Công bố Sứ điệp Mùa Chay 2011
của Ðức Thánh Cha
Công bố Sứ điệp Mùa Chay 2011 của Ðức Thánh Cha.
Vatican (SD 22-2-2011) - Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 mời gọi các tín hữu tái khám phá và sống trọn ý nghĩa bí tích Rửa tội, dựa theo hành trình phụng vụ Mùa Chay, và vượt thắng lòng ích kỷ.
Trên đây là nội dung Sứ điệp của Ðức Thánh Cha nhân dịp Mùa Chay sắp bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro 9 tháng 3 năm 2011 với chủ đề "Cùng với Chúa Kitô anh chị em đã được chôn táng trong phép Rửa Tội, và anh chị em cũng được sống lại với Người" (Xc Cl 2,12). Sứ điệp của Ðức Thánh Cha được Ðức Hồng Y Robert Sarah, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Ðồng Tâm), và các vị phụ tá, giới thiệu trong cuộc họp báo sáng hôm ngày 22 tháng 2 năm 2011, tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh. Hiện diện trên bàn chủ tọa còn có bà Myriam García Abisqueta, Chủ tịch tổ chức bác ái "Manos Unidas" (Những bàn tay liên kết) tại Tây Ban Nha.
Qua Sứ điệp, Ðức Thánh Cha nhắc nhở rằng "Bí tích Rửa Tội không phải là một nghi thức quá khứ, nhưng là một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, ảnh hưởng trên toàn thể của sống của người chịu Phép Rửa, mang lại cho họ sự sống thần linh và kêu gọi họ chân thành hoán cải, một cuộc hoán cải được ân thánh khởi sự và nâng đỡ, đưa họ đạt tới tầm mức trưởng thành của Chúa Kitô. Có một mối liên hệ đặc biệt giữa Bí tích Rửa Tội và Mùa Chay như một thời điểm thuận tiện để cảm nghiệm ơn thánh cứu độ".
Ðức Thánh Cha lần lượt trình bày sự trợ giúp của các bài Phúc Âm đọc trong 5 chúa nhật mùa chay, để chúng ta tiến đến một cuộc gặp gỡ đặc biệt nồng nhiệt với Chúa, bằng cách đưa chúng ta tiến qua các giai đoạn trong hành trình khai tâm Kitô giáo: đối với các dự tòng, điều này diễn ra trong viễn tượng nhắm lãnh nhận bí tích tái sinh, và đối với những người đã chịu phép Rửa, để họ đạt tới những bước tiến mới có tính chất quyết định trong hành trình theo Chúa Kitô và hiến thân trọn vẹn hơn cho Chúa".
Ðức Thánh Cha cũng khẳng định rằng: "Sự dìm mình của chúng ta trong cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô qua bí tích rửa tội, thúc đẩy chúng ta mỗi ngày giải thoát con tim của mình khỏi gánh nặng của những sự vật chất, khỏi mối liên hệ ích kỷ với trần thế này, liên hệ ấy làm cho chúng ta trở nên nghèo nàn và ngăn cản không để chúng ta sẵn sàng và cởi mở đối với Thiên Chúa và tha nhân. .. Qua những việc thực hành truyền thống như ăn chay, làm phúc, cầu nguyện, là những biểu hiệu của sự dấn thân hoán cải, Mùa Chay dạy chúng ta sống tình thương của Chúa Kitô một cách quyết liệt hơn".
"Tóm lại, hành trình Mùa Chay, trong đó chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Mầu Nhiệm Thánh Giá, chính là "trở nên đồng hình với cái chết của Chúa Kitô" (Pl 3,10), để thực hiện sự hoán cải sâu xa trong đời sống chúng ta, để cho hoạt động của Chúa Thánh Linh tác động, như thánh Phaolô trên đường Damasco; quyết liệt qui hướng cuộc sống chúng ta theo thánh ý Chúa; giải thoát chúng ta khỏi tính ích kỷ, vượt thắng bản năng muốn thống trị người khác và cởi mở đối với tình thương của Chúa Kitô. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để nhìn nhận những yếu đuối của chúng ta, chân thành kiểm điểm cuộc sống để đón nhận ơn thánh canh tân của Bí tích Thống Hối và quyết liệt tiến về cùng Chúa Kitô".
Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng: "Anh chị em thân mến, qua cuộc gặp gỡ bản thân với Ðấng Cứu Chuộc chúng ta và qua chay tịnh, làm phúc, cầu nguyện, hành trình hoán cải tiến về Lễ Phục Sinh dẫn đưa chúng ta đến chỗ tái khám phá phép Rửa của chúng ta. Trong Mùa Chay này, chúng ta hãy tái đón nhận Ơn Thánh mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong lúc này, để Ơn Thánh soi sáng và hướng dẫn mọi hành động của chúng ta".
Trong cuộc họp báo, Ðức Hồng Y Sarah, người Guinea Equatoriale, trình bày một số hoạt động cứu trợ của tổ chức Cor Unum, cơ quan bác ái của Ðức Thánh Cha, đặc biệt trong những tháng gần đây và Ðức Hồng Y nhấn mạnh rằng: "tại Haiti, Sahel, Mỹ châu la tinh và Carabí, cũng như tại bất kỳ nơi nào khác trên thế giới cần có một sự cứu giúp cụ thể, Giáo Hội Công Giáo luôn đi hàng đầu trong việc cứu trợ cấp thiết. Bao nhiêu lần, trong những trường hợp thiên tai, chúng ta đã nghe Ðức Thánh Cha kêu gọi sự can thiệp vật chất của cộng đoàn Giáo Hội và quốc tế, không phân biệt tín ngưỡng, chủng tộc hoặc chính kiến!". (SD 22-2-2011)
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)