Giới thiệu sách mới
của Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16
"Ðức Giêsu thành Nazareth" tập 2
Giới thiệu sách mới của Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 "Ðức Giêsu thành Nazareth" tập 2.
Vatican (Vat. 10/03/2011) - Chiều ngày 10 tháng 3 năm 2011, Ðức Hồng Y Marc Ouellet, người Canada, Tổng trưởng Bộ Giám Mục, đã mở cuộc họp báo để giới thiệu cuốn thứ II trong bộ sách 3 cuốn của Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 về "Ðức Giêsu thành Nazareth".
Hiện diện tại cuộc họp báo còn có giáo sư Claudio Magris, văn sĩ kiêm chuyên gia về ngôn ngữ Ðức.
Cuốn sách mới, dầy khoảng 350 trang, mang tựa đề "Ðức Giêsu Thành Nazareth - từ lúc vào thành Jerusalem cho đến khi sống lại", gồm 9 chương lần lượt nói về là biến cố Chúa vào thành thánh Jerusalem (c.1), tiếp đến là đại diễn văn của Chúa Giêsu về thế mạt gồm sự phá hủy thành Jerusalem, sự phán xét chung và tận thế (c.2); chương 3 nói về biến cố Chúa rửa chân cho các môn đệ; chương 4 bàn về lời nguyện tư tế của Chúa Giêsu, tiếp đến là chương 5 nói về bữa Tiệc ly; chương 6 trình bày những nhận định về biến cố Chúa cầu nguyện trong Vườn Giệtsimani. 3 chương sau cùng nói về việc xử án Chúa Giêsu, đóng đinh và an táng trong mộ, sau cùng là Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết.
Trong phần chót, Ðức Thánh Cha nói về sự thăng thiên và sự trở lại trong vinh quang của Chúa Giêsu.
Trong những ngày này, sách của Ðức Thánh Cha được ấn hành 1 triệu 200 ngàn cuốn bằng 7 thứ tiếng, nhưng tổng số các ấn bản sẽ được phát hành là 20 ngôn ngữ khác nhau, kể cả tiếng Arập và các thứ tiếng Á châu khác như Ðại Hàn, Nhật Bản và Malayalam bên Ấn độ.
Nhà Xuất Bản Vatican ấn hành hơn 400 ngàn cuốn bằng tiếng Ý. Giá mỗi cuốn là 20 Euro.
Nội dung tổng quát
Trong lời tựa cuốn thứ 2 về Ðức Giêsu thành Nazareth, Ðức Thánh Cha nhắc lại rằng ngài không có chủ ý viết về tiểu sử Ðức Giêsu theo thứ tự thời gian, nhưng chỉ trình bày "khuôn mặt và sứ điệp của Ðức Giêsu" để tìm thấy Chúa Giêsu đích thực, không phải như một nhà cách mạng chính trị hay là một nhà luân lý thuần túy, nhưng như Con Thiên Chúa, khai mào một con đường cứu độ mới dựa trên sức mạnh của tình yêu. Ðức Thánh Cha "tìm cách triển khai một cái nhìn về Ðức Giêsu theo các sách Phúc Âm và một cuộc lắng nghe có thể trở thành một cuộc gặp gỡ .. được hướng dẫn nhờ sự giải thích về đức tin, nhưng đồng thời với tinh thần trách nhiệm cũng để tới lý lẽ lịch sử để có thể hữu ích cho tất cả các độc giả muốn gặp Ðức Giêsu và tin nơi Người. ÐTC cho biết ngài cũng muốn bàn về thời thơ ấu của Ðức Giêsu, trong một cuốn sách nhỏ, "nếu còn được Chúa ban sức mạnh".
- Ðức Thánh Cha trình bày cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô như những biến cố thay đổi lịch sử, đáp lại câu hỏi của nhân loại ngày càng cần được hòa giải với Thiên Chúa.
Ngài khẳng định rằng qua sự hy sinh trên thập giá và qua việc thiết lập Giáo Hội, Ðức Giêsu chu toàn một sứ vụ hoàn vũ, đó là "dẫn đưa trần thế ra khỏi thân phận tha hóa của con người đối với Thiên Chúa và chính mình". Sứ vụ này còn tiếp tục ngày nay.
Ðức Thánh Cha viết: "Không phải tình cờ mà chúng ta cần được hòa giải với Thiên Chúa - vị Thiên Chúa thinh lặng, huyền nhiệm, có vẻ vắng bóng nhưng thực ra Chúa hiện diện mọi nơi - phải chăng đó là vấn đề đích thực của toàn thể lịch sử thế giới?".
Sách của Ðức Thánh Cha phân tích những biến cố chủ yếu trong những ngày cuối cùng của Ðức Giêsu, kể cả việc thanh tẩy Ðền Thờ, bữa tiệc ly, bị phản bội, bị thẩm vấn trước Thượng Hội đồng Do thái và quan Pontio Philato, bị đóng đanh và hiện ra với các môn đệ sau khi sống lại.
- Qua cuốn 2 này, Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức 16 cứu xét sự giải thích Kinh Thánh của các Giáo Phụ và các học giả thời nay, bác bỏ một số luận chứng và khẳng định hoặc đề ra giải thích khác. Tác giả được nhắc đến nhiều là Rudolf Bultmann, một học giả Tin Lành Ðức về Tân Ước hồi cuối thế kỷ 20.
Ðức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng điều quan trọng là hiểu các biến cố được trình thuật trong Kinh Thánh có căn cứ lịch sử và thực sự đã xảy ra, chứ không phải chỉ là những câu chuyện hoặc ý tưởng. Ví dụ, Ðức Thánh Cha viết, nếu Ðức Giêsu không thực sự ban bánh và rượu như Mình và Máu ngài cho các môn đệ trong bữa tiệc ly, thì "việc cử hành Thánh thể của Giáo Hội là điều trống rỗng - một sự tưởng tượng đạo đức". Cũng vậy, việc sống lại thực sự của Chúa Kitô từ cõi chết chính là nền tảng đối với Giáo Hội, nếu không thì "chính đức tin Kitô sẽ chết".
Ðức Thánh Cha nhìn nhận rằng các văn bản lịch sử về Ðức Giêsu không luôn luôn đầy đủ và "nếu đức tin vững chắc là điều độc lập với sự kiểm chứng của khoa học và lịch sử, tuy rằng đức tin luôn cởi mở đối với sự duyệt lại". Ðức Thánh Cha phê bình phong trào về "Ðức Giêsu lịch sử" trong giới nghiên cứu Kinh Thánh vì phong trào này "quá chú ý tới quá khứ vì quá khứ nên không thể làm cho quan hệ bản thân với Ðức Giêsu có thể thực hiện được".
Ðức Giáo Hoàng cũng phê bình những học giả đã giải thích cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu theo nhãn giới chính trị và tìm cách mô tả Ðức Giêsu "như một người xách động chính trị". Trái lại, Ðức Giáo Hoàng viết, Ðức Giêsu đã khai mạc "một vương quốc cứu thế không có tính chất chính trị" giữa lòng một thế giới trong đó không có sự phân biệt giữa chính trị và tôn giáo. "Sự tách biệc chính trị khỏi đức tin - một điều thiết yếu đối với sứ điệp của Ðức Giêsu, sự tách biệt dân Chúa ra khỏi chính trị - xét cho cùng chỉ có thể diễn ra nhờ Thập Giá. Chỉ qua sự đánh mất hoàn toàn các quyền lực bên ngoài, qua sự tước bỏ hoàn toàn dẫn đến Thập Giá, thì mới có thể làm cho thế giới ấy được thành hình".
Ðức Giáo Hoàng cũng nói rằng "cách mạng bạo lực, giết người khác nhân danh Thiên Chúa, không phải là con đường của Ðức Giêsu". 'Chúa không đến mang gươm giáo cách mạng. Ngài đến với ơn chữa lành".
Sách của Ðức Thánh Cha thường không có những chú giải về các vấn đề hiện đại, tuy nhiên về vấn đề bất bạo động, ngài xác quyết rằng "Những hậu quả tàn ác của bạo lực dựa vào tôn giáo là điều quá hiển nhiên đối với tất cả chúng ta".
"Báo thù không xây dựng Nước Thiên Chúa, Nước của nhân loại. Trái lại, nó chính là một phương tiện rất thường được xử dụng để chống lại Chúa Kitô, cho dù động lực tôn giáo của bạo lực này có vẻ lý tưởng thế nào đi nữa. Nó không phục vụ cho nhân loại nhưng chỉ cổ võ những thái độ vô nhân đạo".
Sách của Ðức Thánh Cha cũng có đoạn nhấn mạnh rằng sự lên án và cái chết của Ðức Giêsu không thể qui gán cho dân Do thái như một tập thể chung. Cùng chương này nói rằng cuộc xét xử Ðức Giêsu trước nhà cầm quyền La Mã nêu vấn đề - vẫn còn được nêu lên ngày nay - đó là phải chăng chính trị có thể chấp nhận "sự thật" như một cái gì khác với thực tại chủ quan hay không?
- Chương cuối cùng trong sách của Ðức Thánh Cha bàn về cuộc sống lại của Chúa Giêsu từ cõi chết như một điểm nòng cốt trong cuộc đời Chúa Giêsu. Nếu không sống lại, thì Chúa Giêsu chỉ là một vị lãnh đạo tôn giáo bị thất bại mà thôi.
Ðức Giáo Hoàng nói một số trong những bằng chứng mạnh nhất về tính chất đích thực của sự sống lại phải được tìm thấy trong trình thật của Kinh Thánh về các cuộc gặp gỡ của các môn đệ với Chúa Kitô phục sinh. Chúa Giêsu được trình bày như đang hiện diện thể lý, tuy không bị ràng buộc bởi luật tinh thần, nhưng ngài được nhận ra ngay. Tất cả những điều đó được trình bày một cách vụng về trong các trình thuật phúc Âm, càng làm cho chúng đáng tin hơn, phản ánh sự kinh ngạc thực sự của các môn đệ. "Ðiều quan trọng là các cuộc gặp gỡ với Chúa phục sinh không phải chỉ là những biến cố nội tâm hoặc kinh nghiệm thần bí - Ðó là những cuộc gặp gỡ thực sự với ngừơi đang sống đang hiện diện một cách mới mẻ".
Sau khi sống lại, Chúa Giêsu không phải là một "bóng ma" hoặc chỉ là một thân thể được hồi sinh, trái lại ngài là Ðấng đã đi vào một đời sống mới trong quyền năng của Thiên Chúa. Ðiều này được trình bày rõ trong trình thuật của các Phúc Âm.
Ðức Thánh Cha cũng đặt câu hỏi: vậy những người nam nữ thời nay có thể đặt tin tưởng nơi các chứng từ ấy hay không?. "Những người theo chủ thuyết soi sáng nói là không. Khoa học loại bỏ điều đó, nhưng khoa học có những giới hạn. Trong thực tế, sự sống lại không tương phản với khoa học nhưng nói về một điều ở ngoài thế giới kinh nghiệm của chúng ta, một chiều kích khác. Rồi Ðức Thánh Cha đặt một loạt các câu hỏi để nhấn mạnh rằng "chiều kích mới" của thực tại không thể bị loại bỏ do lối tư tưởng tân thời. "Thụ tạo chẳng đang chờ đợi sự tiến hóa cuối cùng và cao nhất sao", là sự kết hiệp chung kết với vô biên, sự kết hiệp giữa con người với Thiên Chúa, chinh phục được sự chết hay sao?"
Xét cho cùng, sự sống lại của Chúa Giêsu tạo nên sự nhảy vọt ấy, "kiến tạo cho tát cả chúng ta một không gian mới của sự sống, một không gian mới được kết hiệp với Thiên Chúa". Trong tư cách đó sự sống lại là một biến cố bùng lên ra khỏi lịch sử, nhưng để lại dấu vết trong lịch sử.
Trong phần kết ngắn, Ðức Giáo Hoàng bàn đến sự lên trời của Chúa Kitô, một ý niệm có thể là khó hiểu đối với dân chúng. Với sự thăng thiên, sự hiện diện của Chúa Giêsu với Thiên Chúa không có tính chất không gian, nhưng là thần linh.
"Sự ra đi của Chúa Giêsu không phải là để lên một vì sao nào đó. Thăng thiên không có nghĩa là đi về một miền xa xăm trong vũ trụ". Khi về cùng Thiên Chúa là Cha ngài, Chúa Giêsu "không ra đi nhưng vẫn ở gần chúng ta", ta có thể đến với ngài qua lịch sử và tại mọi nơi.
Các tín hữu Kitô tin rằng Chúa Kitô sẽ trở lại và tái lập công lý trong chiến thắng chung kết của tình yêu. Trong khi đó, điều mà các tín hữu Kitô được yêu cầu thực hiện là phải tỉnh thức, nghĩa là, trước tiên, "cởi mở đối với sự thiện, sự thật, Thiên Chúa, giữa một thế giới nhiều khi vô nghĩa và giữa quyền lực của sự ác." (CNS 9-3-2011)
Tiến trình xuất bản sách
Dưới đây là bài phỏng vấn cha Giuseppe Costa, dòng Don Bosco, Giám đốc nhà in, nhà xuất bản và nhà sách Vatican, về diễn tiến công việc xuất bản và ấn hành sách của Ðức Thánh Cha. Cuộc phỏng vấn dành cho phái viên báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh, số ra ngày 10-3-2011.
H. Thưa cha Costa, trong cuộc nói chuyện ngày 20-1 năm nay với báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh, cha đã loan báo cuốn sách thứ 2 của ÐTC sẽ được xuất bản vào tháng 3 nay. Và nay điều đó xảy ra đúng hẹn như cha đã báo trước. Ðây là công ai của ai vậy?
Ð. Công lao này là của tất cả mọi người, nhưng nhất là của tác giả. Ngài đã giao bản thảo từ lâu rồi. Tiếp đó là tiến trình dài dịch văn bản này ra các thứ tiếng khác nhau. Từ tháng hai vừa qua, các bản thảo được giao cho nhà in. Ðây là một công trình đòi hỏi nhiều dấn thân.
H. Tiến trình ấn loát cuốn sách thứ hai trong bộ sách của Ðức Thánh Cha như thế nào thưa cha?
Ð. Các đây gần một năm rưỡi, Ðức ông Georg Gaenswein, bí thư riêng của Ðức Thánh Cha, đã giao cho tôi văn bản cuốn sách này. ÐTC viết tay với chữ thật nhỏ và như thường lệ, Bà Birgit Wansing đã đánh lại văn bản đó vào máy vi tính.
H. Thưa cha Costa, tại Italia, cuốn sách thứ I trong bộ sách của Ðức Thánh Cha về Ðức Giêsu thành Nazareth đã được nhà xuất bản Rizzoli ấn hành. Tại sao bây giờ cuốn thứ II lại do Nhà Xuất Bản Vatican ấn hành. Ðó là một sự thay đổi lớn!
Ð. Ðúng vậy. Sách của Ðức Thánh Cha được nhà in Vatican in ấn, rồi sau đó được nhóm nhà sách RCS của Rizzoli phát hành, họ có một tổ chức tuyệt hảo, bảo đảm với chúng tôi sự phân phối 300 ngàn cuốn sách trong vòng 3 ngày.
H. Thưa cha, vấn đề dịch các sách của Ðức Thánh Cha từ tiếng Ðức ra các sinh ngữ khác không phải là một điều dễ dàng.
Ð. Nhất là dịch ra tiếng Ý, không phải là một chuyện đơn giản, vì trong những thập niên gần đây, các sách của ÐHY Joseph Ratzinger đã được nhiều người dịch: thách đố bây giờ là làm sao tìm ra được một sự đồng nhất nào đó về ngôn ngữ. Và cũng cần tránh nguy cơ bản dịch ra các thứ tiếng khác không bảo tồn, hoặc thậm chí phản bội tư tưởng của tác giả. Sự trung thành với nguyên bản đã được các dịch giả của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh bảo đảm và đặc biệt quan tâm.
H. Hồi xuất bản cuốn thứ I trong bộ sách của Ðức Thánh Cha về Ðức Giêsu thành Nazareth, các cha có gặp khó khăn về vấn đề dịch thuật không?
Ð. Có chứ. Ví dụ bản dịch tiếng Hoa không hoàn hảo, và các bản dịch khác thì không tương ứng với ngôn ngữ thần học.
H. So với cuốn thứ I trong bộ sách, đối với cuốn thứ II hiện nay, Nhà xuất bản Vatican có nhận được nhiều đơn xin dịch thuật cuốn này không thưa cha?
Ð. Có, vì sự quan tâm và mong muốn của các độc gia gia tăng, do đó và con số các nhà xuất bản xin dịch sách của Ðức Thánh Cha cũng gia tăng theo. Hiện nay chúng tôi mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu: chúng tôi đã ký hợp đồng với 20 nhà xuất bản trên thế giới, nhưng chúng tôi còn đang ở giai đoạn thương lượng với các nhà xuất bản khác.
H. Nhà xuất bản Vatican chọn các nhà xuất bản khác như thế nào để ủy thác cho họ việc dịch và xuất bản sách của Ðức Thánh Cha thưa cha?
Ð. Khi được biết Ðức Giáo Hoàng đang soạn một cuốn sách, từ nhiều nước đã có những nhà xuất bản xin được dịch và ấn hành sách của ngài, nhưng chỉ có một số nhà xuất bản được chấp nhận. Ví dụ tại Hoa Kỳ, nhà xuất bản Ignatius Press của dòng Tên, đối với chúng tôi là thích hợp hơn cả, dù cũng có những nhà xuất bản quan trọng khác xin làm việc này như nhà xuất bản Doubleday và Our Sunday Visitor. Về ấn bản tiếng Pháp, thì chúng tôi đã chọn Nhà xuất bản Parole et Silence, một nhà xuất bản đang lên, rất dấn thân trong việc phổ biến giáo huấn của Ðức Giáo Hoàng, tại Tây Ban Nha thì có nhà xuất bản Encuentro.
H. Vậy là có sự thay đổi hầu như hoàn toàn các nhà xuất bản được chọn để ấn hành sách của Ðức Thánh Cha.
Ð. Ðúng vậy, hầu như là hoàn toàn. Không phải tất cả các nhà xuất bản đã ấn hành cuốn thứ I trong bộ sách của Ðức Thánh Cha đều được chọn để ấn hành cuốn thứ II này. Sự chọn lựa được thực hiện theo các tiêu chuẩn khác nhau. Chẳng hạn chắc chắn là phải xem sự nghiêm túc của họ về phương diện ấn hành và tổ chức, nhưng cũng phải xem họ có đáng tín nhiệm hay không. Chúng tôi đã quyết định chọn những nhà xuất bản có khả năng không phải chỉ cổ võ một cuốn sách, nhưng cả nội dung của sách đó nữa.
H. Ðâu là những con số mà Cha dự kiến cho cuốn sách thứ 2 trong bộ sách của Ðức Thánh Cha?
Ð. Ngày 10-3 này, sách của Ðức Thánh Cha đã được ấn hành bằng 7 thứ tiếng là Ðức, Ý, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ đào nha và Ba Lan, tổng cộng là 1 triệu 200 ngàn cuốn. Ấn bản tiếng Ðức khởi đầu với 150 ngàn cuốn, nhưng nhà xuất bản Herder đã in thêm 50 ngàn cuốn và sẵn sàng tái bảnthêm. Ấn bản tiếng Ý thì được phân phối 300 ngàn cuốn và chúng tôi đang in thêm 100 ngàn cuốn nữa. Trong khi tại Pháp có 100 ngàn cuốn đã sẵn sàng để được phổ biến. Ở Bồ đào nha bắt đầu với 20 ngàn cuốn. Vào cuối tháng 3 sẽ có ấn bản bằng tiếng Croát.
H. Nhà xuất bản Vatican có dự kiến ấn hành bằng bản điện tử e-book không, thưa cha?
Ð. Có chứ. Trong một vài ngôn ngữ cũng có cuốn thứ I trong bộ sách của Ðức Thánh Cha được ấn hành với dạng này.
H. Và trong tương lai thì sao thưa cha?
Ð. Trong lời tựa cuốn thứ II này, chính Ðức Giáo Hoàng loan báo cuốn thứ III mà ngài sẽ viết về các Phúc Âm thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Nhà xuất bản Vatican có ý tưởng thực hiện một ấn bản duy nhất gồm cả 3 cuốn. Chúng tôi xác tín rằng cuốn sách mới này của Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 sẽ là một cuốn sách bán chạy nhất. Và do đó cần phải được cổ võ một cách thích hợp qua các buổi trình bày, giới thiệu, gặp gỡ và các sáng kiến khác.
H. Cuốn thứ hai này nói về những ngày cuối cùng trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Việc xuất bản cuốn này trùng vào dịp lễ Phục Sinh gần tới, phải chăng là một điều tình cờ?
Ð. Không phải vậy. Chắc chắn đây là một thời điểm tốt nhất để xuất bản cuốn này. Cuốn này lẽ ra có thể xuất bản trước đó, nhưng vì hồi tháng 11 năm ngoái, đã có cuốn sách phỏng vấn Ðức Thánh Cha được ấn hành rồi.
H. Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức 16 chắc chắn là một chữ ký giúp người ta tiết kiệm được nhiều tiền dành cho việc quảng cáo cuốn sách này!
Ð. Không những vậy, với tư cách là một nhà xuất bản, tôi phải nói rằng Ðức Giáo Hoàng đã giúp cho nhà xuất bản Vatican được tăng trưởng, vì chúng tôi phải thích ứng các cơ cấu và tổ chức, chứng tỏ một khả năng mà trước đó chúng tôi không có. Hiển nhiên, Ðức Thánh Cha đã yêu cầu chúng tôi cả về mặt văn hóa nữa, vì chúng tôi đề nghị những khảo luận bình giải về các tác phẩm và các sách của Ðức Giáo Hoàng, phổ biến giáo huấn của ngài cho đại chúng.
H. Không có tác giả nếu không có độc giả: điều này cũng áp dụng được cho trường hợp Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức 16 phải không cha Costa?
Ð. Ðức Giáo Hoàng vẫn luôn được người ta đọc, cả về những điều phức tạp nhất. Ngài là một nhà thần học tinh tế, và đôi khi ngài đi vào cả trong những khía cạnh liên hệ tới phương pháp nghiên cứu, nhưng những ai muốn có một trình thuật về đức tin, chiều kích tu đức hoặc sự đả thông giữa con người mà thôi, đều luôn tìm được trong các trang sách rất dễ hiểu của ngài và khích lệ sự can dự của độc giả.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)