Nhận định về sứ điệp của

Ủy ban Tòa thánh về Giáo hội tại Trung quốc

gởi cho nguời Công giáo tại nước này

 

Nhận định về sứ điệp của Ủy ban Tòa thánh về Giáo hội tại Trung quốc gởi cho nguời Công giáo tại nước này.

Roma [La Croix 14/4/2011]- Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Thông thường các ủy ban Tòa thánh họp kín và không tiết lộ về nội dung các phiên họp. Nhưng Ủy ban về Giáo hội tại Trung quốc đã chọn một cách làm việc khác: sau khóa họp lần thứ tư diễn ra tại Vatican từ ngày 11 đến 13 tháng 4 vừa qua, Ủy ban đã cho công bố một sứ điệp gởi cho người Công giáo Trung quốc.

Sứ điệp đã đề cập đến 4 vấn đề chính của Giáo hội tại Trung quốc được nhìn dưới hai cái nhìn khác nhau tại Roma.

Trước hết là cái nhìn mà đại diện chính là Ðức hồng y Joseph Zen Ze Kiun (Giuse Trần Nhật Quân), cựu Giám mục Hong kong. Vị Hồng y này kêu gọi Tòa thánh hãy đối đầu một "cách lành mạnh" với chính quyền cộng sản Trung quốc.

Trong một bài viết được hãng tin "các Giáo hội Á châu" của hội thừa sai Paris đăng tải, Ðức hồng y Zen đã đặt vấn đề về đường lối ngoại giao thường đuợc mệnh danh là "Ostpolitik", tức chủ trương đối thọai của Tòa thánh với các nước đông âu dưới thời cộng sản. Hiện nay đuờng lối này đang được Ðức hồng y Ivan Dias, người Ấn độ, bộ truởng bộ truyền giáo, theo đuổi. Ðức hồng y Zen viết rằng kết quả duy nhứt của chính sách ngọai giao này là "càng lúc càng nhận chìm người Công giáo Trung quốc vào bùn nhơ của nô lệ".

Cái nhìn thứ hai về Giáo hội tại Trung quốc có tính cách ôn hòa hơn. Ðây là cái nhìn của Ðức cha Savio Hon Tai Fai, tân thư ký bộ truyền giáo. Trong một vài phỏng vấn dành cho nhựt báo Công giáo "Avvenire" [tương lai] của Hội đồng Giám mục Ý hôm 23 tháng 12 năm 2010, vị Giám mục người Hong kong này cũng có chủ truơng đối thọai với chính quyền cộng sản Trung quốc, nhưng dĩ nhiên không phải "bằng mọi giá".

Chính trong bối cảnh này mà Ủy ban Tòa thánh về Giáo hội tại Trung quốc đề cập đến 4 vấn đề của Giáo hội này, nhưng không minh nhiên nói đến Giáo hội công khai hay thầm lặng. Trong đường hướng của lá thư mà Ðức thánh cha Benedicto XVI đã gởi cho người Công giáo Trung quốc cách đây 4 năm, Ủy ban vừa khích lệ người Công giáo vừa gởi một tín hiệu đến nhà cầm quyền cộng sản nước này.

Trước hết, về việc truyền chức Giám mục không có phép của Tòa thánh. Nhắc lại vụ truyền chức không có sự phê chuẩn của Tòa thánh tại Chengde ngày 15 tháng 11 năm 2010, Ủy ban Tòa thánh về Giáo hội tại Trung quốc viết rằng "mặc dù không có lý do nào để xem đây là một vụ truyền chức không thành sự, Tòa thánh vẫn coi vụ truyền chức là không hợp luật, vì được tiến hành không có phép của Tòa thánh".

Ủy ban giải thích rằng "vì những sức ép và cưỡng bách cho nên không có vạ tuyệt thông tức khắc. Tuy nhiên, hành động này tạo ra một vết thương trầm trọng cho Giáo hội"

Về phần mình, Ðức cha Hon ghi nhận một cách cay đắng như sau: "Nhiều Giám mục đã vội vã chạy đến chúc mừng tân Giám mục Chengde và chụp hình chung với ông. Các ngài không hề bị buộc phải làm như thế". Cách đó vài tháng, đã có 10 vị Giám mục được truyền chức với sự phê chuẩn của Tòa thánh lẫn chính phủ.

Theo Ðức cha thư ký bộ truyền giáo, chính quyền cộng sản Trung quốc đã hiểu rằng các vị Giám mục không được Tòa thánh phê chuẩn sẽ không bao giờ được giáo dân chấp nhận. Do đó, họ tìm cách làm sao để các linh mục đẹp lòng Nhà nước cũng đuợc truyền chức Giám mục với sự phê chuẩn của Tòa thánh. Tuy nhiên, tại Chengde, nhà nước cộng sản Trung quốc như muốn nói rằng "ở đây, họ là người làm chủ". Ðây là một tín hiệu cho thấy họ muốn thụt lùi lại 50 năm về truớc, cứ như thể chưa bao giờ có đối thọai giữa Tòa thánh và Trung quốc.

Về các biện pháp chế tài đối với các vị Giám mục được truyền chức không có phép của Tòa thánh, Ðức cha Hon nói rằng, trước khi cho công bố vạ tuyệt thông, Ðức thánh cha đang cho điều tra về từng trường hợp để xem có trường hợp giảm khinh nào không.

Vấn đề thứ hai đuợc đề cập đến trong sứ điệp của Ủy ban Tòa thánh về Giáo hội tại Trung quốc là Ðại hội đại biểu Công giáo toàn quốc đuợc tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 6 đến 8 tháng 12 năm 2010. Ðã có 45 giám mục tham dự Ðại hội. Trong số này có rất nhiều vị đã đuợc truyền chức với sự phê chuẩn của tòa thánh. Theo đức cha Hon, một số bị cuỡng bách tham dự, một số tự nguyện. Ngài nói thêm: "con số những vị "cơ hội" ngày càng nhiều."

Trong sứ điệp, Ủy ban Tòa thánh về Giáo hội tại Trung quốc nhắc lại rằng trong lá thư gởi người Công giáo nước này, Ðức thánh cha đã khẳng định rằng "những nguyên tắc tự lập, tự trị, tự quản và dân chủ của Giáo hội hoàn toàn không phù hợp với giáo lý Công giáo". Ðây là cốt lõi của vấn đề, bởi vì Bắc kinh vẫn bằng mọi giá thành lập một Giáo hội tự trị cắt đức liên lạc với Tòa thánh và Giáo hội hòan vũ.

Vấn đề thứ ba đuợc đề cập đến trong sứ điệp của Ủy ban Tòa thánh về Giáo hội tại Trung quốc là việc thay đổi ranh giới các giáo phận theo các tiêu chuẩn của chính quyền cộng sản. Ủy ban trích dẫn lá thư của Ðức thánh cha để khẳng định rằng Ðức thánh cha sẵn sàng thảo luận về vấn đề này trong tinh thần đối thọai xây dựng và cởi mở với hội đồng giám mục Trung quốc.

Cuối cùng, Ủy ban đề cập đến việc huấn luyện các chủng sinh và nữ tu tại Trung quốc cũng như ở nước ngòai. Theo ủy ban, đây là chia khóa để "các mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và chính quyền có thể góp phần vào sự hài hòa của xã hội".

Trở lại với nhận định của Ðức hồng y Zen. Ngài nói rằng đối thọai là điều quan trọng. Nhưng các tín hữu trung quốc vẫn ngóng trông một đuờng lối rõ ràng của Gíao hội.

Chắc chắn sứ điệp của Ủy ban Tòa thánh về Giáo hội tại Trung quốc là một đáp trả cho sự chờ đợi này.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page