Vài nét về cộng đồng Kitô

tại Bhutan

 

Vài nét về cộng đồng Kitô tại Bhutan.

Bhutan [Ucanews 28/3/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Bhutan là một quốc gia nhỏ bé nằm dưới chân dãy Hy mã lạp sơn, giáp giới với hai nước khổng lồ Ấn độ và Trung Quốc. Tại đây, trong tổng số dân chỉ có khoảng 700 ngàn người, cũng có một cộng đồng Kitô với khoảng 10 ngàn tín hữu.

Dạo đầu tháng 3 năm 2011, Ðức cha Thomas Menamparampil, Tổng giám mục Guhawati, Ấn độ đã viếng thăm Bhutan. Ngài và ba người thuộc Phong trào giới trẻ "Giesu" đã đi xuyên qua Bhutan, dâng thánh lễ và gặp gỡ với người Công giáo cũng như các Cộng đồng Kitô khác .

Kể từ năm 1993, đây là lần thứ hai vị Tổng giám mục này trở lại viếng thăm Cộng đồng Kitô tại Bhutan. Là một quốc gia có đa số dân theo Phật giáo, Bhutan nổi tiếng là một nước "đóng kín", gắn bó với các truyền thống cổ xưa, đồng thời cũng không ngừng bị xáo trộn do những căng thẳng giữa các sắc tộc và với nước láng giềng Nepal. So với dân số nhỏ bé của mình, Bhutan hiện là quốc gia có tỷ lệ người tỵ nạn cao nhứt thế giới.

Mãi cho đến năm 1999, chính phủ nước này mới tháo gỡ lệnh cấm xem truyền hình và xử dụng Internet. Năm 2005, nước này lại ban hành lệnh cấm hút thuốc. Cho đến nay, người dân Bhutan vẫn còn bị bắt buộc phải mang quốc phục cổ truyền nơi công cộng. Riêng Kitô giáo, mãi cho đến năm 1965 vẫn còn bị cấm chế.

Mặc dù có những bằng chứng cho thấy có sự gia tăng, với 10 ngàn tín hữu, dân số Kitô giáo vẫn còn là một thiểu số nhỏ tại Bhutan. Trên nguyên tắc, luật pháp Bhutan nhìn nhận tự do tôn giáo và quốc vương được xem như "người bảo vệ mọi tôn giáo".

Ðức cha Menamparampil cho biết: phần lớn người Công giáo Bhutan tập trung tại vùng Darjeeling. Những người gốc Nepal, nay đã trở thành công dân Bhutan, cũng rất hăng say sống theo Tin Mừng.

Tuy nhiên, chiêu mộ tín đồ, cải đạo và xây dựng các cơ sở tôn giáo mới đều bị cấm chỉ tại Bhutan. Tin tức thường xuyên cho biết các tín hữu Kitô vẫn còn bị bách hại hay làm khó dễ. Dạo tháng 10 năm 2010, một tín hữu Kitô đã bị giam tù chỉ vì đã chiếu một cuốn phim nói về Chúa Giesu.

Người ta không ngạc nhiên tại sao người Công giáo tại thủ đô Thimphu vẫn còn tỏ ra rất dè dặt trong việc giữ đạo: họ phải tổ chức các thánh lễ và các cuộc gặp gỡ tại nhà riêng hay một cách không ồn ào trong những phòng hội nhỏ, ít bị chú ý.

Hiện nay những người Công giáo tại thủ đô Thimphu được chăm sóc mục vụ bởi Giáo phận Darjeeling và một linh mục Dòng Tên là cha Joseph Kinley Tshering. Vị linh mục này xuất thân từ hoàng gia, trở lại Công giáo và gia nhập Dòng Tên. Thỉnh thoảng ngài viếng thăm mục vụ Cộng đồng Công giáo nhỏ bé tại thủ đô.

Cũng như người Công giáo, các tín hữu thuộc các Giáo hội Kitô khác cũng tụ họp nhau trong nhà riêng.

Ðức tổng giám mục Guwahati nói rằng các tín hữu Kitô không trực tiếp bị xách nhiễu, nhưng chính quyền vẫn xử dụng nhiều cách để làm cho các tín hữu của những tôn giáo mới phải thất vọng. Chẳng hạn khi điền đơn mà ghi rõ mình là tín hữu Kitô, người ta sẽ bị làm khó dễ hoặc sẽ không được thu nhận vào các trường cao đẳng hay đại học.

Cũng có nhiều cách khác qua đó chính quyền muốn cho thấy họ không chấp nhận sự hiện diện của Kitô giáo. Ðức cha Menamparampil kể lại rằng trong chuyến viếng thăm vừa qua của ngài, dân chúng cho biết hơi điện bị cắt chỉ vì các tín hữu thường xuyên tụ họp để cầu nguyện. Dĩ nhiên, chính quyền địa phương cho nói rõ lý do. Các tín hữu Kitô còn bị đe dọa bị cúp nước. Chính quyền còn loan báo một kế hoạch đòi hỏi phải phá hủy các căn nhà của các tín hữu Kitô. Các lý do được đưa ra không phải là lý do thực sự của những biện pháp trừng phạt nói trên. Có người bị đe dọa phá nhà chỉ vì tổ chức cầu nguyện trong nhà mình.

Tuy nhiên, Ðức tổng giám mục Guwahati nói rằng ngài không thấy có ai tỏ ra thất vọng hay nao núng. Họ đã chịu đựng quá nhiều và chỉ chờ mong được công khai tuyên xưng niềm tin của mình.

Ðức cha Menamparampil cũng nói rằng nhiều người cho biết sẽ có thể xây nhà thờ riêng trong một tương lai gần.

Một ký giả người Anh hiện đang sống tại thủ đô nói rằng sở dĩ chính quyền Bhutan muốn nhìn nhận các tín hữu Kitô là vì muốn họ phải đăng ký chính thức.

Ký giả này nói rằng người dân Bhutan không đặt vấn đề về sự hiện diện của Kitô giáo tại nước này miễn là đừng can dự vào văn hóa Phật giáo. Những người Bhutan mà ký giả này có dịp trao đổi đểu nói rằng họ không đặt vấn đề về việc các tín hữu Kitô xây nhà thờ tại thủ đô.

Nhiều người hy vọng như thế vì với sự lãnh đạo năng động và cởi mở của quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, Bhutan đang bắt đầu cải tổ. Năm 2008, nước này đã cho tổ chức bầu cử dân chủ lần đầu tiên. Với tham vọng cung cấp nguồn thủy điện cho Ấn độ và đẩy mạnh công nghiệp du lịch, Bhutan đang cố gắng vực dậy nền kinh tế yếu kém của mình.

Dù là một trong những quốc gia nghèo nhứt thế giới, vương quốc này vẫn tự hào về chỉ số hạnh phúc của đất nước. Thập niên 70, quốc vương Jigme Singye Wangchuck đã phát minh ra điều được gọi là "tổng số hạnh phúc quốc gia". Ông nói rằng "tổng số hạnh phúc quốc gia quan trọng hơn tổng sản lượng quốc gia".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page