Quan sát viên thường trực của Tòa thánh
tại các tổ chức của Liên hiệp quốc ở Geneve
lên án các cuộc bạo động chống Kitô giáo
Quan sát viên thường trực của Tòa thánh tại các tổ chức của Liên hiệp quốc ở Geneve lên án các cuộc bạo động chống Kitô giáo.
Roma [Zenit 4/3/2011] - Quan sát viên thường trực của Tòa thánh tại các tổ chức của Liên hiệp quốc ở Geneve lên án các cuộc bạo động chống Kitô giáo.
Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Vatican, Ðức cha Silvano Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa thánh tại các tổ chức của Liên hiệp quốc ở Geneve, Thụy sĩ, nói rằng các cuộc bạo động nhắm vào các tín hữu Kitô ngày càng gia tăng; các tín hữu Kitô đã trở thành điểm nhắm dễ dàng của các tổ chức khủng bố vì họ biết rằng sẽ chẳng có trả thù hay trả đủa.
Nhắc đến vụ sát hại ông Shahbaz Bhatti, bộ trưởng các tôn giáo thiểu số tại Pakistan, Ðức cha Tomasi nói đến hoàn cảnh bi thảm của nhiều tín hữu Kitô hiện nay.
Ðức cha Quan sát viên thường trực của Tòa thánh tại các tổ chức của Liên hiệp quốc tại Geneve khẳng định: "Chúng ta đang sống trong một thời buổi rất phức tạp đối với việc bênh vực nhân quyền của các tín hữu Kitô, nhứt là tại một số nước ở Á châu và Phi Châu". Theo Ðức cha Tomasi, "việc kỳ thị đối với các tín hữu Kitô không chỉ dừng lại ở thái độ không tôn trọng niềm tin tôn giáo mà còn dẫn đến bạo động và sát hại".
Nhưng vị đại diện của Tòa thánh nói rằng không dễ xác định "những nguyên nhân chính xác" của việc kỳ thị này. Nhiều nhóm ngày càng có ảnh hưởng xem việc "tiêu diệt người khác" như một đòi hỏi của bản sắc của mình và lèo lái tôn giáo vào những mục tiêu chính trị.
Trong cuộc phỏng vấn, Ðức cha Tomasi cầu mong có "một thông tin chính xác hơn về những cuộc bách hại nhắm vào các nhóm tôn giáo thiểu số" và "đưa những nguyên tắc tổng quát vào luật lệ cụ thể của mỗi quốc gia để hệ thống tư pháp không nhắm mắt làm ngơ trước những tội ác chống lại các tín hữu".
Ðức cha Tomasi nhắc lại rằng "tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo" là "biểu hiện thâm sâu nhứt của con người", bởi vì nó nói lên "sợi giây liên kết của con người với sự siêu việt" và chạm đến "những động lực sâu xa của con người khi làm những quyết định nền tảng".
Do đó, theo vị Ðại diện của Tòa thánh, "nếu quyền tự do tôn giáo được tôn trọng thì các quyền cơ bản khác mới được tôn trọng". Nếu quyền này bị loại bỏ thì những khát vọng dân chủ cũng bị chối bỏ.
CV.