Tình hình Kitô giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ
Tình hình Kitô giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ [La Croix 11/4/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ðức thượng phụ đại kết Constantinople, Bartolomeo I đang viếng thăm Pháp. Ngài sẽ có cuộc gặp gỡ chính thức với tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy.
Trước khi lên đường sang Pháp, Ðức thượng phụ đã dành cho nhựt báo Công giáo Pháp "La Croix" một cuộc phỏng vấn qua đó ngài hy vọng rằng chủng viện Halki sẽ được chính phủ Thổ nhĩ kỳ cho mở cửa lại nội trong năm 2011. Ngài nói rằng chủng viện này sẽ được dành cho việc huấn luyện thần học hàng giáo sĩ Chính thống, đồng thời cũng sẽ giúp thăng tiến cuộc đối thọai đại kết và suy tư về vấn đề môi sinh. Ðức thượng phụ đại kết Constantinople nói rằng đại kết và môi sinh là hai vấn đề tâm đắc của ngài.
Ðược thành lập trên một hòn đảo nằm trong biển Marmara, đông nam Istanbul năm 1844, chủng viện Halki đã bị chính phủ Thổ đóng cửa năm 1971, nại lý do rằng mọi cơ sở giáo dục cao đẳng thuộc độc quyền của nhà nước. Việc đóng cửa chủng viện Halki đã gây thiệt hại nặng nề cho cộng đồng Chính thống tại Thổ nhĩ kỳ. Thật vậy, luật pháp nước này còn đòi hỏi vị Thượng phụ phải là một công dân Thổ, sinh ra tại Thổ và được đào tạo tại Thổ.
Ðòi hỏi này dĩ nhiên tạo ra khó khăn cho việc kế vị. Tòa thuợng phụ Constantinople chỉ có khoảng hơn 2 ngàn tín hữu trên toàn quốc, trong khi đó số tín hữu Chính thống thuộc tòa Thượng phụ rãi rác trên khắp thế giới lại lên đến 3 triệu ruỡi người.
Mùa hè năm 2010, một tia hy vọng đã bừng lên khi chính phủ Thổ cho phép các vị Tổng giám mục Chính thống đang sống ở nước ngoài được quyền nhập quốc tịch nước này. Hiện đã có 12 vị xin nhập quốc tịch Thổ. 11 vị khác đang chờ đợi cứu xét.
Tuy nhiên, một nhà ngọai giao tại Thổ nhĩ kỳ cho rằng đây chưa hẳn là dấu hiệu chính phủ nước này muốn nới lỏng tự do cho các tín hữu Kitô. Nhà ngoại giao này nói rằng từ nhiều năm nay, chính phủ cứ hứa cho mở lại chủng viện Halki, nhưng Giáo hội cứ phải chờ đợi. Chủng viện Halki là trường hợp điển hình nhứt của vô số khó dễ mà chính phủ Thổ luôn tìm cách áp đặt lên các tín hữu Kitô.
Hồi giáo hiện đang là tôn giáo của đại đa số dân Thổ. Hiện tôn giáo này đang đuợc xem như dấu hiệu rõ nét nhứt của bản sắc dân tộc. Một tu sĩ ngọai quốc đang làm việc tại Thổ nhĩ kỳ giải thích: "Các tín hữu Kitô chỉ là một giọt nước trong đại dương Hồi giáo. Ðôi khi chúng tôi có cảm tưởng như mình là công dân hạng hai. Chính phủ theo dõi chúng tôi rất chặt chẽ. Nếu muốn giấy tạm trú được gia hạn, chúng tôi không nên gây "ồn ào".
Hiện nay, trên toàn quốc chỉ có khoảng 90 ngàn tín hữu Kitô, nghĩa là chỉ chiếm "0.1 phần trăm" dân số, mặc dù Thổ nhĩ kỳ đã từng là một trong những chiếc nôi của Kitô giáo. Chính phủ chỉ nhìn nhận các tòa Thượng phụ Chính thống và Armeni. Các tín hữu Armeni tông truyền và các tín hữu Chính thống Syri chiếm một nửa dân số Kitô giáo. Về phía Công giáo, người ta tính chỉ có khoảng 24 ngàn người thuộc nghi lễ Latinh hay đông phương. Ngoài ra cũng có một số cộng đồng Tin lành.
Ðứng trước tình trạng cực kỳ "thiểu số" như thế, các tín hữu Kitô Thổ nhĩ kỳ luôn sát cánh bên nhau.
Trong khu phố Kadikoy, tức thành phố cổ Calcedonia, kinh nghiệm của cộng đoàn các tu sĩ dòng Ðức Mẹ hồn xác lên trời chứng tỏ tình liên đới ấy. Kể từ năm 1974, các tu sĩ người Pháp thuộc dòng này chia sẻ nhà thờ của mình với các tín hữu Chính thống Syri, vốn không có nơi thờ phượng.
Cha Yves Plunian nói rằng "giữa các tín hữu Kitô thuộc các Giáo hội khác nhau, luôn có sự tin tưởng và tôn trọng sâu xa". Các Giáo hội quan hệ bình đẳng với nhau; không Giáo hội nào tự đặt vào thế muốn thống trị Giáo hội khác. Ðúng hơn, các Giáo hội Kitô tại Thổ nhĩ kỳ đều vượt qua được mọi chia rẽ để chỉ tập trung vào cùng một đức tin chung.
Theo vị linh mục này, tại Thổ nhĩ kỳ, không nên hỏi các tín hữu Kitô làm gì, mà đúng hơn điều họ sống. Các tu sĩ dòng Ðức Mẹ hồn xác lên trời luôn có những quan hệ tốt với các tín hữu Kitô khác cũng như với một số người Hồi giáo.
Ngoài ra, do sáng kiến của chính phủ, một linh mục khác là cha Xavier Jacob đang tham gia vào việc sọan thảo một tập sách giới thiệu Kitô giáo dành cho các học sinh.
Ðức cha Louis Pelatre, Ðại diện Tông tòa tại Istanbul, nói rằng "Giáo phận có 5 trường Công giáo Pháp tại Istanbul và một tại Izmir. Nhiều học sinh nguời Thổ theo học tại các trường này. Ðây thực sự là những nơi trao đổi văn hóa".
Tựu trung, vấn đề không phải là tôn giáo mà là chính trị. Nguời Hồi giáo rất tích cực trong guồng máy chính phủ. Theo một linh mục khác, điểm yếu của Kitô giáo chính là tư cách pháp lý của các cơ sở Giáo hội không đuợc nhìn nhận. Từ 40 năm nay, chính phủ không ngừng lập lại rằng những đòi hỏi của Giáo hội không phù hợp với Hiến Pháp Thổ nhĩ kỳ.
Trong thực tế, các cộng đồng Kitô không thể mở trương mục ngân hàng, không được làm chủ của chính các bức tuờng cơ sở của mình. Ðất đai bị tịch thu một cách tùy tiện, cô nhi viện bị đóng cửa, cơ sở giáo xứ bị ủi sập để xây khách sạn không phải là chuyện hiếm có.
Năm 2009, nhân dịp Năm Thánh Phaolo, nhà thờ Tarse đuợc phép mở cửa. Có thể tin đây là một dấu hiệu cởi mở của nhà nuớc.
Tuy nhiên, theo sử gia Pháp Sebastien de Courtois, chính phủ hiện đang phải đương đầu với những thành phần cực kỳ bảo thủ, chống lại mọi chính sách cởi mở. Họ muốn xóa bỏ mọi tàng tích của Kitô giáo tại Thổ nhĩ kỳ.
CV.