Tiết Thanh Minh và
người Công giáo Trung Quốc
Tiết Thanh Minh và người Công giáo Trung Quốc.
Trung Quốc [Asianews 6/4/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến,
"Thanh Minh trong tiết tháng ba, lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh". Người việt nam nào cũng thuộc lòng câu thơ này của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.
Trong "Tín ngưỡng Việt nam", học giả Toan Ánh giải thích: "Tiết thanh minh đuợc coi là một lễ tiết, tức là một ngày Tết có cúng lễ. Nhân ngày Thanh Minh, người Á đông, nhất là người Trung hoa và Việt nam, có tục ăn tết Thanh Minh.
Theo Phan kế Bính trong "Việt nam phong tục", thì người Tàu nhân hôm ấy giai nhân tài tử đua nhau đi tảo mộ, gọi là hội Ðạp Thanh".
Người Việt nam ta tuy không hoàn toàn ăn Tết Thanh Minh như nguời Tàu, nhưng cũng nhân ngày Tết này rủ nhau đi viếng mộ gia tiên và cũng làm lễ cúng gia tiên sau cuộc tảo mộ" [x. Toan Ánh, tin ngưỡng Việt nam, quyển hạ]
Lễ Thanh Minh được người Trung quốc cử hành hôm thứ Ba 5 tháng Tư năm 2011. Trong ngày lễ này, người Trung hoa đến các nghĩa trang để "tảo mộ" tức dọn dẹp các ngôi mộ của người thân.
Trong tiết Thanh Minh, tại Trung quốc, trời mưa hầu như mỗi ngày cho nên con người dễ xúc động khi tưởng nhớ đến người thân đã ra đi. Lễ này cũng nhắc nhở họ rằng "cuộc sống chóng qua, năm tháng qua mau; chỉ có tình cảm gia đình là tồn tại".
Có từ hơn 2,500 năm nay, lễ Thanh Minh đã bắt đầu từ thời nhà Chu vào thế kỷ 12 và 13 trước công nguyên. Lễ này đánh dấu thời gian "trong xanh và sáng sủa" cho nên gọi là Thanh Minh. Thời tiết bắt đầu ấm áp, đây là thời kỳ lý tưởng cho việc gieo trồng.
Từ hơn 2 ngàn năm lịch sử, Lễ thanh minh đã ăn sâu trong lòng người Trung Hoa. Tin hay không tin, dễ cảm xúc hay cứng lòng, người Trung Hoa nào cũng giữ ngày Thanh minh và ra nghĩa trang để tỏ lòng báo hiếu trước mộ ông bà tổ tiên: họ thắp nhang, đốt pháo, đốt tiền mã, mang hoa quả bánh trái hay rượu đến đặt trên mộ và bái lạy trước mặt người quá cố.
Trong tiết Thanh Minh, dù ở đâu, nguời Trung hoa nào cũng cố gắng trở về nhà để viếng mộ người thân. Họ trưng bày ảnh của người quá cố trong nhà hay ngoài nghĩa trang và để tỏ lòng tôn kính và biết ơn, họ bái lạy trước người thân đã khuất núi.
Ðối với người Công giáo, nhứt là những người mới trở lại, phải tuân giữ ngày Thanh Minh là một điều khiến cho nhiều người lúng túng. Trong truyền thống của Giáo hội Công giáo, cách thế tốt đẹp nhứt để tưởng nhớ người chết là xin lễ và hiệp dâng thánh lễ. Chính vì vậy mà nhiều người không muốn nhìn nhận tầm quan trọng của các nghi thức cổ truyền của dân tộc. Ðôi khi trong các gia đình lại xảy ra căng thẳng giữa người trở lại Công giáo và người không Công giáo. Người Công giáo bị tố cáo chỉ tôn thờ Thiên Chúa mà không màng đến lòng hiếu thảo và quên người quá cố. Ðây là lý do khiến Giáo hội Công giáo không được thiện cảm của nhiều người Trung Hoa. Ðiều này cũng đã từng xảy ra tại Việt nam trong những thế kỷ đầu khi Tin Mừng đuợc rao giảng tại Việt nam.
Hiện nay, người Công giáo Trung Hoa vẫn giữ lòng báo hiếu với tổ tiên, ông bà và người quá cố và cố gắng thích nghi sự tưởng nhớ người quá cố với những tập tục cổ truyền của ngày Thanh Minh.
Một phóng viên của hãng tin Asianews tiếp xúc với nhiều linh mục Trung hoa để hỏi về những sinh họat mà Giáo hội đề ra cho ngày lễ Thanh Minh. Linh mục nào cũng cho biết rằng hiện nay không còn ai trách cứ người Công giáo về điểm này. Người Công giáo cũng chứng tỏ vẫn tưởng nhớ người chết và tỏ lòng báo hiếu với ông bà tổ tiên như mọi người.
Trong giáo phận Nanchong, tỉnh Sichuan, một linh mục là cha Chen Gongao đã cử hành thánh lễ tại nghĩa trang ở Xishan, trong tu viện Biển Ðức ở Nanchong. Nhiều người không Công giáo cũng tham dự thánh lễ và bắt đầu nhận ra rằng Giáo hội Công giáo rất gần gũi với văn hóa Trung Hoa và luôn khuyến khích lòng hiếu thảo và tôn trọng đối với nguời chết.
Trong thánh lễ cầu nguyện cho người quá cố, nhiều người cảm nhận đuợc sự yêu mến và quan tâm của Giáo hội đối với người chết.
Một thiếu nữ tên là Li nói: "Tôi không phải là người có đạo, những mẹ tôi là một tín hữu Công giáo. Khi qua đời, bà bày tỏ mong ước được chôn cất ở đây. Chúng tôi ít đến đây, nhưng tâm hồn chúng tôi không thể nào quên đuợc tình yêu của mẹ dành cho chúng tôi. Hôm nay, cha Chen dâng thánh lễ và như vậy chúng tôi có thể nói lên tình yêu của chúng tôi đối với mẹ chúng tôi như bà vẫn mong muốn. Ðồng thời, qua nghi thức, tôi hiểu đuợc tại sao mẹ tôi tin Chúa và Giáo hội: Giáo hội ý thức được những nhu cầu sâu xa của con người và luôn chứng tỏ tình yêu của Chúa, là Ðấng chăm sóc cho những người thiếu thốn. Chúng tôi rất sung sướng".
Ðể thích nghi với việc tưởng nhớ người chết theo những nghi thức cổ truyền, nghĩa trang Công giáo Xishan cũng có trang bị một cái giếng dành cho những ai muốn đốt pháo.
Theo hãng tin Asianews, nếu Giáo hội đuợc hội nhập hơn với văn hóa truyền thống của dân tộc, Giáo hội sẽ được dân chúng Trung quốc chấp nhận dễ dàng hơn.
CV.