Toàn văn Sứ điệp
Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16
nhân Ngày Ơn Gọi 48
Toàn văn Sứ điệp Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 nhân Ngày Ơn Gọi 48.
Vatican (Vat. 15/02/2011) - Như chúng tôi đã đưa tin, hôm 10 tháng 2 năm 2011, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã cho phổ biến Sứ điệp của Ngài nhân Ngày Thế Giới lần thứ 48 sẽ cử hành vào chúa nhật 15 tháng 5 năm 2011 với chủ đề "Ðề nghị ơn gọi trong Giáo Hội địa phương". Trong sứ điệp, Ðức Thánh Cha tha thiết kêu gọi toàn thể Giáo Hội động viên cầu nguyện và đẩy mạnh việc mục vụ ơn gọi Linh Mục và đời sống thánh hiến. Sau đây là bản dịch tiếng Việt toàn văn Sứ điệp của Ðức Thánh Cha. Ngài viết:
Anh chị em thân mến,
Ngày Thế Giới lần thứ 48 cầu cho ơn gọi sẽ được cử hành vào ngày 15-5-2011, Chúa nhật thứ 4 Phục Sinh, mời gọi chúng ta suy tư về đề tài: "Ðề nghị ơn gọi trong Giáo Hội địa phương". Cách đây 70 năm, Ðấng Ðáng Kính Piô 12 đã thiết lập "Các Hội Giáo Hoàng về ơn gọi Linh Mục". Tiếp theo đó, các hội tương tự đã được các Giám Mục thành lập trong nhiều giáo phận, do các Linh Mục và giáo dân linh hoạt, đáp lại lời mời gọi của Vị Mục Tử Nhân Lành, khi "thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì Ảhọ mỏi mệt và kiệt lực như đoàn chiên không có mục tử", và Chúa nói: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vì vậy, các con hãy cầu xin Chủ mùa gặt sau nhiều thợ đến trong ruộng của Người" (Mt 9,36-38).
Nghệ thuật cổ võ và chăm sóc ơn gọi tìm được một điểm tham chiếu rạng ngời trong những trang Tin Mừng, qua đó Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ theo Ngài và giáo dục họ trong tình yêu thương ân cần. Ðối tượng đặc biệt được chúng ta chú ý, đó là cách thức Chúa gọi những cộng tác viên thân cận nhất của Ngài loan báo Nước Thiên Chúa (Xc Lc 10,9). Trước hết, ta thấy rõ hành động đầu tiên của Ngài là cầu nguyện cho họ: trước khi gọi họ, Chúa Giêsu cầu nguyện một mình ban đêm và lắng nghe thánh ý Chúa Cha (Xc Lc 6,12), trong một thái độ khổ chế nội tâm vượt lên trên những điều thường nhật. Ơn gọi của các môn đệ nảy sinh chính trong cuộc chuyện vãn thân mật của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Ơn gọi vào sứ vụ Linh Mục và đời sống thánh hiên trước tiên là thành quả cuộc một cuộc tiếp xúc liên lỷ với Thiên Chúa hằng sống và của lời cầu nguyện tha thiết dâng lên "Chủ mùa gặt", trong các cộng đoàn giáo xứ, cũng như trong các gia đình Kitô, hoặc trong các nhóm cho ơn gọi.
Vào đầu đời sống công khai, Chúa đã gọi một số ngư phủ, đang chăm chú làm việc bên bờ hồ Galilea: "Hãy đến theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những người đánh cá người" (Mt 4,19). Ngài đã tỏ cho họ sứ mạng cứu thế qua nhiều "dấu lạ" chứng tỏ tình thương của Ngài đối với loài người và hồng ân từ bi của Chúa Cha; Ngài đã dạy họ bằng lời nói và bằng cuộc sống để họ sẵn sàng trở thành những người tiếp nối công trình cứu độ của Ngài; sau cùng, "khi biết đã đến giờ từ giã thế gian này về cùng Cha" (Ga 13,1), Ngài đã ủy thác cho họ nghi lễ tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Ngài, và trước khi được nâng lên Trời, Ngài đã sai họ đi khắp thế gian với mệnh lệnh: "Vậy các con hãy ra đi và làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ của Thầy" (Mt 28,19).
Ðó là một đề nghị có nhiều đòi hỏi và cũng đầy phấn khởi, đề nghị mà Chúa Giêsu đưa ra với những người mà Ngài nói: "Hãy theo tôi!": Ngài mời gọi họ đi vào tình bạn của ngài, lắng nghe kề cận Lời Ngài và sống với Ngài; Ngài dạy họ hiến thân tận tụy với Thiên Chúa và truyền bá Nước Ngài theo qui luật Tin Mừng: "Nếu hạt lúa, rơi xuống đất, mà không chết đi thì nó trơ trọi một mình; trái lại nếu nó chết đi, thì sinh nhiều bông hạt" (Ga 12,24); Ngài mời gọi họ hãy ra khỏi ý chí khép kín, khỏi ý tưởng tự mãn của họ để dấn mình vào một ý chí khác, là thánh ý Chúa và để cho ý Chúa hướng dẫn; Ngài làm cho họ sống một tình huynh đệ, nảy sinh từ thái độ hoàn toàn sẵn sàng đối với Thiên Chúa (Xc Mt 12,49-50) và trở thành một nét đặc biệt của cộng đoàn Chúa Giêsu: "Cứ dấu này mà mọi người biết các con là môn đệ của Thầy, đó là các con yêu thương nhau" (Ga 13,35).
Ngày nay cũng vậy, việc theo Chúa Kitô đòi hỏi nhiều cố gắng; có nghĩa là học cách luôn nhìn về Chúa Giêsu, nhận biết Ngài trong cuộc sống thân mật, lắng nghe Ngài qua Lời Chúa và gặp gỡ Ngài trong các bí tích; có nghĩa là học cách làm cho ý mình phù hợp với ý Chúa. Ðây thực là một trường đào tạo đích thực cho những người chuẩn bị thi hành sứ vụ linh mục và đời sống thánh hiến, dưới sự hướng dẫn của giáo quyền liên hệ. Trong mọi mùa của cuộc sống, Chúa không quên kêu gọi chia sẻ sứ mạng của Ngài và phụng sự Giáo Hội của Ngài trong thừa tác vụ thánh chức và trong đời sống thánh hiến, và Giáo Hội "được kêu gọi bảo tồn, quí chuộng và yêu mến hồng ân ấy: Giáo Hội có trách nhiệm về việc nảy sinh và tăng trưởng các ơn gọi linh mục" (G.P II, Tông Huấn hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Pastores davo vobis, 41). Ðặc biệt thời nay, tiếng nói của Chúa dường như bị bóp nghẹt vì "những tiếng nói khác" và đề nghị theo Ngài bằng cách hiến trọn cuộc sống dường như quá khó khăn, mỗi cộng đoàn Kitô, mỗi tín hữu, phải ý thức đảm nhận trách vụ cổ võ ơn gọi. Ðiều quan trọng là khích lệ và nâng đỡ những người tỏ ra có những dấu hiệu rõ ràng được gọi vào đời sống linh mục và đời sống tu trì, để họ cảm thấy sự nồng nhiệt của toàn thể cộng đoàn khi họ thưa "xin vâng" đối với Thiên Chúa và Giáo Hội. Chính tôi cũng khuyến khích họ như tôi đã làm với những người quyết định vào chủng viện và tôi đã viết cho họ: "Các con có lý khi làm như vậy, vì con người sẽ luôn cần đến Thiên Chúa, cả trong thời đại bị kỹ thuật thống trị thế giới và hoàn cầu hóa: họ cần đến vị Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong Ðức Giêsu Kitô và tập hợp chúng ta trong Giáo Hội hoàn vũ, để học cùng Ngài và nhờ Ngài được sự sống thực, và làm cho các tiêu chuẩn của nhân loại đích thực được hiện diện và hữu hiệu (Thư gửi các chủng sinh, 18-10-2010).
Ðiều cần thiết là mỗi Giáo Hội địa phương ngày càng phải nhạy cảm và quan tâm hơn đến việc mục vụ ơn gọi, giáo dục ở các cấp độ, gia đình, giáo xứ, hội đoàn, nhất là những người trẻ nam nữ, - như Chúa Giêsu đã làm với các môn đệ - để họ làm cho tình bạn chân thành và yêu thương của họ với Chúa được tăng trưởng, được vun trồng trong kinh nguyện bản thân và phụng vụ, học cách chăm chú lắng nghe Lời Chúa một cách hiệu quả, ngày càng làm quen với Kinh Thánh; cần giúp họ hiểu rằng việc sống theo thánh ý Chúa không hề hủy hoại và không phá hủy con người, nhưng giúp con người khám phá và theo đuổi sự thật sâu xa nhất về bản thân; sống tinh thần nhưng không và huynh đệ trong quan hệ với tha nhân, vì chỉ khi nào chúng ta cởi mở đối với tình yêu Thiên Chúa thì mới tìm được niềm vui đích thực và hoàn toàn làm cho những khát vọng của mình được mãn nguyện. "Ðề nghị ơn gọi trong Giáo Hội địa phương" có nghĩa là dùng một nền mục vụ ơn gọi ân cần và thích hợp để chỉ dẫn con đường theo Chúa Kitô với tất cả những cố gắng và đòi hỏi đi kèm. Con đường này có ý nghĩa phong phú và có thể bao trùm trọn cuộc sống".
Anh em thân mến trong hàng Giám Mục, tôi đặc biệt ngỏ lời với anh em. Ðể sứ mạng cứu độ của anh em trong Chúa Kitô được tiếp tục và phổ biến, điều quan trọng là "gia tăng tối đa các ơn gọi linh mục và tu sĩ, đặc biệt là các ơn gọi thừa sai" (Christus Dominus, 15). Chúa đang cần sự cộng tác của anh em để những lời kêu gọi của Ngài đi tới tâm hồn những người mà Ngài tuyển chọn. Anh em hãy quan tâm chọn những người hoạt động trong Trung Tâm ơn gọi của giáo phận, là phương tiện quí giá để cổ võ và tổ chức việc mục vụ ơn gọi, cũng như cổ võ việc cầu nguyên để nâng đỡ việc mục vụ ơn gọi và bảo đảm hiệu năng của công tác này. Anh em Giám Mục thân mến, tôi cũng muốn nhắc nhở anh em lo lắng cho Giáo Hội hoàn vũ qua việc phân phối đồng đều các linh mục trên thế giới. Thái độ sẵn sàng này là một phúc lành cho chính cộng đoàn giáo phận của các Giám Mục ấy và là một chứng tá đối với các tín hữu về sứ vụ tư tế, quảng đại cởi mở đối với các nhu cầu của toàn thể Giáo Hội".
Công đồng chung Vatican 2 đã nhắc nhở rõ ràng rằng "nghĩa vụ làm gia tăng ơn gọi linh mục là điều thuộc về toàn thể cộng đoàn Kitô. Cộng đoàn có nghĩa vụ chu toàn công tác này nhất là bằng đời sống Kitô hoàn hảo" (Optatam totius, 2). Vì thế, tôi muốn gửi lời chào huynh đệ đặc biệt và khích lệ đến những người đang cộng tác bằng nhiều cách với các linh mục trong các giáo xứ. Ðặc biệt tôi ngỏ lời với những người có thể đóng góp phần của mình cho việc mục vụ ơn gọi: các Linh Mục, các gia đình, giáo lý viên, các linh hoạt viên. Với các Linh Mục, tôi nhắn nhủ các vị hãy có khả năng làm chứng về sự hiệp thông với Ðức Giám Mục và các anh em Linh Mục khác, tạo nên một môi trường thuận lợi sinh động giúp nảy sinh các ơn gọi Linh Mục. Các gia đình hãy để cho "tinh thần đức tin, cậy, mến và lòng đạo đức linh hoạt" (ibid.), có khả năng giúp con cái quảng đại đón nhận ơn gọi Linh Mục và đời sống thánh hiến. Các giáo lý viên, cũng như các linh hoạt viên của các hội đoàn Công Giáo và phong trào Giáo Hội hãy giúp chăm sóc người trẻ được ủy thác cho mình làm sao để họ khám phá ra ơn gọi của Chúa và hăng hái bước theo ơn gọi ấy.
Anh chị em thân mến, sự dấn thân của anh chị em trong việc cổ võ và chăm sóc ơn gọi được ý nghĩa sung mãn và có hiệu năng về mục vụ khi được thực hiện trong sự hiệp nhất với Giáo Hội và nhắm phục vụ tình hiệp thông. Chính vì thế, mỗi lúc trong đời sống cộng đoàn Giáo Hội - khi giảng dạy giáo lý, các cuộc gặp gỡ huấn luyện, cầu nguyện phụng vụ, hành hương tại các đền thánh, là một cơ hội quí giá để khơi dậy trong Dân Chúa, đặc biệt nơi những người nhỏ bé nhất và người trẻ, ý thức mình thuộc về Giáo Hội và trách nhiệm phải đáp lại ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến, được thực hiện trong sự chọn lựa tự do và ý thức.
Khả năng vun trồng ơn gọi chính là dấu hiệu đặc biệt chứng tỏ sức sinh động của một Giáo Hội địa phương. Chúng ta hãy tín thác và nài nỉ khẩn cầu ơn phù trợ của Ðức Trinh Nữ Maria, để nhờ tấm gương của Mẹ đón nhận kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và nhờ lời chuyển cầu hiệu nghiệm của Mẹ, giữa lòng mỗi cộng đoàn đều có sự sẵn sàng thưa "xin vâng" đối với Chúa là Ðấng luôn kêu gọi những người thợ mới vào làm việc trong mùa gặt của Ngài. Với lời cầu chúc ấy, tôi thành tâm ban Phép Lành Tòa Thánh cho tất cả mọi người.
Vatican ngày 15 tháng 11 năm 2010
Biển Ðức 16, Giáo Hoàng
G. Trần Ðức Anh OP chuyển ý
(Radio Vatican)