Ðức Thánh Cha tiếp kiến
Hội Ðồng Tòa Thánh truyền thông xã hội
Ðức Thánh Cha tiếp kiến Hội Ðồng Tòa Thánh truyền thông xã hội.
Vatican (SD 28-2-2011) - Sáng ngày 28 tháng 2 năm 2011, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã tiếp kiến 60 tham dự viên gồm nhiều Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và chuyên gia tại khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh truyền thông xã hội. Ngài kêu gọi suy tư về những ngôn ngữ mới qua các phương tiện truyền thông tân tiến.
Hội đồng Tòa Thánh Truyền thông xã hội đang nhóm họp tại Roma từ ngày 28 tháng 2 đến 3 tháng 3 năm 2011 dưới quyền chủ tọa của Ðức Tổng Giám Mục Chủ tịch Claudio Celli về chủ đề "ngôn ngữ truyền thông". Hội đồng có 13 Hồng Y, 9 Giám Mục và 1 giáo dân thành viên, cùng với 30 vị cố vấn gồm các Linh Mục và giáo dân chuyên gia.
Tại buổi tiếp kiến, Ðức Thánh Cha nhận xét rằng: "khi con người trao đổi thông tin với nhau, tức là họ đang trao đổi chính họ và quan điểm của họ: họ trở thành 'chứng nhân' về những gì mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của họ. Dĩ nhiên những rủi ro trong lãnh vực này là điều đang xảy ra trước mắt mọi người: đó là sự đánh mất đặc tính nội tâm, sự hời hợt trong việc sống các quan hệ, sự chốn chạy trong cảm xúc, ý kiến có sức thuyết phục lại trổi vượt hơn so với ước muốn chân lý. Tuy nhiên những rủi ro đó chính là kết quả của sự thiếu khả năng sống trọn vẹn và đích thực ý nghĩa của những canh tân. Vì thế, cần cấp thiết suy tư về những ngôn ngữ do các kỹ thuật mới đề ra".
Trong tiến trình suy tư đó, Ðức Thánh Cha mời gọi mọi người hãy khởi hành từ chính sự Mạc Khải làm chứng cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã thông truyền những kỳ công của ngài qua ngôn ngữ và kinh nghiệm thực sự của con người, "theo nền văn hóa riêng của mỗi thời đại" (GS 58).
Ðức Thánh Cha đặc biệt khích lệ Hội đồng Tòa Thánh Truyền thông xã hội hãy đào sâu nên "văn hóa kỹ thuật số", kích thích và nâng đỡ suy tư để giúp ý thức hơn về những thách đố đang chờ đợi cộng đồng Giáo Hội và dân sự. Ngài nói: "Ðây không phải chỉ là diễn ra sứ điệp Tin Mừng trong ngôn ngữ ngày nay, nhưng còn phải có can đảm suy tư một cách sâu xa hơn, như đã xảy ra trong các thời đại trước đây, về tương quan giữa đức tin, cuộc sóng của Giáo Hội và những thay đổi mà con người đang trải qua. Ðó là một sự dấn thân giúp những người có trách nhiệm trong Giáo Hội có khả năng hiểu biết, giải thích và nói ngôn ngữ mới của các phương tiện truyền thông nhắm đến mục vụ (Aetatis novae, 2), trong sự đối thoại với thế giới ngày nay, tự hỏi đâu là những thách đố mà "tư tưởng kỹ thuật số" đang đề ra cho đức tin và thần học?"
Sau cùng, Ðức Thánh Cha đề cao gương của Cha Matteo Ricci S.J, người đã giữ vai chính trong việc rao giảng Tin Mừng tại Trung Quốc trong thời cận đại, và chúng ta mới mừng kỷ niệm 400 năm cha qua đời. Trong việc truyền bá sứ điệp của Chúa Kitô, cha Ricci luôn để ý đến con người, bối cảnh văn hóa và triết lý của họ, các giá trị, ngôn ngữ của họ, đón nhận tất cả những gì là tích cực trong truyền thống của họ và đề nghị linh hoạt và thăng hóa những điều ấy nhờ sự khôn ngoan và chân lý của Chúa Kitô". (SD 28-2-2011)
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)