Liên Âu quan ngại về tình trạng

bất khoan nhượng tôn giáo trên thế giới

 

Liên Âu quan ngại về tình trạng bất khoan nhượng tôn giáo trên thế giới.

Bruxelles [AFP 21/2/2011] - Liên Âu quan ngại về tình trạng bất khoan nhượng tôn giáo gia tăng trên thế giới.

Hôm thứ Hai 21 tháng 2 năm 2011, 27 bộ trưởng ngoại giao của Liên Âu đã yêu cầu phải có những đề nghị cụ thể để đối phó với tình trạng bất khoan nhượng tôn giáo gia tăng trên thế giới, đối với các tín hữu Kitô lẫn người Hồi giáo.

Dạo cuối tháng Giêng năm 2011, các bộ trưởng ngoại giao Liên Âu đã không đạt được một thỏa thuận về một tuyên ngôn chung. Bản tuyên ngôn chung này không nhắc đến tên của một tôn giáo cụ thể nào, vì sợ tạo ra "cuộc xung đột giữa các nền văn minh".

Cuối cùng trong phiên họp hôm thứ Hai 21 tháng 2 năm 2011, các bộ trưởng ngoại giao Liên Âu đã thông qua một văn kiện để "mạnh mẽ lên án các cuộc bạo động và những hành vi khủng bố mới đây tại nhiều nước, nhắm vào các tín hữu Kitô và những nơi thờ phượng của họ, cũng như khách hành hương Hồi giáo và các cộng đồng tôn giáo khác".

Tuyên ngôn của các bộ trưởng ngoại giao Liên Âu nhấn mạnh: "đáng tiếc là không có một vùng nào trên thế giới thoát khỏi tai họa bất khoan nhượng tôn giáo". Tuyên ngôn tái khẳng định rằng Liên Âu cương quyết thăng tiến và bảo vệ tự do tôn giáo hay tự do xác tín mà không bị bất cứ sự kỳ thị nào.

Văn kiện được các bộ trưởng ngoại giao Liên âu thông qua kêu gọi Cao Ủy ngoại giao Liên Âu, bà Catherine Ashton hãy quan tâm đến "những biện pháp và đề nghị cụ thể nhằm củng cố hơn nữa hành động của Liên Âu trong vấn đề này".

Ðược biết: Pháp, Hungari, Balan và Ý là những nước đã tích cực vận động Liên Âu tỏ rõ lập trường về tự do tôn giáo sau khi xảy ra các vụ tấn công đẫm máu nhắm vào các tín hữu Công giáo tại Bagdad, Iraq, hồi cuối tháng 10 năm 2010 và các tín hữu Chính thống Copte tại Alexandria, Ai cập cuối tháng 12 năm 2010.

Ngoài ra, Liên âu cũng yêu cầu Tunisia cho tiến hành điều tra và xét xử những kẻ đã sát hại cha Marek Rybinski, một linh mục Balan thuộc dòng Salesien, Don Bosco đang truyền giáo tại nước này.

Trong một tuyên ngôn được cho công bố hôm thứ Hai 21 tháng 2 năm 2011, Cao Ủy ngoại giao Liên Âu, bà Catherine Ashton nhấn mạnh rằng Tunisia là một đất nước có truyền thống khoan nhượng tôn giáo. Bà kêu gọi Tunisia hãy bảo vệ truyền thống này để thiết lập luật pháp dân chủ dựa trên sự tôn trọng nhân quyền và các tự do cơ bản của con người.

Dân số Tunisia hiện có khoảng 10 triệu người. Trong số này chỉ có khoảng 20 ngàn tín hữu Kitô.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page