Quan hệ giữa Tòa thánh và Trung quốc

 

Quan hệ giữa Tòa thánh và Trung quốc.

Roma [Asianews 11/4/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ủy ban Tòa thánh về Giáo hội tại Trung quốc đang nhóm họp. Ðây là phiên họp lần thứ tư kể từ khi đuợc Ðức thánh cha Benedicto XVI cho thành lập vào năm 2007, sau khi đã gởi thư cho người Công giáo Trung quốc. Ủy ban có nhiệm vụ theo dõi tình hình cộng đồng tín hữu tại nước này đồng thời hướng dẫn đời sống các tín hữu trong thời kỳ bị bách hại hiện nay. Ngoài ra, Ủy ban cũng tìm cách đẩy mạnh các quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Trung quốc.

Trong những phiên họp trước, Ủy ban đã thảo luận về nội dung lá thư của Ðức thánh cha và vấn đề huấn luyện chủng sinh, tu sĩ và linh mục tại Trung quốc. Lần này, theo một thông cáo của phòng báo chí Tòa thánh, các cuộc thảo luận xoay quanh "tình hình mục vụ của các giáo phận".

Trong thông cáo, Tòa thánh không nhắc đến thực tế đau thương của Giáo hội tại Trung quốc sau khi chính quyền nước này tiến hành truyền chức Giám mục tại Chengde mà không có sự phê chuẩn của Tòa thánh dạo tháng 11 năm 2010. Ngòai ra, Trung quốc còn có một hành động thách thức khác khi triệu tập Ðại hội đại biểu công giáo toàn quốc mà một số giám mục bị cưỡng bách phải tham dự.

Thái độ gây hấn của chính quyền cộng sản Trung quốc cũng khép lại cánh cửa của những nỗ lực hòa giải giữa Giáo hội thầm lặng và Giáo hội công khai luôn được đức Gioan Phaolo II và đức đương kim Giáo hòang cổ võ. Hành động cụ thể nhứt của thái độ thách thức của Trung quốc là việc một vị Giám mục không đuợc Tòa thánh phê chuẩn là Ðức cha Ma Yinglin được bầu làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Trung quốc. Dĩ nhiên đây cũng là một tổ chức không được tòa thánh nhìn nhận vì, theo Ðức thánh cha, tổ chức này không phù hợp với giáo lý của Giáo hội Công giáo. Ngoài ra, thách thức không kém đó là việc một Giám mục được Tòa thánh phê chuẩn là Ðức cha Fang Xinyao được bầu làm chủ tịch Hội công giáo ái quốc Trung quốc, một tổ chức cũng không được Tòa thánh nhìn nhận vì đi ngược lại với giáo lý Công giáo.

Những sự kiện trên đây đã đặt 65 Giám mục chính thức vào một hoàn cảnh gần với "ly giáo" và khiến cho 38 vị Giám mục thầm lặng không còn tha thiết với hiệp nhứt và hòa giải với Giáo hội công khai.

Một số viên chức Tòa thánh đề nghị nên có kỷ luật đối với hành động của một số Giám mục công khai, nhứt là Ðức cha Fang Xinyao. Các viên chức này nói đến vạ tuyệt thông và xem đây như một biện pháp kỷ luật hơn là một phán quyết chung cục. Nói cách khác, các viên chức này đề nghị ra vạ tuyệt thông cho Ðức cha Fan Xinyao để ngài suy nghĩ về những hành động của mình và giúp trở về hiệp thông với Ðức thánh cha hơn là chạy theo những đặc ân của nhà nước cộng sản.

Cũng có một số viên chức Tòa thánh đề nghị nên tránh mọi biện pháp kỷ luật, vì tin tưởng vào cuộc đối thoại với chính quyền cộng sản Trung quốc.

Về phần mình các tín hữu thầm lặng lẫn công khai nói với hãng thông tấn Asianews rằng Tòa thánh không nên quá chú trọng đến các quan hệ ngọai giao. Theo các tín hữu này, vì quá muốn thiết lập quan hệ ngọai giao với Bắc Kinh mà Tòa thánh đi đến chỗ thỏa hiệp bằng mọi giá với chính quyền cộng sản. Một tín hữu tại tỉnh Hebei nói với hãng thông tấn Asianews "Một khi Trung quốc không quan tâm đến việc thiệt lập quan hệ ngọai giao thì Tòa thánh nên dồn nỗ lực vào việc củng cố sự hiệp nhứt và đức tin của cả Giáo hội thầm lặng lẫn Giáo hội công khai."

Những người Công giáo thuộc Giáo hội thầm lặng cho rằng từ nhiều năm nay, Tòa thánh dường như quên lãng họ: nhiều giáo phận trống tòa không có Giám mục thay thế và các chủng sinh được yêu cầu gia nhập vào các chủng viện công khai. Theo những người công giáo thầm lặng, để củng cố đức tin của toàn thể Giáo hội tại Trung Quốc, Tòa thánh nên hành động theo suy nghĩ của mình chứ không nên chiều theo đòi hỏi của nhà nước cộng sản Trung quốc và vì thiện ích mục vụ của người tín hữu, hãy truyền chức Giám mục và linh mục ngay cả trong Giáo hội thầm lặng.

Những người Công giáo thầm lặng nói rằng các cộng đồng Công giáo nên học từ các cộng đồng Tin lành thầm lặng: mặc dầu cho tới nay vẫn còn bị chế độ bách hại, họ vẫn xuất hiện công khai để đòi hỏi tự do tôn giáo. Một số bị bắt giữ, nhưng ít nhứt họ cho thế giới thấy rằng họ chỉ có một mong muốn là thấy tự do tôn giáo được hiến pháp Trung quốc rêu rao đuợc tôn trọng.

Theo cha Bernardo Cervellera, giám đốc của hãng thông tấn Asianews, để đẩy mạnh các quan hệ giữa Giáo hội tại Trung quốc và Giáo hội phổ quát, cần phải cổ võ những nỗ lực làm cầu nối của một số Giáo hội như Ðài Loan, Hong kong, Macao và Singapore. Xuyên qua những cuộc viếng thăm, báo cáo, trợ giúp tài chính, gởi giáo viên và nhân viên mục vụ đến Trung quốc, các Giáo hội này có thể giúp phát triển đời sống của cộng đồng tín hữu tại đây.

Trong những ngày vừa qua, có hai biến cố đã tái khẳng định việc Ủy ban Tòa thánh về Giáo hội tại Trung quốc cần phải tỏ rõ lập trường và đường hướng của mình. Trước hết là một bài viết đăng trên báo The Finantial Times về cuộc gặp gỡ giữa các đại diện lão thành của quân đội Trung quốc và một số viên chức Tòa thánh chuyên về Trung quốc. Theo bài báo, cuộc gặp gỡ dựa trên việc tái thương thảo về quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Bắc kinh.

Sự kiện thứ hai là cuộc gặp gỡ của Ðức hồng y Joseph Zen Ze Kiun (Giuse Trần Nhật Quân), cựu Giám mục Hong kong với chủ tịch Hạ viện Hoa kỳ, ông John Boehner. Chủ tịch Hạ viện Hoa kỳ hoàn tòan ủng hộ cuộc đấu tranh của Ðức hồng y Zen cho Giáo hội và tự do tôn giáo của mọi dân tộc. Ông Boehner kêu gọi Giáo hội Công giáo hãy trở thành "chiếc đèn pha hy vọng cho sự thay đổi tích cực và tự do tại Trung quốc".

Người ta hy vọng rằng trong phiên họp kết thúc vào ngày thứ Tư 13 tháng 4 năm 2011, Ủy ban Tòa thánh về Giáo hội tại Trung quốc sẽ có một cái nhìn rõ ràng và thực tế về mối quan hệ giữa Giáo hội và nhà nước Trung quốc. Ðây phải là một mối quan hệ không phản bội sự hy sinh và kỳ vọng của những người đang trung thành với Ðức giáo hòang.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page