Tiếng nói của
người giáo dân Ái Nhĩ Lan
Tiếng nói của người giáo dân Ái Nhĩ Lan.
Ái nhĩ lan [La Croix 16/3/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Trong lá thư đề ngày 19 tháng 3 năm 2010 gởi cho người Công giáo Ái nhĩ lan, Ðức thánh cha Benedicto XVI đã kêu gọi họ "hãy suy tư về những vết thương" và "những liều thuốc, đôi khi đắng, nhưng cần thiết" để đương đầu với cuộc khủng hoảng về lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo hội tại nước này.
Giữa tháng Tư và tháng 11 năm 2010, đã có khoảng 3 ngàn người Công giáo Ái nhĩ lan đáp lại lời mời gọi của Ðức thánh cha để gởi đến Hội đồng Giám mục nước này những suy nghĩ của họ.
Những suy nghĩ này đã được đúc kết từ những cuộc tranh luận và lắng nghe được tổ chức trong các giáo phận và giáo xứ, trong các phong trào Giáo hội và hiệp hội giáo dân, trong các cộng đoàn tu cũng như trong các nhóm giáo dân. Ít thấy có thành phần trẻ trong số những người gởi những suy tư của mình về Hội đồng Giám mục.
Theo ghi nhận của nữ tu Anne Codd, thuộc Hội đồng canh tân mục vụ và phát huy đức tin nơi người lớn, "những câu trả lời của người giáo dân Ái nhĩ lan rất chân thành và xuất phát từ những người đã bị tổn thương bởi thái độ của Giáo hội, nhưng vẫn tiếp tục gắn bó với Giáo hội".
Tổng hợp các suy tư của người Công giáo Ái nhĩ lan được trình lên các Ðức giám mục nước này dạo đầu tháng 3 năm 2011, người ta thấy có một giọng điệu chung là thất vọng. Người Công giáo Ái nhĩ lan lấy làm tiếc là trong lá thư, Ðức thánh cha đã không xem các lạm dụng tình dục "như một triệu chứng của những khuyết điểm trong cơ chế và điều hành Giáo hội".
Trong các câu trả lời, người Công giáo Ái nhĩ lan cũng nói là thiếu sự phê bình đối với vai trò của Tòa thánh trong các vụ lạm dụng tình dục trẻ em. Một cách tổng quát, người Công giáo Ái nhĩ lan than phiền rằng người ta chỉ nói đến cuộc canh tân thiêng liêng, trong khi thực ra cuộc cải tổ cơ cấu mới là điều cần thiết. Họ yêu cầu giảm bớt óc "giáo sĩ trị" và có nhiều hợp tác hơn giữa giáo dân và giáo sĩ, có nhiều đối thoại và trong suốt hơn. Cách riêng, người Công giáo Ái nhĩ lan đòi hỏi có nhiều đối thoại và trong suốt hơn trong việc tổ chức các thượng hội đồng và hội nghị. Nhiều người cũng đề nghị nên dẹp bỏ các thứ tước hiệu và huy hiệu. Ðơn sơ, khiêm tốn, cởi mở và cảm thông: đó là điều mà các tín hữu Công giáo Ái nhĩ lan mong muốn nơi một Giáo hội muốn phục vụ người khác.
Ðể thực sự canh tân, nhiều người nhấn mạnh đến giáo dục và huấn luyện. Họ nói: "Chúng tôi cần tái khám phá cái nhìn của công đồng Vatican II". Theo họ, điều này có nghĩa là cần phải có sự đóng góp ngày càng nhiều của các nhà thần học với các Ðức giám mục và một cuộc đối thoại chân thành về những vấn đề gây tranh cãi như tính dục, độc thân linh mục, chỗ đứng của phụ nữ trong Giáo hội.
Phần lớn các tín hữu Ái nhĩ lan nói rằng họ khó chấp nhận việc không ngừng kêu gọi họ sám hối và đền tội vì những tội do người khác phạm. Một người giáo dân trẻ làm việc trong một giáo xứ cho biết: "Hội đồng Giám mục đã gởi đến tất cả mọi giáo phận một tập sách để mời gọi tái khám phá "ngày thứ sáu đền tạ" trong suốt Mùa Chay. Nhưng tại nhiều giáo xứ, tập sách này vẫn còn nằm trong thùng cartong".
Trong một phiên khoáng đại mới đây, các Ðức giám mục Ái nhĩ lan xem ra đã ghi nhận những than phiền và hy vọng trên đây của các tín hữu.
Trong một lá thư gởi đến giáo dân nhân danh Hội đồng Giám mục Ái nhĩ lan, Ðức cha Seamus Freeman, Giám mục Ossory, miền đông nam Ái nhĩ lan, viết rằng "những suy nghĩ của giáo dân chỉ là khởi đầu của một cuộc "đối thoại". Về phần mình, nữ tu Ann Codd cho rằng tình hình đang thay đổi.
Do đó, hội đồng canh tân mục vụ được thành lập hồi tháng 3 năm 2010, sẽ đặt giáo dân đứng bên cạnh các Ðức giám mục. Trong phân nửa các giáo phận trên toàn quốc, nhiều ủy ban lắng nghe cũng đã được thành lập.
Ðức cha Noel Treanor, Giám mục giáo phận Down và Connor, Belfast, nói rằng "đây là một giai đoạn đầy ý nghĩa tiến tới một Giáo hội cởi mở hơn, trong suốt hơn và khả tín hơn". Dạo tháng 2 năm 2011, vị Giám mục này đã thiết lập một chương trình lắng nghe trong 88 giáo xứ để chuẩn bị đại hội dân Chúa trong giáo phận vào năm 2013.
Những hướng đi khác trong chương trình canh tân cũng sẽ được cho công bố. Nhưng các Ðức giám mục Ái nhĩ lan vẫn chờ đợi kết quả của cuộc thanh tra do Ðức thánh cha yêu cầu và sẽ kết thúc vào ngày 24 tháng 4 năm 2011. Tòa thánh đã loan báo sẽ nghiên cứu các kết quả của cuộc thanh tra vào tháng 5 năm 2011 để đề ra "một kế hoạch cho tương lai".
Trong khi chờ đợi, người Công giáo Ái nhĩ lan vẫn chờ đợi những cử chỉ "mạnh" từ phía hàng giáo phẩm. Chẳng hạn, mọi người đều cảm động về cử chỉ của Ðức cha Darmuid Martin, Tổng giám mục Dublin: ngày 20 tháng 2 năm 2011, trước hàng trăm giáo dân qui tụ trong nhà thờ chính tòa, vị Giám mục này đã rửa chân cho nhiều nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục.
CV.