Tương lai các tín hữu Kitô tại Ai cập
Tương lai các tín hữu Kitô tại Ai cập.
Ai cập [National Catholic Register, Cathnews 16/2/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Các tín hữu Kitô tại Ai cập đang chờ xem cuộc cách mạng lật đổ nhà độc tài Hosni Mubarak có mang lại cho họ một tương lai sáng sủa hơn không hay sẽ làm cho tình trạng của họ thêm khó khăn.
Chiếm khoảng 10 phần trăm dân số trên 80 triệu người, cộng đồng Kitô Copte, trong đó có khoảng 250 ngàn người Công giáo, đã tích cực tham gia vào các cuộc biểu tình dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Mubarak.
Giờ đây, sau khi ông Mubarak đã ra đi, người ta đang chờ xem loại chính phủ nào sẽ được thành lập tại Ai cập. Nhiều người tiên đoán rằng các đảng phái chính trị Hồi giáo sẽ nắm giữ một vai trò quan trọng hơn trong tương lai.
Các nhà lãnh đạo Kitô tại đây vừa hy vọng lại cũng vừa lo lắng cho tương lai của các cộng đồng Kitô.
Ðức cha Michael Fitsgerald, Sứ thần Tòa thánh tại Ai cập, nói rằng ngài vừa hy vọng vừa lo lắng. Ðức sứ thần Tòa thánh kể lại rằng người Hồi giáo và các tín hữu Kitô đã sát cánh bên nhau ngay từ lúc cách mạng bùng nổ. Ngài hy vọng rằng tình liên đới này cũng sẽ được tiếp tục trong một "Ai Cập mới". Tuy nhiên, ngài nói rằng vẫn còn nhiều điều không thể đoán trước được. Hiện nay người dân Ai cập đang sống trong một giai đoạn chuyển tiếp vô định: quân đội loan báo sẽ cho tổ chức bầu cử trong vài tháng tới. Các quan sát viên nói rằng trong giai đoạn này các thành phần thiểu số là những người dễ bị tổn thương nhứt.
Ông Carl Moeller, chủ tịch của tổ chức chuyên phục vụ các tín hữu Kitô bị bách hại trên khắp thế giới có tên là "Những cánh cửa mở ra" có trụ sở tại Hoa kỳ, thì lại cho biết: qua các cuộc nói chuyện với các nhân viên đang làm việc tại Ai cập, người ta biết được là các Giáo hội đang vui mừng trước viễn ảnh của một nước Ai cập mới. Tuy nhiên, các Giáo hội vẫn luôn tỏ ra thực tế và dè dặt. Do đó, các tín hữu Kitô được mời gọi sống đức tin của mình theo những cung cách chưa từng có trước đó. Lời kêu gọi này ám chỉ đến những áp lực mà các tín hữu Kitô sẽ phải chịu từ số đông Hồi giáo tại nước này. Ông Moeller trích dẫn một số liệu từ cuộc thăm dò do Viện "Pew Foundation" thực hiện. Theo cuộc thăm dò, có đến 84 phần trăm dân số Ai cập vẫn còn ủng hộ việc tử hình những người Hồi giáo nào cải đạo sang một tôn giáo khác. Ngay cả trong một Ai cập thời hậu cách mạng, đây vẫn là một điều đáng lo ngại cho các tín hữu Kitô.
Về phần mình, mục sư Sameh Maurice, quản nhiệm nhà thờ Tin lành Kash El Dobara tại Cairo, hy vọng rằng cuộc cách mạng sẽ chấm dứt những cuộc bắt cóc và hành hung do các lực lượng mật vụ thực hiện nhắm vào 600 ngàn thành viên của Giáo hội Tin lành.
Mục sư Maurice cho biết: các tín hữu Kitô, cách riêng người Tin lành, đã từng bị công an mật vụ đối xử thậm tệ. Một số bị bắt cóc và những người Hồi giáo nào trở lại Kitô giáo đều bị công an mật vụ đánh đập dã man.
Mục sư Maurice nói rằng vì nhà thờ Kash El Dobara với 7 ngàn chỗ ngồi tọa lạc ngay trước mặt quảng trường Tahrir, nơi những người biểu tình đóng trụ hơn 18 ngày, cho nên đã không bị tấn công. Vị mục sư này khẳng định: "nhà thờ này đã được bảo vệ". Ông nói rằng ông rất sung sướng vì cuộc cách mạng đã diễn ra. Ông gọi đây là một bước nhảy lớn tiến tới tự do phát biểu, dân chủ và tự do tôn giáo. Các tín hữu Tin lành đã ăn mừng chiến thắng như một cuộc giải phóng.
Riêng cha Samir Khalil Samir, một linh mục Dòng Tên người Ai cập chuyên về Hồi giáo học, hiện đang giảng dạy tại Học viện Giáo hoàng về Á rập và Hồi giáo học ở Roma, cũng tỏ ra lạc quan về tương lai của các tín hữu Kitô tại Ai cập. Cha kêu gọi các tín hữu Kitô hãy tích cực tham gia vào đời sống chính trị để đòi hỏi bình đẳng và tự do. Cha nói rằng Ai cập đang cần cải tổ và các tín hữu Kitô vừa có quyền vừa có nghĩa vụ phải đóng góp vào công cuộc cải tổ này. Trong một đất nước mà 40 phần trăm dân chúng vẫn còn sống trong nghèo đói và trình độ giáo dục còn rất thấp, các tín hữu Kitô có thể đóng góp rất nhiều. Với những trường học có phẩm chất cao hiện đang thu hút nhiều người Hồi giáo, các tín hữu Kitô có thể là những nhà lãnh đạo trong lãnh vực giáo dục.
Nhiều người hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho các tín hữu Kitô bởi vì sau cuộc cách mạng sẽ có nhiều thế hệ Hồi giáo mới xuất hiện. Sau sự ra đi của tổng thống Mubarak, một số quan sát viên tiên đoán rằng Ai cập sẽ biến thành một quốc gia Hồi giáo. Tuy nhiên, cũng có một số khác cho rằng một thế hệ lớn lên trong thời kinh tế toàn cầu hóa và được nuôi dưỡng bởi mạng lưới Internet sẽ làm phát sinh nhiều đảng phái chính trị vừa Hồi giáo vừa thế tục.
Bà Diaa Rashman, một nhà phân tách thuộc Trung Tâm nghiên cứu chính trị và chiến lược "Al Ahram" ở Cairo nói rằng một nước Ai cập mới đã được khai sinh... Bà nói rằng rồi đây tại nước này sẽ có nhiều đảng phái Hồi giáo chứ không chỉ một mình tổ chức "Huynh đệ Hồi giáo" như trước đây. Theo bà, cũng sẽ có nhiều đảng tự do và nhiều đảng quốc gia hơn.
Trong bối cảnh này, một quốc gia Hồi giáo có thể là điều sẽ không xảy ra tại Ai cập và các tín hữu Kitô chắc chắn sẽ có nhiều tự do hơn.
CV.