Vai trò của người Công giáo Ý
trong xã hội Ý và Âu Châu
Vai trò của người Công giáo Ý trong xã hội Ý và Âu Châu.
Roma [Chiesa 13/3/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ngày thứ Năm 17 tháng 3 năm 2011, Nước Ý sẽ mừng 150 năm ngày thống nhứt đất nước. Giáo hội Công giáo, kể cả Ðức thánh cha Benedicto XVI, sẽ tham dự các cuộc lễ mừng kỷ niệm, nhưng nhìn qua bên kia biên giới của nước Ý.
Thật vậy, đối với Giáo hội Công giáo, nước Ý có một sứ mệnh phổ quát.
Ðức thánh cha Gioan Phaolo II đã từng long trọng nói lên sứ mệnh này trong một lá thư gởi cho các Ðức giám mục Ý và trong một lời cầu nguyện đặc biệt cho nước Ý hồi năm 1994. Ðức Gioan Phaolo II khẳng định: "Nước Ý, khi trung thành với lịch sử của mình, được ủy thác một cách đặc biệt sứ mệnh đại diện cho toàn thể Âu châu để bảo vệ gia tài tôn giáo và văn hóa được hai thánh tông đồ Phero và Phaolo vun trồng tại Roma".
Năm 2006, trong bài nói chuyện với Hội đồng Giám mục Ý nhóm họp tại thành phố Verona, Ðức thánh cha Benedicto XVI cũng lập lại điều đó. Ngài nói: "Nước Ý là một phần đất thuận tiện cho chứng từ Kitô giáo. Thật vậy, Giáo hội tại đây là một thực tại rất sống động, hiện diện trong dân chúng thuộc mọi lứa tuổi và địa vị xã hội".
Nhưng đây cũng chính là điều khiến phải nêu lên câu hỏi: Liệu ngày nay và trong tương lai gần, Giáo hội Công giáo Ý, vốn là nơi có ngai tòa của thánh Phero từ 2 ngàn năm nay, có còn thực thi sứ mệnh này không?
Ðây không chỉ là một sứ mệnh tôn giáo. Sứ mệnh này còn có tính dân sự và chính trị nữa, nhứt là trong một Âu Châu mà Ðức thánh cha Benedicto XVI nói là đã bị tiêm nhiễm bởi một sự "thù nghịch lạ kỳ" đối với chính mình và với những cội rễ Kitô của mình.
Theo cái nhìn của các Giáo hội tại các nước âu châu khác, nước Ý Công giáo là một biệt lệ đáng thèm muốn. Nước này là một mẫu gương để mô phỏng.
Một trong những bằng chứng là, trong lãnh vực chính trị, Ý là nước luôn chống lại những luật pháp nào muốn hợp pháp hóa việc phá thai và làm cho chết êm dịu cũng như đánh đổ định chế gia đình được xây dựng trên hôn phối giữa một người nam và một người nữ.
Tuy nhiên, hiện hàng giáo phẩm Công giáo Ý đang lo sợ rằng sức sống chính trị của một nước Ý Công giáo sẽ bị hạ giảm và bị dập tắt. Và như Ðức thánh cha và Ðức hồng y Angelo Bagnasco, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý đã không ngừng kêu gọi, để lấy lại sức sống, nước này cần có một "thế hệ Công giáo mới dấn thân vào chính trị".
Với mục đích khai sinh "thế hệ mới" ấy, từ hơn một thập niên qua, Giáo hội Công giáo tại Ý đã đầu tư năng lực và tài lực vào chương trình được gọi là "một dự án văn hóa theo cảm hứng Kitô giáo" do Ðức hồng y Camillo Ruini, cựu giám quản Roma thành lập và lãnh đạo.
Ngày nay, theo bước chân của vị Hồng y này, người ta thấy xuất hiện một nhà lãnh đạo mới được giới Công giáo Ý chú ý tới rất nhiều. Tên của nhà lãnh đạo này là Lorenzo Ornaghi. Ông Ornaghi chỉ là một giáo dân, hiện đang là giáo sư về chính trị học và từ năm 2002 đã được bổ nhiệm làm viện trưởng viện Ðại học Công giáo "Thánh Tâm" tại Milano, Bắc Ý.
Chỉ trong vài tháng kể từ khi đảm nhận chức vụ này, giáo sư Ornaghi đã không ngừng nhấn mạnh rằng Công giáo Ý cần phải trở lại với thời của những người "Guelph".
Vào thời Trung cổ, "Guelph" là những người công dân của những thành phố tự trị đã không ngừng chiến đấu để bảo vệ tự do của mình và của Ðức giáo hoàng chống lại những người "Ghibellines". "Ghibellines" là những người đứng về phía hoàng đế. Kể từ đó, "Guelph" đồng nghĩa với một nước Ý dám hãnh diện sống niềm tin Công giáo của mình và quyết tâm thực thi niềm tin đó trong lãnh vực dân sự và chính trị chống lại làn sóng tục hóa.
Giáo sư Ornaghi khẳng định rằng Kitô giáo không phải là một giá trị nhiệm ý, được thêm thắt vào các hệ thống dân chủ của Tây Phương, mà là khởi nguồn và nền tảng của chính nền dân chủ.
Và theo ông, một trong những điểm nổi bật cho thấy sự dấn thân của người Công giáo Ý chính là cuộc chiến bảo vệ sự sống từ lúc thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên cũng như gia đình và giáo dục. Ðây là một vấn đề mà người công giáo được trang bị thật đặc biệt để chiến đấu cho.
Tiến trình "loại trừ Kitô giáo" đang diễn ra tại nhiều nước không những nguy hại cho đức tin Kitô mà còn bóp nghẹt chính các hệ thống dân chủ. Do đó, theo giáo sư Ornaghi, người Công giáo không nên cam chịu để mình bị loại ra bên lề trong lãnh vực chính trị. Họ không nên rơi vào mối tội đầu nền tảng là lười biếng.
Giáo sư Ornaghi nói rằng người Công giáo cần phải ý thức rằng họ đang nắm giữ ưu thế: họ có cả một gia tài tư tưởng và xác tín về con người, gia đình, cộng đồng, xã hội "ít bị tiêm nhiễm bởi những ý thức hệ đã từng thống trị trong thế kỷ 20" vừa qua. Họ có những chuyên môn và nhậy cảm mà người khác không có. Họ sẵn sàng hơn để lãnh đạo những thay đổi lớn một cách tích cực.
Viện trưởng viện Ðại học Công giáo "Thánh Tâm" tại Milano không hề nghĩ đến một đảng phái Công giáo hay chỗ đứng của người Công giáo trong những đảng phái chính trị. Ðối với ông, điều quan trọng hơn cả đối với người Công giáo là bất cứ nơi nào họ hoạt động, họ cần phải biết xác định chỗ đứng và những vấn đề để hành động một cách tích cực, cũng như liên kết với các cá nhân và nhóm khác cho dẫu họ không phải là Công giáo, nhưng có cùng một cái nhìn.
CV.