Ðức Gioan Phaolo II
và truyền thông xã hội
Ðức Gioan Phaolo II và truyền thông xã hội.
Roma [Catholic on line 10/4/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Hội đồng Tòa thánh về truyền thông xã hội loan báo sẽ triệu tập một Ðại hội những nguời viết Blogger, tức viết báo trên trang mạng. Ðại hội sẽ diễn ra vào ngày 2 tháng 5 năm 2011, tức một ngày sau khi đức Gioan Phaolo II được tôn phong chân phước.
Phòng báo chí Tòa thánh giải thích về mục đích của đại hội như sau: "Mục đích của cuộc gặp gỡ là để giúp tạo cuộc đối thọai giữa những người viết báo trên mạng và đại diện Giáo hội, để lắng nghe kinh nghiệm của những người tích cực họat động trong lãnh vực này cũng như để hiểu rõ hơn những nhu cầu của cộng đồng mạng này. Cuộc gặp gỡ cũng sẽ cho phép trình bày những sáng kiến của Giáo hội tại Roma cũng như ở địa phương, nhằm giúp cho những người xử dụng phương tiện truyền thông mới này... Cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra một ngày sau khi đức Gioan Phaolo II đuợc tôn phong chân phước, bởi vì đây là dịp có nhiều nhà báo mạng có mặt tại Roma".
Thật ra, tổ chức Ðại hội các nhà báo mạng vào ngày 2 tháng 5 năm 2011 không chỉ là một dịp thuận tiện sau lễ phong chân phước cho Ðức Gioan Phaolo II, mà còn nói lên mối quan tâm của vị giáo hoàng này đối với các phương tiện truyền thông xã hội mới.
Thật vậy, ngày 22 tháng 2 năm 2005, không đầy hai tháng trước khi qua đời, đức Gioan Phaolo II đã cho công bố một tông thư với tựa đề "sự phát triển nhanh chóng". Trong lá thư, đức Gioan Phaolo II kêu gọi "đừng sợ những kỹ thuật mới". Theo ngài, đây là những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã cho phép con người xử dụng để khám phá, xử dụng và loan truyền chân lý về phẩm giá con người và về định mệnh con người.
Trong khi hằng triệu nguời trên khắp thế giới đang cầu nguyện cho ngài chóng bình phục, thì đức Gioan Phaolo II lại xem tình trạng bệnh hoạn, yếu đuối của ngài như một dấu chỉ tiên tri. Kết thúc lá thư, ngài lập lại những lời mà ngài đã nói khi khai mạc triều đại giáo hoàng của mình: "Ðừng sợ".
Trong lá thư, nhắc lại nội dung của thông điệp đầu tay của ngài "Sứ mệnh Ðấng Cứu Ðộ", ngài nói đến truyền thông như một "diễn đàn Aereopage" của thời đại. "Aeropage" là một diễn đàn công cộng tại thành Athenes, Hy lạp, nơi thánh Phaolo đã lên tiếng rao giảng về sự phục sinh của Chúa Giesu. Theo đức Gioan Phaolo II, cũng như thánh Phaolo, các tín hữu Kitô cũng được sai đến mọi nền văn hóa để loan báo Sự Thật xuyên qua đối thọai. Ngài khẳng định rằng truyền thông và những kỹ thuật truyền thông hiện đại là một cơ may cho các tín hữu của thời đại.
Ðức thánh cha đã viết tông thư về truyền thông để đánh dấu kỷ niệm 40 năm công đồng Vatican II cho công bố sắc lệnh về truyền thông xã hội có tựa đề "Inter mirifica", nghĩa là "Giữa những điều kỳ diệu". Mượn tựa đề này, ngài khẳng định rằng những kỹ thuật truyền thông tân tiến ngày nay là một trong "những điều kỳ diệu" cần đuợc Giáo hội xử dụng để thực thi sứ mệnh của mình.
Ðức Gioan Phaolo II viết: "Giáo hội không những đuợc kêu gọi xử dụng các phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng, mà ngày nay hơn bao giờ hết, để hội nhập sứ điệp cứu độ vào trong nền văn hóa mới mà các phương tiện truyền thông tạo ra và quảng bá. Giáo hội nói với chúng ta rằng việc xử dụng các kỹ thuật truyền thông hiện đại là một phần của sứ mệnh của Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba".
Trong phần thứ nhứt, tông thư của Ðức thánh cha nói đến sự cần thiết phải hoán cải. Theo Ðức thánh cha, các kỹ thuật tân tiến là một con dao hai lưỡi: nó có thể mang lại điều thiện mà cũng có thể tạo ra điều ác. Nó có thể đuợc xử dụng để loan báo Tin Mừng giải phóng hoặc để trói buộc người khác trong xiềng xích của tội lỗi và ảo tưởng của sự dữ.
Ðức Gioan Phaolo II viết: "thế giời truyền thông cũng có nhu cầu cần đuợc Chúa Kitô cứu độ. Ðể phân tách các tiến trình và giá trị của truyền thông bằng con mắt đức tin, Kinh Thánh có thể đuợc xem như một chìa khóa để nắm bắt đuợc một sứ điệp không phải chóng qua, nhưng là nền tảng cho giá trị cứu rỗi. Lịch sử cứu độ tường thuật và ghi lại sự truyền thông của Thiên Chúa với con người, một sự truyền thông xử dụng mọi hình thức và cách thế để thông truyền. Con người đuợc tạo thành theo hình ảnh của Thiên Chúa để đón nhận mạc khải và để đi vào đối thọai yêu thương với Ngài".
Nhưng theo Ðức thánh cha, vì tội lỗi, khả năng đối thọai của con người về phương diện cá nhân cũng như xã hội đã bị xáo trộn; nhân lọai đã phải đau khổ và sẽ tiếp tục đau khổ vì thiếu cảm thông và chia cách. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ mặc con người. Ngài đã sai Con Một của Ngài đến trong thế gian. Ngôi Lời Nhập Thể đã mang lại ý nghĩa thâm sâu nhứt cho sự truyền thông. Như thế, trong Chúa Thánh Thần, con người đuợc ban cho khả năng đón nhận ơn cứu độ, để công bố và làm chứng cho ơn cứu độ trước thế giới. Chúa Giesu là nhà truyền thông của Chúa Cha. Sự truyền thông của Chúa Con, từ Chúa Cha và trong Chúa Thánh Thần là để cho toàn thế giới.
Ðức Gioan Phaolo II viết rằng "truyền thông thấm nhập vào những chiều kích thiết yếu của Giáo hội vốn đuợc kêu mời loan báo cho mọi người sứ điệp vui tươi của ơn cứu độ. Vì lý do này, Giáo hội nắm bắt các cơ hội thuận tiện được các phương tiện truyền thông cống hiến như những con đường đuợc Thiên Chúa Quan phòng ban cho để gia tăng sự hiệp thông và để làm cho công cuộc rao giảng Tin mừng được thâm sâu hơn. Các phương tiện truyền thông cho phép biểu lộ tính cách phổ quát của Dân Chúa, bằng cách cổ võ một sự trao đổi mãnh liệt và trực tiếp hơn giữa các Giáo hội địa phương và nuôi dưỡng sự hợp tác.
Ðức Gioan Phaolo II khẳng định rằng xử dụng các kỹ thuật truyền thông hiện đại chính là "thông hiệp với Quyền Năng của Chúa Thánh Thần". Dĩ nhiên, khi loan báo Tin Mừng, chúng ta sẽ gặp nhiều chống đối. Nhưng đừng sợ hãi vì bị thế gian chống đối.
CV.