Khi toàn dân nhất loạt vùng lên
Khi toàn dân nhất loạt vùng lên.
Roma (Vat. 4/03/2011) - Từ hơn hai tháng qua cuộc "cách mạng dân chủ" đã lan nhanh như một ngọn lửa bùng cháy trong toàn thế giới A rập: từ Tunisia sang các nước khác vùng Bắc Phi như Ai Cập, Algeria, Marốc, Libia, Sudan, cũng như toàn vùng Trung Ðông và bán đảo A rập như Libăng, Siria, Giordania, Yemen, Bahrein, Oman, Kuweit, Gibuti, Irak, Iran và cả A rập Sau đi nữa. Nhân dân các quốc gia này đã nhất loạt vùng lên đòi hỏi dân chủ.
Qua hệ thống Internet, điện thọai di động, Facebook và Twitter hàng triệu người đã hẹn nhau xuống đường biểu tình khắp nơi trong toàn nước, ban đầu chỉ để chống cảnh vật gía leo thang, nạn thất nghiệp, nhưng đồng thời cũng là để phản đối nạn gian tham hối lộ, chính sách cai trị độc tài, để đòi hỏi tự do dân chủ, tự do ngôn luận và tôn trọng các quyền tự do căn bản của con người. Dĩ nhiên, không kể mấy chục vụ tự thiêu phản đối, đã có hàng trăm người thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa các lực lượng cảnh sát và đoàn người biểu tình.
Nhưng sau nhiều tuần biểu tình liên tiếp, tại Tusinia và Ai Cập, nhân dân hai nước này đã thành công trong việc đòi hỏi tổng thống Ben Ali và Hosni Mubarack phải từ chức. Ðặc biệt là tại Ai Cập, áp lực của hơn 2 triệu người biểu tình tại quảng trường Tahrir đã khiến cho tình thế thay đổi nội trong hai tuần.
Hiện nay người dân hai nước này vẫn tiếp tục đòi hỏi phải thay đổi toàn bộ, loại bỏ tất cả các bộ trưởng thành phần của chính quyền độc tài cũ, và tổ chức các cuộc bầu cử tự do dân chủ.
Trước áp lực của nhân dân, Hội đồng quân nhân lãnh đạo Ai Cập đã quyết định tổ chức trưng cầu dân ý Hiến pháp vào ngày 19 tháng 3 năm 2011 tiếp đó là chuẩn bị cho các cuộc bầu cử đa đảng, tự do.
Trước làn sóng cách mạng dân chủ dâng cao, một vài chính quyền A rập đã mau chóng tìm giải pháp ôn hòa để tránh các cảnh hỗn loạn tồi tệ. Tại Giordania trong tuần vừa qua "ngày nhân dân nổi giận" đã quy tụ hàng trăm ngàn người biểu tình trong thủ đô Aman. Ðể giảm bớt sự giận dữ của người dân vua Abdullah đã chấp thuận đòi hỏi của họ thay đổi thủ tướng và ra lệnh cho tân thủ tướng mau chóng đưa ra các cải tổ chính trị, kinh tế, xã hội.
Tại Yemen, hôm mùng 1 tháng 3 năm 2011 tổng thống Ali Abdallah Saleh đã bãi nhiệm 5 thống đốc của 5 tỉnh lớn nhất nước tại miền nam. Ông tố cáo Hoa Kỳ và Israel đứng đàng sau các đoàn người biểu tỉnh nhằm khuynh đảo thế giới A rập.
Tại Oman, ngày mùng 1 tháng 3 năm 2011 cũng đã có hàng ngàn người biểu tình trong thủ đô Mascate để yêu cầu cải tổ chính trị và đưa ra các biện pháp giải quyết nạn thất nghiệp và gian tham hối lộ.
Tại Bahrein, vua Hamad bin Isa al Khalifa đã phải nhượng bộ và điều đình với các đoàn biểu tình. Ðể tránh các cuộc biểu tình phản đối, vua Fahd của Rập Sauđi hứa trích ra 37 tỷ mỹ kim để tăng lương cho các công nhân viên.
Cho đến nay tình hình tại Libia là thê thảm hơn cả, vì đại tá Muammar Gheddafi đã ra lệnh cho các lính đánh thuê của ông bắn vào các đoàn biểu tình khiến cho hơn 10,000 người thiệt mạng và 50,000 người bị thương. Bãi biển Tripoli đã biến thành nghĩa trang chôn xác hàng ngàn người bị giết.
Trong khi các tỉnh miền đông bắc là vùng có các giếng dầu hỏa cũng như các tỉnh miền tây bắc hiện nằm trong tay các lực lượng chống đối, và các bộ lạc miền nam đã kéo cờ khác tuyên bố độc lập. Hội đồng quốc gia Libia được thành lập tại thành phố Bengasi tuyên bố không điều đình với ông Gheddafi, trong khi dân chúng thành phố Adjabiya củng cố các công sự chiến đấu để đương đầu với các lực lượng lính đánh thuê của ông Gheddafi.
Từ mấy ngày qua quân đội Libia trung thành với ông Gheddafi tiếp tục dội bom và chiến đấu với người dân các thành phố này hy vọng lật ngược tình thế. Ðể gây áp lực với các nước tây âu ông Gheddafi cũng nói sẵn sàng bỏ bom các giếng dầu. Thật ra ông đã ra lệnh nhưng các phi công không tuân lệnh của ông. Cuộc nội chiến tại Libia khiến cho 120,000 người phải di tản, đa số là các công nhân nước ngoài. Ðã có 85,000 người qua được biên giới Tunisia. Một số khác qua được biên giới Ai Cập. Nhưng còn hàng chục ngàn người khác vẫn bị kẹt bên kia biên giới Libia. Và hiện nay công tác cứu trợ 120,000 người tị nạn này là điều cấp thiết nhất.
Cuộc động đất đân chủ tại các quốc gia A rập cũng có nguy cơ lan sang các nước hồi giáo vùng Trung Á, nơi cũng có giới lãnh đạo độc tài cai trị như: Bielorussia, Uzbekistan, Kazakhstan, Kirghizistan, Turkmenistan và Tagikistan. Thật ra, ảnh hưởng của cuộc cách mạng dân chủ đã bắt đầu lan sang các nước Á châu như Bắc Han, Trung Quốc, Ấn Ðộ và Việt Nam, với cùng các lý đo như tại các nước A rập, bắt đầu là nạn vật giá leo thang và thất nghiệp.
Theo Ngân Hàng Thế Giới, giá thực phẩm đã gia tăng 15% giữa cuối năm 2010 và tháng Giêng năm 2011. Từ sáu tháng qua người ta ghi nhận giá các nhu yếu phẩm như bột, gạo, bắp và đường gia tăng, khiến cho số người sống đưới mức nghèo đói trên thế giới gia tăng thêm 44 triệu. Giữa tháng 6 và tháng 12 năm 2010 giá lúa mì gia tăng 45% tại Bangladesh, 33% tại Mông Cổ, 31% tại Sri Lanka, 19% tại Afghanistan, 16% tại Pakistan. Trong khi giá gạo gia tăng 46% tại Việt Nam, 19% tại Indonesia, 19% tại Bangladesh, 12% tại Sri Lanka và 9% tại Trung Quốc.
Không kể nhiều lý do khác khiến cho người dân phẫn uất như cung cách cai trị độc tài tước đoạt mọi quyền tự do của con người, nạn gian tham hối lộ, ăn cướp đất đai và tài sản của dân chúng, tàn bạo ức hiếp dân lành, nạn lương thực và vật giá mắc mỏ sẽ là ngọn lửa trước thùng thuốc nổ, khiến cho nhân dân các quốc gia này cũng sẽ nhất loạt vùng lên lật đổ các chế độ độc tài vô nhân và vô luân. Và khi toàn dân đoàn kết nhất loạt vùng lên mà không sợ hãi, thì sẽ không có gì có thể ngăn cản được họ nữa.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)