Làn sóng di dân tại Ý

là một trắc nghiệm đối với

giáo huấn của Giáo hội về vấn đề di dân

 

Làn sóng di dân tại Ý là một trắc nghiệm đối với giáo huấn của Giáo hội về vấn đề di dân.

Vatican [CNS 8/4/2011] - Làn sóng di dân từ Bắc Phi đổ vào Ý hiện nay là một trắc nghiệm cho giáo huấn của Giáo hội về vấn đề di dân.

Các cuộc giao tranh tại Libya đã khiến cho nhiều nguời dân Bắc Phi bỏ nước ra đi và tìm đường đến Âu châu. Trong năm 2011, đã có khỏang 22 ngàn thuyền nhân đến đảo Lampedusa của Ý. Nhưng không phải mọi người đều được đặt chân lên bờ. Hôm 6 tháng 4 năm 2011, đã có khỏang 150 người bị chết đuối khi một chiếc thuyền bị đắm.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội đã không ngừng nhấn mạnh đến quyền được di dân, quyền đặc thù của nguời tỵ nạn và trách nhiệm của các nước giàu phải đón nhận những người đang cần được giúp đỡ. Nhưng lời kêu cầu của các vị lãnh đạo Giáo hội đã bị một số người Ý phê bình và chế nhạo. Họ nói rằng Tòa thánh và các tổ chức khác của Giáo hội hãy tiên phong trong việc mở cửa đón nhận người tỵ nạn.

Vì chỉ nằm cách bờ biển Bắc Phi khoảng trên một trăm cây số, Lampedusa đã trở thành cửa ngỏ dẫn vào Âu châu đối với người dân Bắc Phi. Các cư dân tại đảo than phiền rằng các hạ tầng cơ sở trong đảo đã đầy ắp người tỵ nạn. Chính quyền Ý đã cho di chuyển những người mới đến về những vùng khác, nhưng người dân của những vùng này cũng chẳng muốn đón tiếp họ.

Thủ tướng Ý, ông Silvio Berlusconi đã đề nghị viện trợ tài chính cho Tunisia để chận đứng làn sóng di dân và cho hồi hương những người mới đến Ý.

Về phần mình, Ðức hồng y Angelo Bagnasco, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý đã kêu gọi Âu châu hãy nhìn nhận rằng Ý không thể đơn phương đối phó với làn sóng di dân và phải xem đảo Lampedusa như một phần bờ biển phía nam của Liên Âu.

Trong phiên họp hôm 3 tháng 4 năm 2011, các Ðức giám mục Âu châu khẳng định rằng cuộc khủng hoảng di dân hiện nay "đòi hỏi tình liên đới của mọi quốc gia và tổ chức của Âu châu".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page