Những diễn biến tại Bắc Phi và Trung Ðông

Mùa Xuân của thế giới Á rập

 

Những diễn biến tại Bắc Phi và Trung Ðông: Mùa Xuân của thế giới Á rập.

Á rập [Asianews 24/2/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Trong một bài bình luận được hãng thông tấn Asianews của Hội truyền giáo hải ngoại Ý phổ biến, cha Samir Khalil Samir, một linh mục Dòng Tên người Ai cập đang giảng dạy tại Học viện giáo hoàng về Á rập và Hồi giáo học ở Roma, khẳng định rằng những diễn biến tại Bắc Phi và Trung đông là một mùa xuân của thế giới Á rập.

Trong mục thời sự hôm nay, chúng tôi xin được tóm dịch bài bình luận của nhà chuyên môn về Á rập và Hồi giáo học này.

Trước hết, theo nhận định của cha Samir, đây là một cuộc cách mạng của giới trẻ. Chính giới trẻ là những người đã liên lạc với nhau và với thế giới bên ngoài để phổ biến tin tức cho mọi người trẻ dưới 30 tuổi. Tại những nước này, một nửa dân số đều trong hạn tuổi dưới 30. Trong tất cả các nước Trung đông, tuổi trung bình của dân chúng là giữa 29 và 31. Những người trẻ này chỉ có một ước mơ là có việc làm và lập gia đình. Do đó, những đòi hỏi của họ phát sinh từ những nhu cầu cơ bản nhứt. Cộng với những nhu cầu cơ bản này là những giá trị như dân chủ, tự do, bình đẳng, công bình. Ðây là khát vọng của mọi người trẻ trên khắp thế giới, đặc biệt là tại những nơi có đa số dân là người trẻ.

Một đặc điểm thứ hai trong các cuộc cách mạng đang diễn ra tại Bắc Phi và Trung đông là giới trẻ ít màng đến những cuộc xung đột quốc tế. Giới trẻ tại đây không quan tâm đến những cuộc xung đột có liên quan đến Hoa kỳ, Israel, Palestine... mà chỉ chú trọng đến những vấn đề quốc gia và xã hội; họ không biểu tình vì bất cứ ý thức hệ nào. Trong những tháng vừa qua, người ta không hề thấy có lá cờ nào của Hoa kỳ hay Israel bị đốt.

Theo cha Samir, cuộc cách mạng của giới trẻ cũng là cuộc cách mạng của tình liên đới mà không cuồng tín. Ðiều đáng chú ý nhứt trong cuộc cách mạng là những người trẻ tham gia các cuộc biểu tình là những người đặt nặng tôn giáo, nhưng lại không chấp nhận cuồng tín. Cha Samir cho biết: mới đây cha đã tham dự một buổi tưởng niệm cái chết của cố thủ tướng Rafik Hariri tại Liban hôm 14 tháng 2 năm 2011. Trong buổi lễ tưởng niệm, một tín hữu Kitô đã hát bài "Ave Maria", xen lẫn với giọng hát của một ca sĩ Hồi giáo. Hai giọng hát đã quyện vào nhau một cách sâu xa và cảm động đến độ nhiều người đã phải khóc.

Theo cha Samir, đây cũng là hình ảnh mà người ta có thể thấy trong các cuộc biểu tình tại Ai cập. Những người biểu tình đã thể hiện những cử chỉ của hiệp nhứt và hòa bình. Nhiều phụ nữ đã ôm hôn các quân nhân như thể là con của họ. Ngay cả tại Lybia, nhiều đơn vị quân đội không muốn chống lại dân chúng, cho nên nhà độc tài Kadahfi đã phải mời các toán lính đánh thuê từ các nước vùng Hạ Sahara đến. Ðã có ít nhứt 5 đại sứ, nhiều bộ trưởng Lybia từ chức.

Trong một bầu khí như thế, người ta không thể thấy có những biểu hiện tôn giáo thái quá.

Một yếu tố khác được cha Samir ghi nhận đó là tính cách ôn hòa của cuộc cách mạng. Tại Tunisia, Ai cập cũng như tại Bahrain và ngay cả tại Lybia, người dân chỉ biểu tình và đòi hỏi thay đổi một cách ôn hòa. Thế giới Á rập đang thực sự mong muốn một kỷ nguyên hòa bình.

Yêu tố ôn hòa được đặc biệt thể hiện qua sự kiện dân chúng đã không tỏ bất cứ cử chỉ bạo động nào đối với hai nhà lãnh đạo tại Ai cập và Tunisia là Mubarak và Ben Ali.

Cha Samir chỉ quan ngại một điều là sự vắng mặt của lãnh đạo trong các cuộc biểu tình. Nhưng theo cha, các cuội nổi dậy gợi lại những gì đã xảy ra Ðông Âu hồi năm 1989. Các chế độ cộng sản đã sụp đổ theo hiệu ứng "Domino" mà không tốn một viên đạn nào.

Nhìn về Tây phương, cha Samir nói rằng điều đáng ngạc nhiên là tất cả mọi chính phủ Âu Châu đều nhìn nhận rằng những thay đổi tại Bắc Phi và Trung đông là điều hoàn toàn bất ngờ đối với họ. Theo nhận định của nhà chuyên môn về Á rập và hồi giáo học này, có lẽ Tây phương chỉ quan tâm đến những đầu tư của họ trong vùng mà thôi.

Nhiều người cho rằng Hoa kỳ là quốc gia giựt giây và điều động các cuộc nổi loạn tại Bắc Phi và Trung đông. Nhưng theo cha Samir, nhìn như thế là gán cho Hoa kỳ vai trò của một cường quốc chuyên "lèo lái" mà thực sự họ không có.

Theo vị linh mục Dòng Tên người Ai cập này, nghĩa vụ của Âu châu là giúp đỡ mà không can thiệp vào nội bộ. Dân chúng không muốn bên ngoài can thiệp vào chính trị nội bộ của họ. Nhưng họ vẫn muốn được nâng đỡ sau thảm họa kinh tế do các cuộc nổi dậy tạo ra.

Cha Samir cho rằng đây là lúc để Tây phương tự vấn lương tâm. Tunisia, Lybia, Ai cập đều cách này hay cách khác được một quốc gia Tây phương yểm trợ. Những gì đang xảy ra tại Bắc Phi và Trung đông là một lời mời gọi Tây Phương duyệt xét lại sự trợ giúp của mình đối với các chế độ độc tài tại vùng này.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page