Các vấn đề ngàn đời của con người

 

Các vấn đề ngàn đời của con người.

Paris (Avvenire 25-3-2011) - Phỏng vấn ông Jean Luc Marion, giáo sư triết học, về các vấn nạn ngàn đời của con người vô thần cũng như không vô thần.

Trong hai ngày 24 - 25 tháng 3 năm 2011, diễn đàn đối thoại với những người không tin, do Hội Ðồng Tòa Thánh Văn Hóa đề xướng, đã diễn ra tại Paris thủ đô nước Pháp. Diễn đàn có tên gọi là "Tiền đường dân ngoại", lấy lại hình ảnh sân ngoài cùng của Ðền Thờ Giêrusalem xưa kia, dành cho cả những người không phải là tín hữu Do thái, nhưng muốn lên Ðền Thờ cầu nguyện và thờ phượng Giavê Thiên Chúa của dân Israel. Ðức Hồng Y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội Ðồng cho biết trong tương lai gần diễn đàn sẽ lần lượt được tổ chức tại các thành phố khác của Âu châu như: Tirana của Albania, Firenze trung Italia, Stockholm Thụy Ðiển, Praha của Cộng hòa Tiệp và Barcelona của Tây Ban Nha.

Ngày 24 tháng 3 năm 2011 cuộc thảo luận đã diễn ra tại trụ sở Unesco của Liên Hiệp Quốc với sự tham dự của nhiều nhân vật thuộc giới trí thức, gồm các triết gia, các nhà chính trị, kinh tế tài chánh, văn hóa, nghệ sĩ và tôn giáo. Sáng ngày 25 tháng 3 năm 2011 tại Viện Pháp Quốc đã có cuộc thảo luận về luân lý đạo đức trong lãnh vực kinh tế, nền tảng luân lý đạo đức của luật pháp và quan hệ giữa tín ngưỡng và văn hóa. Ban tối đã có lễ hội tại quảng trường trước nhà thờ Ðức Bà Paris với sự tham dự của hàng chục ngàn bạn trẻ. Trong sứ điệp Video gửi các bạn trẻ, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI mời gọi các bạn trẻ có tín ngưỡng cũng như không có tín ngưỡng, dấn thân đối thoại với nhau, và bắc những nhịp cầu cảm thông trong tinh thần tôn trong và thân hữu, đồng thời giúp tìm lại con đường đối thoại tại Âu châu. Ðức Thánh Cha mạnh mẽ khẳng định rằng vấn đề Thiên Chúa không phải là một nguy hiểm cho xã hội, không làm cho cuộc sống con người bị lâm nguy. Vấn đề Thiên Chúa không thể vắng bóng trong những vấn nạn lớn của thời đại ngày nay.

Ngài ghi nhận rằng ngày nay nhiều người nhận thực mình không thuộc một tôn giáo nào, nhưng vẫn mong muốn một thế giới mới mẻ và tự do hơn, công bằng và liên đới hơn, an bình và vui tươi hơn. Những người không tín ngưỡng gọi hỏi các tín hữu, nhất là đòi buộc họ làm chứng cho một cuộc sống phù hợp với những gì họ tuyên xưng, và phủ nhận tất cả những lệch lạc về tôn giáo khiến cho tôn giáo trở nên vô nhân đạo. Các tín hữu thì muốn nói với những người bạn của mình rằng kho tàng ở nơi các bạn đáng được chia sẻ, gọi hỏi và suy tư.

Ðức Thánh Cha khích lệ các bạn trẻ kiến tạo các nhịp cầu giữa các tín hữu và những người không tin, nắm bắt cơ may giúp tìm thấy nơi sâu thẳm nhất của lương tâm những con đường đối thoại tiên phong và sâu xa, trong một suy tư vững chắc và có lý luận. Người trẻ có biết bao nhiêu điều để nói với nhau. Vì thế đừng khép kín lương tâm trước những thách đố và những vấn nạn trước mắt. Qúa nhiều khi lý trí con người bị khuất phục bởi áp lực và sự quyến rũ của của lợi lộc, và bị bắt buộc phải nhìn nhận lợi nhuận như tiêu chuẩn tối hậu. Nhưng mọi người đều được mời gọi can đảm bước theo chân lý, vì đó là con đường duy nhất dẫn đưa đến cuộc sống hạnh phúc và sung mãn đích thực. Ðức Thánh Cha xác tín rằng cuộc găp gỡ giữa thực tại đức tin và thực tại lý trí giúp con người tìm lại được chính mình.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Jean Luc Marion, giáo sư triết học, về các vấn nạn ngàn đời của con người, vô thần cũng như không vô thần.

Giáo sư Jean Luc Marion sinh năm 1946, dậy môn Siêu hình tại đại học Sorbonne Paris, và là người theo gót các triết gia Emmanuel Lévinas và Paul Ricoeur. Năm 2008 ông được tuyển chọn vào số các thành viên của Hàn Lâm Viện Pháp, với ghế số 4, tức ghế của Ðức cố Hồng Y Jean Marie Lustiger. Giáo sư Marion cũng thuộc nhóm thành lập ấn bản tiếng Pháp của nguyệt san "Comunio" Hiệp Thông. Lãnh vực nghiên cứu của giáo sư đi từ suy tư về gia tài của Descartes cho tới nền thần học kitô. Trong các năm qua giáo sư Marion cũng đã là thành viên của Hàn Lâm Viện Lincei Italia.

Trong số các tác phẫm nổi tiếng của ông có cuốn: "Thiên Chúa không là". Hôm 24 tháng 3 năm 2011 giáo sư cũng đã tham dự một cuộc thảo luận tại đại học Sorbonne, liên quan tới cuôc đối thoại với các người không tín ngưỡng.

Hỏi: Thưa giáo sư Marion, theo giáo sư, đâu là những điều kiện chính cho một cuộc đối thoại đích thật và xây dựng giữa các người tin và các người không tin?

Ðáp: Quy tụ các điều kiện này với nhau sẽ không phải là điều dễ dàng, và cuộc gặp gỡ tại Paris có thể được coi như là một điểm khởi hành mới. Ðể trở thành đích thật, trước hết cuộc đối thoại này phải đưa ra các câu hỏi chính liên quan tới con người ngày nay. Nói cách khác, đối với tôi, chú ý tới sự khác biệt của các câu trả lời xem ra là điều không ích lợi, như rất tiếc người ta qúa thường làm cho tới nay.

Hỏi: Giáo sư đang nghĩ tới các đề tài nào?

Ðáp: Chẳng hạn, sự chống đối giữa một nền văn minh xoay quanh sự sống và các điều mà người ta cho là tiến bộ văn minh gắn liến với cái chết. Một cách đặc biệt việc tôn trọng sự sống chống lại quyền trợ tử hay quyền trợ giúp truyền sinh. Nhưng cũng có biết bao nhiêu mặt trận khác nữa như các đề tài công lý hay phát triển. Ðiều này cũng có giá trị đối với vấn đề sự hiện hữu của Thiên Chúa hay cái chết được suy đoán của Thiên Chúa. Người ta không đặt câu hỏi nền tảng liên quan tới sự hiện hữu mà Thiên Chúa có thể có trong thế giới chúng ta.

Hỏi: Giữa các giả thiết khởi hành thì cũng có ý nghĩa cần trao ban cho từ "lý trí", có đúng thế không thưa giáo sư?

Ðáp: Chắc chắn rồi, bởi vì một cuộc đối thoại chỉ thật sự có lý, khi người ta nói các từ mà cả hai bên cùng hiểu một cách tràn đầy. Nhất là khi hai bên cùng góp phần vào việc tìm kiếm một cái gì chung. Nhưng hiện nay tôi có cảm tưởng rằng không có một sự đồng ý sâu xa nào liên quan tới điều mà người ta muốn tìm kiếm. Cần phải để ý, bởi vì đối chiếu các câu trả lời cho các vấn nạn mà thực sự không chung cho cả hai bên, thì không có lợi ích gì cả.

Hỏi: Thưa giáo sư, giáo sư hướng dẫn một phân bộ của đại học Sorbonne, sẵn sàng tiếp đón "Sân của dân ngoại". Ðối với đại học nổi tiếng này đây có phải là việc trở về nguồn hay không?

Ðáp: Vâng, đối với nhiều khía cạnh, nó là một cuộc trở về nguồn. Nhưng sẽ là một sai lầm, nếu nghĩ rằng cuộc thảo luận liên quan tới các vấn đề gắn liền với Thiên Chúa, đã bị gián đoạn trong thời gian tại những nơi của nền văn hóa cao của Pháp. Vì các lý do lịch sử, đại học Sorbonne là nơi hợp khí chất, có lẽ hơn nhiều nơi khác đã được chọn. Tôi sẽ nói rằng đại học Sorbonne là một nơi cụ thể và thực tế hơn của tổ chức Unesco, vì nó duy trì được một sự trừu tượng nào đó, đồng thời nó cũng rộng mở và công khai hơn là Học Viện Pháp quốc, là nơi một loại thân tình đại học vẫn còn có giá trị. Nhưng mà ngoài các nơi chốn ra, thì vấn đề là phẩm chất của các cuộc thảo luận.

Hỏi: Thuyết thiên quang luận thường được định nghĩa như là một lúc gẫy gập trong quan niệm của lý tính. Giáo sư có tin rằng suy tư trở lại về thời gian này là điều thích hợp hay không?

Ðáp: Tôi thú nhận rằng xem ra nó đã luôn luôn là một hiểu lầm lớn. Tôi không tin rằng thuyết thiên quang luận đã thực sự tái định nghĩa lý tính tây phương. Vì vậy sẽ là một sai lầm, nếu hướng cuộc thảo luận về thuyết thiên quang luận một cách thái qúa. Liên quan tới lý tính, vấn đề nòng cốt là việc chúng ta muốn sử dụng nó một cách ít hay nhiều cởi mở, và ít hay nhiều hạn chế. Vì vậy, phải suy tư về mức độ cởi mở của lý tính đó. Bình thường, một cách nòng cốt, nó qúa hạn hẹp. Hay đúng hơn có thể nói rằng ngôn ngữ kỹ thuật và khoa học ngày nay sử dụng lý tính một cách qúa hạn hẹp. Trái lại, lý tính của Descartes rất là rộng mở.

Hỏi: Thưa giáo sư, nhắc tới Descartes xem ra có phải là gợi ý cần phải quay về đàng sau hay không?

Ðáp: Không, không cần phải quay về đàng sau, nhưng cần suy nghĩ một cách linh động và mềm dẻo hơn, và như thế một cách mạnh mẽ hơn. Tư tưởng gọi là hợp lý trí của khoa học và kỹ thuật đã bị giản lược thành một suy tư triệt để về các sự vật. Vì thế cần phải học suy tư trở lại điều không là một sự vật. Vấn đề nền tảng là ở đó.

Hỏi: Ðã từ lâu có một vài nhà phê bình lý tính hạn hẹp này tố cáo các cám dỗ của khuynh hướng chống thần linh để bênh vực con người, hay các cám dỗ tự ngắm nghía mình một cách bệnh hoạn. Riêng giáo sư, thì giáo sư nghĩ sao?

Ðáp: Theo tôi, Prometeo đội đá vá trời là một gương mặt quay quắt, nhưng vẫn thông minh hơn một vài con người của thời đại ngày nay rất nhiều. Những người này còn xác tín một cách ngô nghê rằng khoa học sẽ cống hiến hạnh phúc cho chúng ta. Có lẽ là điều đứng đắn, khi so sánh họ với Narcisio, là người say mê vẻ đẹp của chính mình thái qúa nên không ngừng ngắm nghía mình trong nước đến bị chết chìm; miễn là đừng quên rằng tính tự yêu qúa đáng bệnh hoạn của sự hiểu biết khoa học có các gốc rễ cổ xưa.

Hỏi: Liên quan tới điều này, giáo sư có nghĩ rằng chúng ta đang tiến tới một thái độ tự phê bình kiểm thảo hay không?

Ðáp: Các cuộc khủng hoảng kỹ thuật, môi sinh, tài chánh tự chúng đã áp đặt một loại tự phê bình kiểm thảo rồi. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ mau chóng thông minh đủ để tiếp nhận các hạn hẹp trong sự hiểu biết của chúng ta. Nhưng các sai lầm đã không luôn luôn có tác dụng giáo dục. Riêng cá nhân tôi, thì tôi không lạc quan cũng không bi quan. Tôi tìm cách sống kiên nhẫn.

Hỏi: Cuộc đối thoại với những người không tin khởi hành từ Paris, là kinh thành ánh sáng biểu tượng cho Âu châu. Nó có thể trở thành một dip suy tư về các gốc rễ kitô của Âu châu không thưa giáo sư?

Ðáp: Tôi hy vọng rằng cuộc thảo luận ít nhất có thể dẫn đến một điều hiển nhiên. Không đúng là Âu châu đã khước từ căn tính kitô của mình, bởi vì trên thực tế đó là điều không thể làm được cho tới chỗ sâu thẳm tận cùng. Nhưng có đúng là việc không chấp nhận căn tính kitô sẽ khiến cho Âu châu ngày càng yếu kém hơn.

(Avvenire 25-3-2011)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page