Tôn giáo cần thiết
cho sự tiến bộ của xã hội
Tôn giáo cần thiết cho sự tiến bộ của xã hội.
An quốc (Avvenire 10-3-2011) - Phỏng vấn ông Tony Blair, nguyên Thủ tướng Anh quốc về vai trò cần thiết của tôn giáo đối với sự tiến bộ xã hội.
Trong xã hội Âu Châu tục hóa và duy đời qúa khích hiện nay, càng ngày người ta càng có cảm tưởng nhà chính trị phải là một người biết chống đối Kitô giáo và các giá trị siêu việt. Nhưng không phải ai cũng nghĩ như thế. Ðiển hình là trường hợp của ông Tony Blair, nguyên thủ tướng Anh quốc.
Ðối với ông, Ðức tin, tự nó, là một thiện ích rất lớn lao, và tin là một sức mạnh cần thiết cho sự tiến bộ của xã hội. Vì thế, không phải chỉ khoan nhượng một cách cưỡng ép đối với tôn giáo, mà phải coi tôn giáo như một "cộng tác viên có tiềm nămg" trong việc đối phó với các thách đố của ngàn năm mới.
Say đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Tony Blair, về vai trò cần thiết của tôn giáo đối với sự tiến bộ xã hội.
Ông Anthony Charles Lynton Blair sinh năm 1953, và đã là thủ tướng Anh quốc từ năm 1997 tới 2007. Từ năm 2007 ông được Liên Hiệp Quốc chỉ định là đặc sứ hòa bình trong vùng Trung Ðông. Sau khi mãn nhiệm thủ tướng ngày 21 tháng 12 năm 2007, ông đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Ông đã thành lập "Tổ chức niềm tin và sáng kiến toàn cầu" có mục đích đối thoại liên tôn và thăng tiến dấn thân xã hội của các tôn giáo.
Hỏi: Thưa ông Tony Blair, hồi tháng 11 năm 2010, tại Toronto bên Canada, ông đã công khai tranh luận với ông Christopher Hitchens, là người "vô thần mới". Làm thế nào để luận cứ rằng tôn giáo xây dựng chứ không tàn phá xã hội?
Ðáp: Cuộc tranh luận với ông Hitchens đã chứng minh cho thấy rằng các vấn nạn liên quan tới giá trị của tôn giáo ngày nay không phải là mới mẻ, nhưng chúng đã không luôn luôn là các sự mới mẻ tích cực. Có một niềm tin tốt và có một niềm tin xấu. Vì thế trả lời cho câu hỏi "Tôn giáo có là một sức mạnh xây dựng thiện ích trên thế giới hay không?" có thể làm nảy sinh ra một câu trả lời hàm hồ. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào việc phục vụ tha nhân, thường là kín đáo do những người có niềm tin đảm trách, thì câu trả lời sẽ không hàm hồ. Nó cũng thế, nếu chúng ta chú ý tới các hoạt động của các nghệ sĩ được đức tin thúc đẩy tại Âu châu dọc dài bao thế kỷ. Như vậy, sau cùng câu trả lời của tôi là tôn giáo xây dựng, chứ không tàn phá xã hội. Có lẽ câu hỏi mà chúng ta đưa ra sai chăng?
Hỏi: Như vậy thì đâu là câu hỏi đúng thưa ông?
Ðáp: Câu hỏi đúng đó là: "Tôn giáo tích cực cho cái gì?", "Ðâu là các dấu chỉ cho thấy một niềm tin tốt đang hoạt động?". Lòng tin trao ban cái tối hảo của nó, khi nó làm thành một loại "chống văn hóa". Tin vào một Thiên Chúa nhân từ có nghĩa là chúng ta có trách nhiệm đối với điều mình làm. Lịch sử Giáo Hội cho thấy Giáo Hội tạo ra một khung cảnh, trong đó có thể yêu thương một cách "thái qúa", và đó là các gương mẫu đặc biệt của lòng thương xót, hy sinh chính mình. Thật thế, các thánh đã cho thấy rằng tôn giáo khiến cho sự liều lĩnh sống ngoài lề, và nó làm cho niềm hy vọng trở thành sự an ninh duy nhất, là điều có thể làm được. Nhất là tin cho phép tha thứ. Vì thế tôn giáo là một linh hứng để chiến đấu, một dấn thân để thực hành lòng tốt nhờ các tấm gương cao qúy, là một cái gì khiến có thể tiêu hao cuộc sống bằng cách tìm ơn gọi riêng của mình.
Hỏi: Trong "Ðại hội tình bạn" tại Rimini hồi năm 2009 ông đã định nghĩa niềm tin là mục đích cuộc sống. Như thế, ai không tin thì không có các mục tiêu tích cực hay sao, thưa ông?
Ðáp: Lập trường của tôi được diễn tả cách tốt nhất trong quan niệm của "Tổ chức đức tin" của tôi. Nó dấn thân xây dựng một sự hiểu biết giữa tín hữu các tôn giáo khác nhau. Chúng tôi tin, và chúng tôi thăng tiến một cuộc đối thoại thông minh giữa các người của mọi tôn giáo, cũng như với những người không có niềm tin tôn giáo nào. Chúng tôi tiếp nhận tất cả những ai có các xác tín nhân bản, vô ngộ, vô thần hay "đời". "Tổ chức niềm tin và sáng kiến toàn cầu" đang xây dựng một lãnh vực nghiên cứu mới trong các đại học, dựa trên việc phân tích các phát triển của tôn giáo bên trong các tiến trình toàn cầu hóa. Tôi tin rằng trong thời đại này việc hiểu biết tôn giáo có tầm quan trọng sinh tử đối với sự hài hòa quốc tế. Vì thế chúng tôi chào mừng bất cứ ai muốn phát triển khả năng sống trong một xã hội đa nguyên.
Hỏi: Thưa ông, làm thế nào để đưa diễn văn tôn giáo vào trong không gian cuộc sống công cộng?
Ðáp: Tổ chức của tôi nhấn mạnh trên sự kiện tiếng nói tôn giáo có quyền có một chỗ trong không gian cuộc sống công cộng; và vai trò của nó không cần phải được đặc ân, nhưng cũng không bị khinh rẻ. Lập trường của niềm tin được lắng nghe như cộng sự viên tiềm năng giúp giải quyết các vấn đề nghiêm trọng, mà chúng ta phải đương đầu trong thế kỷ XXI.
Ðiều này không có nghĩa là những kẻ có niềm tin xứng đáng hơn người khác. Trong ban điều hành tổ chức của tôi có những người đến từ nhiều tôn giáo khác nhau, một vài người là vô thần, nhưng tất cả chúng tôi đều chia sẻ quan niệm làm việc chung với nhau cho các mục đích liên tôn. Và điều này không giảm thiểu dữ kiện mỗi người duy trì tôn giáo riêng hay triết lý sống riêng của mình, nó diễn tả sự tràn đầy ý nghĩa cuộc sống đối với họ hay diễn tả mạc khải đầy đủ của Thiên Chúa.
Tổ chức của chúng tôi thăng tiến tư tưởng niềm tin, tự nó, là một thiện ích, và một sức mạnh cho sự tiến bộ. Niềm tin có thể trao ban ý nghĩa và một mục đích cho cuộc sống. Nó vén mở cho thấy một ý thức sâu thẳm của sự khiêm tốn, bằng cách đặt để con người trước mặt Thiên Chúa. Nó dậy cho chúng ta biết là có một cái gì đó cao cả hơn là cái "tôi". Nó cống hiến cho chúng ta khung cảnh các giá trị trong một thế giới bị đảo lộn. Ða số các tôn giáo thăng tiến sự an bình của tinh thần trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện xã hội. Tôi không muốn nói rằng ai không có niềm tin tôn giáo thì không có các mục đích tích cực trong cuộc sống. Nhưng nếu tôi chấp nhận rằng họ có thể sống một cách tràn đầy, thì họ cũng phải chấp nhận rằng niềm tin của tôi là suối nguồn trao ban ý nghĩa cho cuộc sống của tôi.
Hỏi: Trong cuốn sách "Một chuyến du hành" ông đã viết: "Tôi đã có khả thể vun trồng một đam mê lớn lao hơn chính trị: đó là tôn giáo". Nhưng khi ông còn làm Thủ tướng Anh, người phát ngôn của ông đã nói một câu để đời: "Chúng tôi không chú ý tới Thiên Chúa". Theo ông, chính trị và tôn giáo có thể cùng hiện hữu với nhau hay không?
Ðáp: Sự liên lụy của tôn giáo trong lãnh vực công cộng không được người ta nhìn với con mắt thiện cảm. Các tôn giáo khác nhau có quyền lên tiếng trong lãnh vực công cộng, và không được tiên thiên coi tiếng nói của chúng thấp kém hơn các tiếng nói đời. Mặt khác, các tác nhân tôn giáo có bổn phận bước vào trong cuộc thảo luận công cộng với các đề tài hữu lý. Tôi tin rằng người dân sẽ đóng góp rất nhiều kinh nghiệm và niềm tin của họ cho cuộc sống công cộng, theo như môi trường đáng được hưởng. Sự chia rẽ giữa các lý lẽ đời và các lý lẽ tôn giáo ít sâu rộng hơn chúng ta thường tưởng nghĩ.
Một người tàn tật khi chống lại việc làm cho chết êm dịu, thì đưa ra một lý lẽ đời hay lý lẽ tôn giáo, bằng cách quy chiếu về giá trị của mỗi một sự sống con người. Một tín hữu công giáo khi chiến đấu chống lại việc phá thai lan tràn, thì họ làm điều đó vì tin rằng giết một người không phương thế tự vệ là điều sai lầm, hay là bởi vì Giáo Hội dậy phá thai là một tội.
Hỏi: Ánh sáng, các tôn giáo và lương tri là những đề tài của "Sân của dân ngoại Paris". Phải thảo luận chúng như thế nào, thưa ông?
Ðáp: Trước hết tôi xin bầy tỏ sự chào mừng của tôi đối với sáng kiến của Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức XVI. Cả lời người mời gọi đối thoại với tư tưởng đời trong chuyên viếng thăm Anh quốc cũng đã là một can thiệp rất quan trọng, chính bởi vì sự đối chiếu thường khi bị phân cực. Kinh nghiệm tôi có bên Phi châu, hay trong dấn thân chống lại nạn nghèo đói, gợi ý cho tôi biết rằng có một lãnh vực gặp gỡ của trí thông minh giữa biết bao nhiêu người dấn thân một cách đời và biết bao nhiêu người cũng làm điều đó trong nhãn quan tôn giáo. Cuộc đối thoại này phải đương đầu với trách nhiệm chung của mọi niềm tin, cũng như của các người vô thần, trong việc đối chiếu với nhau với sự cương quyết, thông cảm và một ý thức trách nhiệm cao độ trước các đe dọa chống lại hạnh phúc của con người.
Hỏi: Thưa ông Tony Blair, thế thì đâu là các việc cấp thiết chung của ngàn năm mới?
Ðáp: Các thay đổi khí hậu, việc tàn phá môi sinh, tình trạng sống nghèo túng của người dân vẫn tồn tại trong các quốc gia nghèo và các quốc gia giầu. Nhưng cũng có sự thất bại của chúng ta trong sự kiểm soát buôn bán ma túy và khí giới nữa, cũng như nạn vũ khí nguyên tử lan tràn, nạn tôn giáo cuồng tín và sự giòn mỏng của cơ cấu tài chánh của chúng ta. Chúng ta phải nhớ rằng "Sân của dân ngoại" đã là khoảng không gian ngoài cùng của Ðền Thờ Giêrusalem, nơi Chúa Giêsu đã nổi giận chống lại việc khai thác người nghèo. Nơi đây chúng ta tìm thấy một loại đặc nhiệm kinh thánh dể đạt các mục tiêu của Ngàn Năm Mới, hay làm vơi nhẹ nạn nghèo đói toàn cầu nội trong năm 2015.
Hỏi: Ông nghĩ gì về lời Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI mời gọi đối chiếu trở lại giữa các tín hữu và người vô thần?
Ðáp: Thường khi người ta nghe có những người bắt đầu một cuộc đối thoại về tôn giáo nói rằng "Tôi muốn tin, nhưng... " Trong trường hợp một cuộc kiểm kê thì đa số tỏ ra thuộc loại vô ngộ, nghĩa là chủ trương không thể hiểu biết các sự thật tôn giáo. Tại Âu châu chắc hẳn có ít người cảm thấy sự cần thiết phải công bố khuynh hướng vô thần của họ như một triết lý thực tiễn, mặc dù có sự trưng bầy quảng cáo cho các "người vô thần công cộng nổi tiếng". Khi có ai đó tuyên xưng mình vô thần, thì Thiên Chúa mà người đó nói rằng không tin, có lẽ không dính dáng gì tới điều, mà một đức tin công giáo trưởng thành tin.
Hỏi: Làm thế nào để đưa ra một diễn văn "cao vời" về Thiên Chúa đối với những người không tin, thưa ông?
Ðáp: Tôi nghĩ rằng cuộc đối thoại đó có thể rất ít gây kinh hoàng cho thế giới đời, nếu điểm khởi hành là Ðấng Tạo Hóa. Các hiểu lầm có thể biến mất, nếu các thần học gia và các tín hữu trưởng thành giải thích trong một ngôn ngữ có thể hiểu được sự hiểu biết của họ về Thiên Chúa hệ tại điều gì, và tại sao lại có thể định nghĩa Thiên Chúa như là Ðấng yêu mến và tràn đầy thương xót. Ngoài ra, dấn thân trong cuộc đối thoại chứng minh cho thấy rằng chúng ta không sợ hãi, trái lại chúng ta hãnh diện về điều đó.
Ðối thoại cũng sẽ chứng minh cho thấy rằng lý trí và đức tin ở bên cạnh nhau một cách sâu xa, như Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã làm, có lẽ một cách tốt đẹp hơn ai hết.
(Avvenire 10-3-2011)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)