Cuộc sống chung của các tín hữu Kitô

và người Hồi giáo tại Miền Bắc Iraq

 

Cuộc sống chung của các tín hữu Kitô và người Hồi giáo tại Miền Bắc Iraq.

Iraq [CNS 7/3/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Cuộc sống chung của các tín hữu Kitô và người Hồi giáo là điều đã từng có và hiện tiếp tục tại miền Bắc Iraq.

Vào một buổi chiều Chúa nhựt, tại Sulaimani, một thành phố ở miền Bắc Iraq, một thiếu nữ Hồi giáo có khăn trùm đầu từ Bagdad đã vào một nhà thờ Công giáo và quỳ gối cầu nguyện.

Người giữ cửa nhà thờ, vốn cũng là một phụ nữ đến từ Bagdad, cũng vào nhà thờ và đón chào người khách quý.

Bà nói với người thiếu nữ Hồi giáo: "Xin cô đừng ngại. Cô cứ cầu nguyện theo cung cách riêng của cô".

Người thiếu nữ Hồi giáo tháo giày và đến quỳ trước tượng Ðức Mẹ, rồi đốt một ngọn nến do người giữ cửa mang đến. Trước khi ra khỏi nhà thờ, người thiếu nữ cũng đốt thêm vài ngọn nến khác và trong nước mắt, cô thốt lên: "Thật khó quá!".

Tiễn đưa người khách quý ra tới cổng nhà thờ, người giữ cửa nhà thờ nói: "Cô có thể đến đây bất cứ lúc nào. Ðây là nhà của cô".

Với những hình ảnh về các cuộc bạo động tôn giáo đầy các trang báo từ Iraq kể từ khi quân đội Hoa kỳ xâm chiếm nước này năm 2003, hình ảnh của một thiếu nữ Hồi giáo cầu nguyện trong một nhà thờ Công giáo xem ra không bình thường. Nhưng người Hồi giáo và các tín hữu Kitô Iraq nói rằng họ không chấp nhận sự tách biệt ngày càng gia tăng giữa các làng Kitô giáo và Hồi giáo. Khi một đền thờ Hồi giáo hay một nhà thờ Kitô giáo bị tấn công, cả hai cộng đồng đều thương khóc.

Cha Ayman Aziz Hermiz, cha sở nhà thờ Công giáo thánh Giuse thuộc nghi lễ Calde tại Sulaimani tuyên bố: "Ai cũng có thể đến đây để cầu nguyện, kể cả người Hồi giáo. Không có bất cứ một sự khác biệt nào, bởi chỉ có một Thiên Chúa".

Cộng đồng Sulaimani đã đón tiếp 1,300 gia đình Kitô đã trốn chạy khỏi thủ đô Bagdad sau vụ thảm sát tại nhà thờ chính tòa thuộc nghi lễ Syri ngày 31 tháng 10 năm 2010.

Giáo xứ thánh Giuse đã trở thành nơi tạm trú cho một số tín hữu Kitô trốn chạy khỏi thủ đô Bagdad. Ða số đều tìm được nơi ăn chốn ở xung quanh giáo xứ. Mặc dù luôn có những thảm kịch như thế, nhưng cha Hermiz nói ngài tin tưởng rằng người Iraq có thể sống chung hòa bình với nhau.

Nhiều người cũng chia sẻ cái nhìn lạc quan của vị linh mục này.

Ali Kamal, một sinh viên kinh doanh 22 tuổi tại trường đại học Hoa kỳ ở Sulaimani và là một tín đồ Hồi giáo thuộc hệ phái Shiite đã từng trốn khỏi Bagdad năm 2006, nói rằng "khi tình hình yên ổn, thì sống chung với nhau là điều dễ dàng. Sự quân bình giữa các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau là một điều tốt cho xã hội".

Người sinh viên này nói rằng trước cuộc chiến, chuyện các bạn học của anh là người Hồi giáo hay tín hữu Kitô, là người thuộc hệ phái Sunni hay Shiite là điều không quan trọng. Nhưng nay mọi sự đều khác. Anh giải thích rằng dân chúng ngày càng nghĩ đến điều đó nhiều hơn. Họ muốn con cái họ lập gia đình với người cùng tôn giáo.

Sự sống chung giữa các tôn giáo là một phần trong lịch sử của Iraq và là một điểm làm cho nhiều người miền Bắc nước này hãnh diện. Họ thường có những cuộc hôn nhân hổn hợp, bạn bè họ thuộc các tôn giáo khác nhau, họ tự hào về một nền khảo cổ phong phú của đất nước, với nhiều lớp văn minh đã từng sống với nhau trong vùng.

Bakr al Hashimi, 22 tuổi, một thanh niên Hồi giáo thuộc hệ phái Sunni cũng đến từ Bagdad tuyên bố: "vị tiên tri của chúng tôi đã từng sống với các tín hữu Kitô và người Hồi giáo. Tôn giáo của tôi dạy tôi phải biết khoan nhượng".

Anh nhớ lại lúc thiếu thời trước cuộc chiến, trước khi các bạn Kitô của anh rời bỏ thủ đô. Anh nói: "Sự khác biệt duy nhứt giữa chúng tôi là chúng tôi có lớp giáo lý còn họ thì không".

Al Hashimi và một số thanh niên khác đến từ Bagdad đều hy vọng sẽ trở về thủ đô là nơi mà dân chúng ít chú trọng đến những khác biệt về tôn giáo. Nhưng giấc mơ được trở về chung sống hòa bình với nhau của họ không dễ dàng bao lâu vẫn còn vấn đề an ninh.

Al Hashimi nói: "Nếu chính phủ tiếp tục chính sách như hiện nay thì các tín hữu Kitô tại Iraq sẽ giống như người Do thái. Cộng đồng Kitô sẽ rời bỏ Iraq. Chúng tôi sẽ mất đi gia sản và kho tàng này".

Giữa năm 2003 và năm 2008, đã có hơn một nửa trong tổng số 1 triệu 4 trăm ngàn tín hữu Kitô rời bỏ Iraq. Một số khác rời bỏ Bagdad để tìm kiếm sự an toàn tại Miền Bắc là nơi vốn tương đối an ninh hơn.

Al Hashimi nói rằng anh không trách các tín hữu Kitô phải bỏ nước ra đi. Theo anh, ra đi là một điều tốt cho họ. Nhưng đây không phải là một điều tốt cho Iraq vì để mất họ. Sở dĩ họ phải bỏ nước ra đi vì họ không thấy có tương lai ở Iraq.

Trước cuộc chiến, những người Iraq thuộc các tôn giáo và sắc tộc khác nhau đã sống tương đối an toàn, nhưng dĩ nhiên không có đủ tự do để xác nhận bản sắc của mình.

Al Hashimi khẳng định: "Tất cả chúng tôi đều sống chung với nhau. Chúng tôi có một chế độ độc tài, nhưng chúng tôi sống an toàn".

Ngày nay, tự do được trả bằng một giá đắt: nhiều người Iraq phải sống trong những khu và thôn làng riêng, thường do hoàn cảnh áp đặt hơn là do chọn lựa của họ.

Cha sở giáo xứ thánh Giuse ở Sulaimani nói: "Ðây quả là một điều đáng buồn, bởi vì chúng tôi là anh em với nhau". Nhưng cha cũng nói cha biết ơn vì tình trạng tương đối hòa bình và an toàn tại miền Bắc, là nơi mà người Iraq thuộc các tôn giáo và nguồn gốc khác nhau sống chung với nhau.

Cha nói: "ở đây người Hồi giáo và các tín hữu Kitô có quan hệ tốt với nhau. Cám ơn Chúa, ở đây chúng tôi không sợ hãi".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page