Sứ thần Tòa thánh tại Lybia
kêu gọi đón tiếp người Erythrea
Sứ thần Tòa thánh tại Lybia kêu gọi đón tiếp người Erythrea.
Vatican [AFP 28/2/2011] - Sứ thần Tòa thánh tại Lybia kêu gọi đón tiếp người Erythrea.
Hôm thứ Hai 28 tháng 2 năm 2011, Ðức cha Tommaso Caputo, Sứ thần Tòa thánh tại Lybia đã kêu gọi cộng đồng thế giới giúp di tản và đón tiếp như người tỵ nạn "hàng ngàn người Erythrea" hiện đang còn kẹt tại Tripoli, Lybia.
Trong một bài phát biểu trên đài phát thanh Vatican, vị đại diện của Ðức thánh cha thường trú tại Malta, nhấn mạnh đến "hoàn cảnh rất nghiêm trọng của hàng ngàn người Erythrea, vốn là những thành phần dễ bị tổn thương nhứt vì họ không có bất cứ một điểm tựa nào."
Ðức cha Caputo nói: "các anh em Erythrea của chúng ta hy vọng rằng sẽ có một chính phủ giúp họ di tản và đón tiếp họ như những người tỵ nạn"
Về phần mình, Ðức cha Giovanni Innocenzo Martinelli, Ðại diện Tông tòa tại Tripoli cũng đưa ra một lời kêu gọi như thế trên đài phát thanh Vatican.
Vị Ðại diện Tông tòa tại Tripoli nói về những người Erythrea tại Lybia như sau: "Chúng tôi rất đau lòng vì không thể làm gì được cho họ. Họ thật sự là những người bé mọn nhứt của Tin mừng".
Ðức cha Martinelli kêu gọi giúp đỡ người Erythrea và cho họ được tỵ nạn ở một nơi nào đó.
Kể từ lúc cuộc nổi dậy tại Lybia bùng nổ, nhiều nước đã di tản người dân của mình. Hôm Chúa nhựt 27 tháng 2 năm 2011, Cao ủy tỵ nạn Liên hiệp quốc cho biết đã có khoảng 100 ngàn người được di tản ra khỏi Lybia.
Hàng chục ngàn di dân lao động xử dụng máy bay, đường bộ hay đường thủy để rời khỏi một xứ sở trong đó hiện các cuộc giao tranh có thể làm cho nhiều người thiệt mạng.
Mặt khác, Ðức cha Martinelli cũng kêu gọi các tổ chức Hồi giáo bảo vệ các nhà thờ Kitô giáo.
Ðức cha Martinelli đã được bổ nhiệm làm Ðại diện Tông tòa tại Tripoli từ năm 1985.
Ngài kêu gọi Hội "Lưỡi Liềm", tức Hồng thập tự Hồi giáo và các tổ chức Hồi giáo khác hãy bảo vệ các nhà thờ Công giáo và các cơ sở khác.
Lybia là một quốc gia có khoảng 6 triệu 7 trăm ngàn dân. Trong số này chỉ có 1.8 phần trăm theo Công giáo và đa phần là các di dân lao động ngoại quốc.
CV.