Sự liên kết của người Hồi giáo

và các tín hữu Kitô

trong cuộc cách mạng tại Ai cập

 

Sự liên kết của người Hồi giáo và các tín hữu Kitô trong cuộc cách mạng tại Ai cập.

Ai cập [Chiesa 23/2/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Có một số hình ảnh có giá trị tượng trưng cao độ được chú ý đến rất nhiều trong cuộc cách mạng vừa qua tại Ai cập. Trước hết là bức ảnh ghi lại việc các tín hữu Kitô Copte tạo thành một vòng vây để bảo vệ các tín đồ Hồi giáo đang quỳ cầu nguyện tại quảng trường Al Tahrir "giải phóng" ở thủ đô Cairo. Một bức hình khác cho thấy một em bé một tay cầm một Cây Thánh Giá và một tay cầm một lưỡi liềm, biểu tượng của Hồi giáo. Ở một nơi khác, người ta thấy có một biểu ngữ với nội dụng "Người Ai cập cùng chung một bàn tay". Những hình ảnh này cho phép người dân Ai cập được hy vọng rằng lực lượng hồi giáo cực đoan tại nước này không hề kiểm soát được việc chuyển giao quyền hành.

Không ai chối cãi được rằng cuộc cách mạnh đã và đang diễn ra tại các nước Á rập không hề phát sinh từ các đền thờ Hồi giáo. Các đền thờ nổi tiếng và có uy thế nhứt của hệ phái Sunni, như Al Azhar tại Cairo đều đã tức khắc nhận ra điều đó. Các nhà lãnh đạo của các đền thờ này, vốn do tổng thống Hosni Mubarak bổ nhiệm, đều phải trả giá vì sự sụp đổ của chế độ này.

Tại Ai cập, những người có chủ trương thành lập một quốc gia Hồi giáo có thành công hay không là tùy ở số phận của tổ chức "Huynh đệ Hồi giáo". Với một cơ cấu khá chặt chẽ, tổ chức này hiện kiểm soát được những hiệp hội chuyên nghiệp chính tại Ai cập như kỹ sư, bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, thương gia và luật sư. Tổ chức này đã từng xây dựng đường sá tại các vùng nông thôn. Một trong những lãnh tụ của tổ chức là ông Sobhi Saleh, hiện đang là thành viên của một Ủy ban được hội đồng quân nhân thiết lập để tu chính Hiến Pháp.

Theo nhận định của ký giả Sandro Magister trên trang mạng "Chiesa" [Giáo hội], sở dĩ quân đội muốn đưa tổ chức "Huynh đệ Hồi giáo" vào Ủy ban tu chính hiến pháp, là để kiểm soát tổ chức này.

Lãnh tụ tối cao của tổ chức này, ông Yussuf al Qaradawi, người đã lưu vong tại Anh quốc 18 năm và đã trở về Ai cập để hướng dẫn buổi cầu nguyện hôm 18 tháng 2 năm 2011 tại quảng trường Al Tahrir và xách động đám đông. Tuy nhiên, hành động của lãnh tụ này xem ra cũng không thể hướng cuộc nổi dậy tiến tới trào lưu tôn giáo cực đoan.

Ông Al Qaradawi đã vui mừng vì sự sụp đổ của chế độ Mubarak. Nhưng chắc chắn, sự ra đi của ông Mubarak đã không diễn ra vì bàn tay của tổ chức "Huynh đệ Hồi giáo".

Trong bài nói chuyện trước đám đông những người biểu tình, nhà lãnh đạo của tổ chức này đã nói đến giấc mơ được giải phóng Gierusalem khỏi bàn tay của những kẻ "ngoại đạo". Tuy nhiên, trước cũng như sau "bài giảng" của ông, người ta không thấy có bất kỳ lá cờ nào của Israel bị đốt cháy.

Trong suốt cuộc nổi dậy, người ta cũng không thấy có bất cứ ngôi thánh đường Kitô giáo nào bị tấn công, mặc dù cách đó vài tuần lễ, với sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ Mubarak, một nhà thờ chính thống Copte tại Alexandria đã bị tấn công một cách dã man.

Ðức thượng phụ Chính thống Shenouda III đã kêu gọi các tín hữu Kitô đừng tham gia các cuộc biểu tình. Nhưng ngay từ những ngày đầu, các tín hữu Kitô đã tuôn ra các ngã đường và sát cánh bên cạnh người Hồi giáo trong cuộc nổi dậy đòi tự do.

Cha Samir Khalil Samir, một linh mục Dòng Tên người Ai cập chuyên về Hồi giáo học hiện đang giảng dạy tại Học viện Giáo hoàng Hồi giáo và Á rập học tại Roma, nói rằng cuộc nổi dậy tại nước này gợi lại cho ngài cuộc cách mạng nam 1919 chống lại Vương quốc Anh là nước đang chiếm đóng Ai cập và Sudan. Cha Samir khẳng định rằng cuộc cách mạng này hoàn toàn không có tính chất tôn giáo, mà chỉ nhằm tranh đấu cho nền độc lập của xứ sở.

Các cuộc nổi dậy trong thế giới Á rập hiện nay, từ Ai cập đến Yemen, cũng không có mục đích chống lại các thế lực ngoại bang như Israel, Hoa kỳ và Tây phương nói chung, lại càng không chống lại các tín hữu Kitô. Kẻ thù của những người nổi dậy thiết yếu là những kẻ nội thù, tức các chế độ độc tài. Và các đòi hỏi của họ thật là đơn giản: cuộc nổi dậy đầu tiên diễn ra tại Tunisia phát sinh từ tình trạng lạm phát trong nước.

Ngoài ra, như mọi người đều có thể ghi nhận, những người tham gia các cuộc biểu tình đa số là giới trẻ, tuổi từ 18 đến 30. Riêng giáo sư Khaled Fouad Allam, một người Ý gốc Algeria hiện đang giảng dạy về Hồi giáo học tại các đại học Trieste và Urbino, Ý, nói với nhựt báo "Avvenire" của Hội đồng Giám mục Ý rằng giới trẻ Hồi giáo ngày nay giữ đạo theo cách thế của họ. Với họ, Hồi giáo không còn được xem là một giải pháp như cách đây 10 hay 15 năm nữa. Giới trẻ Hồi giáo hiện nay không còn tin rằng kinh Coran có thể mang lại công ăn việc làm như cha ông họ đã từng tin tưởng. Giáo sư Allam nói: "Họ là những tín đồ thực hành đạo, nhưng họ không có bất cứ hành trang ý thức hệ nào. Từ Yemen sang Algeria, chúng ta không nghe có bất cứ khẩu hiệu tôn giáo nào".

Ngoài ra, cũng theo giáo sư Allam, chính xu thế toàn cầu hóa đã góp phần làm phát sinh cuộc nổi dậy của giới trẻ trong thế giới Á rập.

Dù vậy, vị giáo sư này cảnh cáo rằng vì cuộc nổi dậy không có một hướng đi rõ rệt, không có lãnh đạo, không có tổ chức, cho nên khó tiên liệu được kết quả của nó.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page