Phong trào chống Giáo Hội Công Giáo
tại Ðức và Italia thời Phục Hưng
Phong trào chống Giáo Hội Công Giáo tại Ðức và Italia thời Phục Hưng.
Vatican (Vat. 15/02/2011 & Avvenire 8-12-2010) - Một số nhận định của ông Manuel Borutta, giáo sư sử học người Ðức về các lựa chọn chống giáo sĩ trong thời Phục Hưng của Âu châu.
Trong các tháng qua Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã mạnh mẽ tố cáo các vụ bách hại các tín hữu Kitô đó đây trên thế giới, và khuynh hướng bài Kitô giáo trong chính các quốc gia âu châu có nền văn hóa Kitô. Phong trào tục hóa và chủ trương duy đời cực đoan ngày càng lan tràn tại Âu châu khiến cho các giới lãnh đạo chính trị của đại lục này không chỉ thờ ơ với Kitô giáo, mà còn tìm mọi cách gạt bỏ Kitô giáo ra khỏi cuộc sống xã hội nữa. Nhân danh nguyên tắc tách rời tôn giáo và nhà nước, họ muốn bịt miệng không cho Giáo Hội lên tiếng về các vấn đề của con người và của xã hội. Nhân danh chủ nghĩa duy đời cực đoan và sự tôn trọng đối với tín hữu các tôn giáo khác hay đối với những người vô tín ngưỡng, họ cấm các ngày lễ và các biểu tượng tôn giáo trong đời sống công cộng.
Trong diễn văn nói trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh ngày 10 tháng 1 năm 2011 nhân dịp chúc mừng năm mới, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã than phiền rằng tại Tây Âu hiện nay người ta có xu hướng coi tất cả mọi tôn giáo như một nhân tố không quan trọng và xa lạ với xã hội tân tiến. Thậm chí họ còn coi tôn giáo là một yếu tố làm mất sự ổn định, và người ta dùng nhiều phương thế khác nhau để ngăn cản mọi ảnh hưởng của tôn giáo trong đời sống xã hội, đến độ đòi hỏi các tín hữu Kitô không được tham chiếu các xác tín tôn giáo và luân lý khi thi hành nghề nghiệp của họ, như buộc các bác sĩ y tá và nhân viên y tế cũng như một số luật sư không được nại vào quyền phản kháng lương tâm.
Trong cuốn sách tựa đề "Chống Công Giáo. Ðức và Italia trong thời đấu tranh văn hóa âu châu", ông Manuel Borutta, giáo sư sử học người Ðức tại đại học Koeln, cho rằng các lựa chọn bài giáo sĩ trong thời Phục Hưng khá giống với các lựa chọn do thủ tướng Otto van Bismarck của Ðức đề ra. Ðó là dùng các phương tiện truyền thông, chính trị và tôn giáo để miêu tả Giáo Hội Công Giáo như là "mọi rợ, chậm tiến và xa lạ với tinh thần của thời tân tiến". Ðây là cuốn sách đầu tiên so sánh một cách sâu rộng cuộc đụng độ giữa thế giới công giáo và thế giới tự do trong thế kỷ XIX tại hai nước Ðức và Italia.
Otto van BIsmarck làm thủ tướng Ðức trong các năm 1871-1879, là người đã phát động phong trào đấu tranh văn hóa "Kulturkampf" chống Giáo Hội Công Giáo, vì coi nó là một đe dọa đối với sự hiệp nhất của đế quốc Ðức. Sau một loạt các khiêu khích ngày càng gia tăng, sự xung khắc bùng nổ hồi tháng 7 năm 1871. Ít lâu sau khi bộ nội vụ nhóm họp, thủ tướng Bismarck đã ra lệnh bắt giam hầu hết các Giám Mục Phổ. Vào tháng 11 cùng năm ông cấm các Linh Mục phát biểu về các vấn đề chính trị trong các bài giảng. Tháng 2 năm 1872 mọi trường học đều bị nhà nước kiểm soát nghiêm ngặt. Vào tháng 6 cùng năm các tu sĩ bị sa thải, không được dậy học nữa. Vào tháng 12 năm đó Dòng Tên bị Nhà Nước Ðức hủy bỏ, và các tương quan với Tòa Thánh bị cắt đứt. Tháng 5 năm 1873 chính quyền của thủ tướng Otto van Bismarck hạn chế sự tự do và tự trị của các giáo phận và dòng tu toàn nước Ðức. Trong các năm tiếp theo bầu khí ít nóng bỏng hơn, dẫn đến các Luật làm hòa, được công bố giữa các năm 1876-1877. Và biến cố Ðức Lêo XIII được bầu làm Giáo Hoàng năm 1878 góp phần vào việc giảm bớt căng thẳng trong tương quan giữa Giáo Hội và Nhà Nước.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Manuel Borutta, giáo sư sử học người Ðức, về các lựa chọn chống giáo sĩ trong thời Phục Hưng của Âu châu. Giáo sư Borutta hiện dậy môn sử ký tại đại học Koeln bên Ðức.
Hỏi: Thưa giáo sư Borutta, có thể nói rằng trong thời Phục Hưng, những gì đạo Công Giáo tại Italia đã phải gánh chịu, cũng là một cuộc đấu tranh văn hóa đích thực hay không? Nhưng đây lại là điều đã luôn luôn bị ngành sử học Italia phủ nhận hay bị lượng định trở lại, như giáo sư khẳng định trong nghiên cứu của giáo sư?
Ðáp: Vâng, nó đã là như thế. Cuộc đấu tranh văn hóa đã là một hiện tượng toàn cầu liên quan tới nhiều vùng rộng lớn tại Âu châu cũng như bên châu Mỹ Latinh.
Phân tích cho cùng thì đó là một cuộc đụng độ liên quan tới vai trò và ý nghĩa của tôn giáo trong thời đại tân tiến. Sự kiện cuộc đụng độ hầu như bị hoàn toàn quên lãng tại Italia trong các chi tiết của nó, có nhiều lý do.
Một trong các lý do đó là Vấn đề Roma, duy nhất trong thứ loại của nó, đã che lấp các vấn đề hay các biến cố khác chung cho cả hai nước Italia và Ðức. Lý do thứ hai đó là sau năm 1870 nhiều người Italia theo khuynh hướng tự do đã củng cố sự độc lập và chuyên biệt của họ đối với cuộc đấu tranh văn hóa Ðức Phổ, để nhấn mạnh hoạt động hòa hoãn của họ. Và như thế đấu tranh văn hóa đã bị giản lược thành một đặc tính đức phổ, nảy sinh từ một sáng kiến cá nhân của thủ tướng Bismack, và không thể chuyển sang cho Italia như là phạm trù được. Như thế phần đóng góp tự do cho cuộc đấu tranh văn hóa Ðức và các xung khắc có trước tại Italia đã được bỏ sang một bên.
Hỏi: Bạo lực của phong trào chống Giáo Hội Công Giáo tại Ðức có mạnh mẽ hơn là tại Italia hay không thưa giáo sư?
Ðáp: Trong cả hai nước đều đã có các cuộc đụng độ bạo lực giữa tín hữu công giáo và những người chống công giáo. Ngoài sự kiện trong cả hai nước đều đã xảy ra chiến tranh chống lại các quyền lực công giáo như Áo, Pháp và Nước Tòa Thánh, và một phần chúng được hiểu như là các chiến dịch chống công giáo. Tuy vậy, cuộc chiến đấu văn hóa đã khiến cho ít người bị chết, vì nó đã được thực hiện trên bình diện truyền thông, chính trị và tôn giáo.
Hỏi: Từ phía những người theo khuynh hướng tự do việc tấn công Giáo Hội đã luôn luôn được trình bầy như là sự cần thiết phải loại bỏ một chướng ngại ngăn cản sự hiệp nhất của Italia, hay ngăn cản việc tân tiến hóa nước Ðức. Trái lại trong cuộc đấu tranh văn hóa Ðức thành kiến tôn giáo và sự thù nghịch đối với Giáo Hội Công Giáo đã có sức nặng nào thưa giáo sư?
Ðáp: Bên Ðức việc đồng hóa Tin Lành với quốc gia và sự tân tiến đã có vai trò quan trọng. Người ta đã có các tâm tình mạnh mẽ chống lại Công Giáo, bắt nguồn từ thời Cải Cách. Bên Italia, trái lại, đa số những người theo khuynh hướng tự do nhắm tới việc cải cách đạo Công Giáo hơn là hủy bỏ nó. Họ chỉ đại điện cho một sự giải thích khác với đạo Công Giáo và với hàng lãnh đạo Giáo Hội. Tuy nhiên, với Cánh Tả chính trị họ đã chiếm đựơc một ảnh hưởng trên chính quyền và các đường lối chính trị cũng như trên các lực lượng có khuynh hướng triệt để và bài tôn giáo hơn, nhất là các lực lượng duy thực nghiệm. Và trong khung cảnh đó, thì từ khuynh hướng bài giáo sĩ người ta tiếp tục bước sang khuynh hướng chống lại Giáo Hội Công Giáo. Sự hiếu chiến của các lực lượng cấp tiến hướng tới chỗ chống giáo sĩ công giáo và chống lại các hình thái đặc biệt của lòng đạo đức công giáo, chứ không chống lại giới giáo sĩ và niềm tin của các tôn giáo khác. Trong nghĩa này, khuynh hướng bài giáo sĩ tại Italia đã là khuynh hướng chống lại Giáo Hội Công Giáo.
Hỏi: Giáo sư đã nghiên cứu vai trò mà giới truyền thông thời đó đã có trong việc khích động sự thù nghịch đối với Giáo Hội Công Giáo, tại Ðức cũng như tại Italia. Ðâu là các đề tài đã được giới truyền thông sử dụng nhiều nhất?
Ðáp: Giới truyền thông thời đó sử dụng nhiều đề tài khác nhau để kích thích sự thù nghịch đối với Giáo Hội Công Giáo: từ âm mưu xuyên quốc của các tu sĩ dòng Tên cho tới chủ trương sống ăn bám và cuộc sống hưởng thụ của các nam tu sĩ, từ các khổ đau của các nữ tu bị nhốt trong tu viện cho tới việc điều kiện hóa cuộc sống tinh thần của dân chúng, của nữ giới và trẻ em, cho tới việc xưng tội như là sự vi phạm chuyện thân thiết kín đáo riêng tư của hôn nhân và sự độc lập của gia đình. Một cách đặc biệt thích hợp với chiến dịch tạo ra các gương mù gương xấu là các vi phạm luật độc thân của các linh mục. Nói chung Giáo Hội được giới thiệu như là một guồng máy của lệnh truyền và vâng lời hoàn toàn hữu hiệu. Các tu viện được miêu tả như là các tổ tội phạm và sự thối nát.
Hỏi: Giáo sư đã phân tích việc định hướng Giáo Hội Công Giáo tại Ðức hay việc coi Công Giáo như là một yếu tố "mọi rợ" và "chậm tiến", đông phương và xa lạ với tinh thần của sự tân tiến. Làm sao có thể khẳng định được quan điểm này, khi các vùng có truyền thống công giáo sâu đậm nhất như Baden và Bavière ngày nay lại là các bang phát triển kỹ nghệ tân tiến và giầu nhất nước Ðức, và chắc chắn chúng cũng đã như thế ngay hồi thế kỷ XIX?
Ðáp: Thật ra, vào thế kỷ XIX miền Nam Ðức đã ít được kỹ nghệ hóa hơn miền Bắc. Tuy nhiên, các lý do sâu xa của việc "đông phương hóa" Giáo Hội Công Giáo tại Ðức là nơi tri giác tin lành về sự khác biệt công giáo, được cảm thấy như là một cái gì ngoại quốc và yếu kém hơn về mặt văn hóa. Ðây lá môt tri giác bắt nguồn từ các tín hữu tin lành tự coi là được soi sáng thuộc miền Bắc nước Ðức. Nó đã được óc phê bình kiểu Hegel gắn liền với chủ thuyết thơ mộng, được những người thuộc khuynh hướng dân chủ và tự do biến thành của riêng, và sau cùng qua nền luân lý đạo đức tin lành của Max Weber vào thế kỷ XIX nó đã bước vào trong việc tự ý thức của óc tân tiến tây phương.
Hỏi: Giáo sư đã viết rằng nước Thụy Sĩ là yếu tố nối liền hai cuộc đấu tranh văn hóa: cuộc đấu tranh văn hóa Ðức với cuộc đấu tranh văn hóa Italia. Liên Bang Thụy Sĩ đã nắm giữ vai trò nào thưa giáo sư?
Ðáp: Thụy Sĩ đã là một loại phòng thí nghiệm, qua rất nhiều tương quan cá nhân và trao đổi văn hóa với Ðức và Italia. Ý niệm về cuộc đấu tranh văn hóa nảy sinh hồi năm 1840 nhằm miêu tả cuộc đấu tranh giữa tín hữu công giáo tự do thụy sĩ và các cơ quan trung ương Tòa Thánh. Tại Genève, ông Cavour hồi đó còn trẻ, đã tìm ra các lý do của sự linh hứng cho công thức ảo thuật của ông: "Giáo Hội tự do trong quốc gia tự do". Sau năm 1850 thẩm phán Johann Caspar Bluntschli người Zurich, cung cấp hướng đi cho các cuộc đấu tranh văn hóa trong các vùng Baden, Bavière, Phổ và Ðức nói chung.
Ông Attilio Brunialti, học giả nghiên cứu luật người Torino và là dân biểu trong suốt 6 nhiệm kỳ, đã lấy lại mô thức của Bluntschli của một quốc gia "nam tính" và của một Giáo Hội "nữ tính", bao hàm việc tách rời hai lãnh vực theo luật trưởng giả tách biệt nam nữ. Nhưng nước Pháp cũng góp phần ảnh hưởng của mình, chẳng hạn với các tiểu thuyết và các sách bài hàng giáo sĩ của Diderot, Michelet và Sue, hay với các châm biếm hài hước của Grandville. Việc nghiêm cứu các tương quan của các cuộc đấu tranh văn hóa của các nước khác nhau mới chỉ ở bước khởi đầu mà thôi.
(Avvenire 8-12-2010)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)