Khái niệm về vô tín và vô thần

 

Khái niệm về vô tín và vô thần.

Paris [La Croix 25/3/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Cuộc gặp gỡ được mệnh danh là "Sân của dân ngoại" giữa các tín hữu Kitô và những người không tin, được Hội đồng Tòa thánh về văn hóa tổ chức tại Paris, đã kết thúc hôm thứ Bảy 25 tháng 3 năm 2011. Sáng kiến đã diễn ra theo mong mõi của Ðức Thánh Cha Benedicto XVI là muốn thấy mở ra những cuộc đối thoại với những người muốn tiếp cận với Thiên Chúa như một Ðấng Vô Danh.

Ðể hiểu được cuộc đối thoại này, thiết tưởng cần tìm hiểu ý nghĩa của một số khái niệm liên hệ.

Trước hết là khái niệm vô tín. Vô tín là người không đặt vấn đề về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Một cách tổng quát, có thể nói rằng dửng dưng tôn giáo, vốn là một thái độ ngày càng gia tăng, là tình trạng của những người không đặt vấn đề về Thiên Chúa và không cảm thấy có nhu cầu phải đặt vấn đề này. Người dửng dưng hay vô tín là người không tin, nhưng không đương nhiên cảm thấy có nhu cầu phải xác định tại sao hay như thế nào mình không tin.

Kinh Thánh đã từng nói đến thái độ này. Sách tiên tri Gieremia đoạn 5 câu 12 nói đến những người đã chối bỏ Thiên Chúa khi nói: "Chẳng có Chúa đâu, chúng tôi chẳng mắc tai họa nào; đói kém, gươm đao, chúng tôi không hề gặp". Tác giả thánh vịnh 14 kêu lên: "Kẻ ngu si tự nhủ: làm gì có Chúa Trời. Chúng đã ra hư đốn, làm những điều ghê tởm, chẳng có một ai làm điều thiện".

Kẻ ngu si được thánh vịnh 14 nhắc đến chối bỏ Thiên Chúa hay lời hứa với Israel? Các nhà chú giải chưa giải thích được điều này.

Vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên và những thế kỷ kế tiếp, người Hy lạp và người Ai cập không quan niệm rằng có thể có một Thiên Chúa mà con người không thấy được hay không thể biểu hiện được. Nhưng đây chính là Thiên Chúa của dân Do thái và của Kitô giáo. Chính vì không chịu tế lễ cho các thần minh của đế quốc, mà người Do thái cũng như các tín hữu Kitô bị xem là "những kẻ vô thần" và bị bách hại. Phải đợi cho đến thế kỷ 18 sự hiện hữu của Thiên Chúa mới minh thị bị các tư tưởng gia của thời đại Ánh Sáng đặt nghi vấn và ý tưởng về một thế giới không có Thiên Chúa mới nẩy sinh.

Song song với vô tín còn phải kể đến thái độ bất khả tri. Theo quan niệm triết học này, tất cả những gì vượt qua lãnh vực thực nghiệm đều không thể biết được. Do đó, con người không thể nói gì về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ðây là một thái độ rất phổ biến hiện nay, nhứt là trong bối cảnh của chủ nghĩa đa tôn giáo.

Khác với vô tín hay bất khả tri, vô thần là người minh thị chối bỏ chính sự hiện hữu của Thiên Chúa. Người vô thần dựa vào một hệ thống tư tưởng để lý giải về thế giới và lịch sử theo đó sự không hiện hữu của Thiên Chúa là một khẳng định dựa trên thực nghiệm và lý trí.

Trong tác phẩm "thảm kịch của nhân bản chủ nghĩa vô thần", đức cố Hồng y Henri de Lubac đã chứng minh rằng đặc điểm của chủ nghĩa vô thần phát sinh từ một Tây phương chối bỏ Kitô giáo chính là tự nhận minh là chủ nghĩa nhân bản đích thực.

Chủ nghĩa vô thần đã được hệ thống hóa vào thế kỷ 19. Với tác phẩm "Yếu tính của Kitô giáo", Triết gia Ðức Ludwig Feuerbach đã được xem là người đầu tiên xây dựng hệ thống tư tưởng vô thần một cách khúc chiết. Theo triết gia này, ý tưởng về Thiên Chúa chỉ là sự phóng họa những giá trị như lòng thiện hảo, chân lý và công bình mà con người luôn tìm kiếm. Triết gia này cho rằng Thiên Chúa chính là những lý tưởng mà con người không đạt được trong thế giới này.

Kế đó, Marx, Nietzsche và Freud, mà triết gia Pháp Paul Ricoeur qua đời năm 2005 gọi là "những bậc thầy của sự hoài nghi", đã quảng diễn luận đề của Feurbach. Khởi đi từ những quan điểm khác nhau, ba nhà tư tưởng này muốn giải phóng con người khỏi sự vong thân của nó. Theo họ, để trở thành người, con người cần phải từ bỏ mọi cầu cứu với thần linh ảo tưởng và đương đầu với thực tế bằng cách xây dựng một thế giới cho con người và vì con người. Chủ nghĩa nhân bản vô thần này gắn liền với ý tưởng tiến bộ của nhân loại. Nhưng với vô số tai họa và chiến tranh, lịch sử của thế kỷ 20 đã chứng minh ngược lại. Chính vì thế mà chủ nghĩa nhân bản vô thần này đã không đứng vững.

Ngày nay, cơn cám dỗ của chủ nghĩa vô thần vẫn còn đó, nhưng không gắn liền với một hệ thống tư tưởng giải thích về thế giới, mà lại xoay quanh vấn đề sự Dữ. Nhiều người trở thành vô thần chỉ vì vấp phải vấn đề sự Dữ trong thế giới.

Trong thế kỷ 20 vừa qua, một số quốc gia đã tuyên xưng chủ nghĩa vô thần như quốc giáo để chống lại bất cứ tôn giáo nào hứa hẹn hạnh phúc bên kia thế giới. Theo những quốc gia này, hứa hẹn hạnh phúc bên kia thế giới là lừa gạt để nô lệ hóa con người. Kể từ năm 1923, Liên xô cổ súy chủ nghĩa vô thần quốc gia. Kế đó là Ðông Âu. Năm 1967, Enver Hodja đã tuyên bố Albani là quốc gia vô thần đầu tiên trên thế giới.

Chủ nghĩa vô thần được tuyên xưng như quốc giáo đã để lại những di hại như thế nào thì lịch sử đã chứng minh.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page