Vai trò " chủ yếu" của Giáo hội

trong công cuộc phát triển

 

Vai trò "chủ yếu" của Giáo hội trong công cuộc phát triển.

Hoa kỳ [National Catholic Reporter 17/2/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Một chuyên gia kinh tế người Anh nhìn nhận vai trò "chủ yếu" của Giáo hội trong công cuộc phát triển.

Hôm 15 tháng 2 năm 2011, phát biểu tại cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo trong hoạt động xã hội của Giáo hội Công giáo tại Hoa kỳ, một giáo sư kinh tế học thuộc trường đại học Oxford, Anh quốc nói rằng với những thành tích về việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, Giáo hội có một vai trò chủ yếu trong cuộc phát triển lâu bền.

Ðược biết, một cuộc gặp gỡ thường niên khai diễn tại thủ đô Washington, Hoa kỳ, từ ngày 13 đến 16 tháng 2 năm 2011, đã qui tụ khoảng 300 nhà lãnh đạo Công giáo hoạt động xã hội.

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, giáo sư Paul Collier, giáo sư kinh tế học và chuyên gia về phát triển thuộc trường đại học Oxford nói với các đại diện Công giáo rằng "những gì mà lãnh vực kinh tế đã khám phá thì Giáo hội Công giáo đã biết từ ít nhứt một thế kỷ nay". Giáo sư Collier hiện đang là giám đốc của "Trung Tâm nghiên cứu kinh tế Phi châu" có trụ sở tại Anh quốc. Ông nói: "Ðiều khiến cho dân chúng làm việc một cách đàng hoàng, không chỉ là động lực, mà chính là nắm bắt được những mục tiêu của tổ chức". Và trên khắp thế giới, Giáo hội đã xây dựng được những tổ chức như thế.

Theo chuyên gia kinh tế này, sở dĩ công cuộc phát triển tại Phi Châu đã thất bại vì xây dựng trên hai mô thức không hiệu quả. Một là mô thức dựa trên những tổ chức do nhà nước điều hành tại Âu Châu trong thập niên 50; mô thức này đã tỏ ra không kiến hiệu. Mô thức thứ hai rất thịnh hành trong thập niên 90, xử dụng tiền bạc để kích thích đạt các chỉ tiêu. Giáo sư Collier nói rằng cả hai mô thức này đều thất bại vì những người làm việc theo hai mô thức này đặt quyền lợi cá nhân và của tổ chức lên trên quyền lợi của công chúng.

Ðối lại, các tổ chức của Giáo hội đã chứng tỏ rất hữu hiệu trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội như giáo dục và y tế, bởi vì Giáo hội phục vụ và mang lại công ích cho mọi người.

Theo giáo sư Collier, các tổ chức Giáo hội có khả năng động viên dân chúng ở qui mô quốc gia cũng như toàn cầu: đây là điều mà các chính phủ tại các nước đang phát triển không thể làm được.

Vị giáo sư của trường đại học Oxford này cũng chỉ trích nặng nề những người mà ông gọi là "những nhà tranh đấu cho môi sinh ngây ngô": những người này đặt việc bảo tồn thiên nhiên lên hàng ưu tiên mà không đếm xỉa đến những nỗ lực phát triển để chống lại nghèo đói. Ông đề cao ý niệm của Giáo hội về "việc quản lý thiên nhiên trong cuộc chiến trong lại nghèo đói".

Cuối cùng, giáo sư Collier kêu gọi các chính phủ Tây phương tiếp tục viện trợ các nước nghèo. Ông đặc biệt ca ngợi Anh Quốc, mặc dù có cắt giảm ngân sách, vẫn cam kết tiếp tục viện trợ cho các nước nghèo. Ông nói rằng nếu Hoa kỳ cắt giảm viện trợ, xét về phương diện đạo đức, nước này sẽ làm giảm đi khả năng duy trì sự cam kết nghiêm chỉnh đối với công cuộc phát triển.

Về phần mình, phát biểu tại cuộc gặp gỡ, Ðức hồng y Peter Kodwo Appiah Turkson, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh công lý và hòa bình, đã thúc đẩy các nhà hoạt động xã hội hãy tiếp tục đeo đuổi việc xây dựng một xã hội công bình không những tại Hoa kỳ mà còn trên toàn thế giới, nhứt là trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay.

Vị Hồng y người Ghana này nói rằng khi hoạt động cho công lý, chúng ta phản ánh chính Nhiệm thể sống động của Chúa Kitô.

Trong bài diễn văn đọc trước hội nghị của các nhà lãnh đạo trong các hoạt động xã hội của Giáo hội Công giáo Hoa kỳ, Ðức hồng y Turkson nhắc lại việc kỷ niệm 120 năm thông điệp "Rerum Novarum" [những vấn đề mới] của đức Leo XIII. Vị Giáo hoàng này nói rằng chính sự dấn thân của người Công giáo trong các hoạt động xã hội đã góp phần rất nhiều cho việc soạn thảo thông điệp Rerum Novarum. Thông điệp là một kết tụ từ những tuyên ngôn và hoạt động của Giáo hội từ nhiều thập niên trước tại nhiều nơi ở Âu châu và Hoa kỳ.

Theo Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh công lý và hòa bình, lịch sử của thông điệp Rerum Novarum cho thấy công cuộc canh tân trong Giáo hội thường khởi đầu bằng những hành động cụ thể của giáo dân là những người có khi đi trước những lập trường chính thức của Giáo hội.

Ðức hồng y đặc biệt ca ngợi những đóng góp của người Công giáo Hoa kỳ trong giáo huấn xã hội của Giáo hội. Cách riêng, Ðức hồng y nhìn nhận rằng chính Hội đồng Giám mục Hoa kỳ đã đặt nền móng cho Hội đồng Tòa thánh công lý và hòa bình trong thời Công đồng Vatican II khi đề ra một số tu chính cho Hiến chế mục vụ "Vui mừng và hy vọng".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page