "một cái nhìn mục vụ và tu đức ngược lại với quyền giáo huấn của Giáo hội".

Hội thần học gia Công giáo Hoa kỳ phê bình thái độ của Ủy ban Giáo lý đối với nữ tu Johnson, vì đã cho công khai hóa vấn đề trước khi đối thoại với bà. Các nhà thần học đã trích dẫn một tài liệu được Hội đồng Giám mục Hoa kỳ công bố hồi năm 1989. Thật vậy, tài liệu có tựa đề "Trách nhiệm về giáo thuyết" kêu gọi phải có đối thọai.

Trả lời cho trách cứ này, Ðức hồng y Wuerl nói rằng đối thoại giữa các Ðức giám mục và các nhà thần học là điều rất quan trọng. Nhưng đối thọai phải luôn đi đôi với tác vụ giảng dạy và thánh hóa của Giám mục.

Kết thúc lá thư gởi cho các Ðức giám mục, Ðức hồng y chủ tịch Ủy ban giáo lý hy vọng rằng tuyên ngôn của Ủy ban sẽ cho phép canh tân và đẩy mạnh mối quan hệ đúng đắn và phong phú giữa các Ðức giám mục và toàn thể cộng đồng thần học gia.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page