Giáo hội Công giáo tại Ukraine

và mối quan hệ giữa Công giáo

và Chính thống Nga

 

Giáo hội Công giáo tại Ukraine và mối quan hệ giữa Công giáo và Chính thống Nga.

Nga [CNS 10/2/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Việc bầu chọn một vị Tổng giám mục cho Giáo hội Công giáo tại Ukraine sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc cải thiện mối quan hệ giữa Giáo hội Chính thống Nga và Giáo hội Công giáo cũng như mở ra viễn ảnh của một cuộc gặp gỡ giữa Ðức thánh cha Benedicto XVI và Ðức thượng phụ Chính thống Mascova.

Hôm 10 tháng 2 năm 2011, Ðức thánh cha đã chính thức chấp thuận đơn từ chức của Ðức hồng y Lubomyr Husar, Tổng giám mục Kiev Halych, giáo chủ Giáo hội Công giáo Ukraine. Chỉ còn một tuần lễ nữa, vị Hồng y này sẽ mừng sinh nhựt thứ 78. Hiện ngài đang hầu như mù lòa và xin được từ chức mặc dù trên nguyên tắc, ngài có thể làm giáo chủ của Giáo hội Công giáo Ukraine mãn đời.

Trong vòng hai tháng nữa, 45 Giám mục Công giáo từ Ukraine và nhiều nước khác ở Âu Châu, Bắc và Nam Mỹ cũng như Úc đại lợi sẽ gặp nhau để bầu người kế vị Ðức hồng y Husar. Trước khi nhậm chức, vị tân Tổng giám mục cần phải được Ðức thánh cha chuẩn nhận.

Giáo hội Công giáo Ukraine là Giáo hội đông phương lớn nhứt hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo và đóng vai trò quan trọng trong các quan hệ đại kết giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội đông phương. Hiện nay Giáo hội này có khoảng 6 triệu rưởi tín hữu.

Khi Ukraine còn là một phần của Liên Xô, Giáo hội Công giáo tại đây đã bị cưỡng bách sát nhập vào Giáo hội Chính thống Nga và trở thành bất hợp pháp. Trong 45 năm dưới chế độ cộng sản, công cuộc tranh đấu dành độc lập của người Ukraine và việc đòi hỏi tự do tôn giáo cho người Công giáo Ukraine thường đi đôi với nhau. Sau năm 1991, nền dân chủ của nước này gia tăng cùng một lúc với công cuộc tái thiết Giáo hội tại đây.

Tuy nhiên, với việc hồi phục tự do tôn giáo, nhiều người trước kia bị buộc phải gia nhập Chính thống giáo nay quyết định quay trở về với cội nguồn của mình trong Giáo hội Công giáo. Các tài sản của Giáo hội bị chính phủ tịch thu hay được chính phủ trao cho Giáo hội Chính thống nay cũng được người Công giáo đòi lại. Cuộc tranh chấp về tài sản này đôi khi cũng tạo ra bạo động giữa Công giáo và Chính thống.

Trên căn bản, kể từ năm 1991, Giáo hội Chính thống Nga, trước kia vốn tiên phong trong việc tìm về hiệp nhứt Kitô giáo, nay tuyên bố rằng không thể chấp nhận có một cuộc gặp gỡ giữa Ðức thượng phụ Kyrill và Ðức thánh cha Benedicto XVI bao lâu những căng thẳng giữa Công giáo và Chính thống tại Ukraine chưa được giải quyết.

Một viên chức Vatican vốn thành thạo về tình trạng đại kết tại Ukraine nói với hãng thông tấn Công giáo Hoa Kỳ CNS hôm 10 tháng 2 năm 2011 rằng mối quan hệ giữa Công giáo và Chính thống "hiện là tốt đẹp, mặc dù đôi khi cũng có một vài căng thẳng".

Mối quan tâm chính hiện nay là những căng thẳng giữa các Giáo hội Chính thống tại Ukraine và ảnh hưởng của ông Viktor Yanukovych, người đắc cử tổng thống cách đây một năm và là thành viên của Giáo hội Chính thống Ukraine hiệp thông với Tòa thượng phụ Mascova. Tổng thống Yanukovych là người muốn đẩy mạnh các quan hệ chính trị và kinh tế với Nga. Việc ông ủng hộ sự hiệp thông của Giáo hội Chính thống Ukraine với Giáo hội Chính thống Nga đã làm gia tăng các mối căng thẳng giữa những người Chính thống trung thành với Tòa thượng phụ Mascova và những người chủ trương một Giáo hội Chính thống độc lập tại Ukraine.

Tưởng cũng nên biết hiện có ba Giáo hội Chính thống tại Ukraine: một Giáo hội độc lập, một Giáo hội muốn trực thuộc vào Tòa thượng phụ Mascova và một Giáo hội có chủ trương tách khỏi Mascova.

Viên chức Tòa thánh chuyên về các mối quan hệ giữa Công giáo và Chính thống Nga nhận định rằng "những vấn đề nội bộ của Giáo hội Chính thống đã ảnh hưởng đến sự thay đổi chính trị tại Ukraine và gia tăng các mối căng thẳng giữa Công giáo và Chính thống".

Theo viên chức này, trong những năm vừa qua, mặc dù mối quan hệ giữa Chính thống và Công giáo chưa đạt được những bước tiến khả quan, nhưng ít ra cũng không làm những bước thụt lùi.

Các quan sát viên cho rằng sự lãnh đạo của Ðức hồng y Husar là lý do chủ yếu khiến các mối căng thẳng giữa Công giáo và Chính thống không gia tăng. Các quan sát viên cũng ca ngợi những nỗ lực của vị Hồng y này trong việc tranh đấu cho quyền và phẩm giá của các Giáo hội Công giáo đông phương.

Cha Borys Gudziak, viện trưởng Ðại học Công giáo Ukraine tại Lviv nói rằng các chính sách của tổng thống Yanukovych đã nhận chìm Ukraine vào một cuộc khủng hoảng chính trị và nhiều người đã tỏ ra sững sốt trước việc đức hồng y Husar, nhà lãnh đạo tinh thần có uy tín nhứt trong xứ sở, lại nộp đơn xin từ chức vào lúc này.

Cha Gudziak đưa ra nhận xét: về mặt Giáo hội, dường như chính phủ Ukraine đang tiến tới một mô thức "Giáo hội quốc giáo" theo kiểu Nga. Cha cho biết: tổng thống Yanukovych đã nhiều lần gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Chính thống hiệp thông với Tòa thượng phụ Mascova và Giáo hội Chính thống Ukraine đã bày tỏ quan ngại về việc chính phủ đứng ra chuyển nhượng ba giáo xứ dưới quyền tài phán của mình cho Giáo hội liên kết với Tòa thượng phụ Mascova.

Từ quan điểm này, theo cha Gudziak, Giáo hội Công giáo Ukraine cần phải bầu chọn một người kế vị Ðức hồng y Husar có khả năng giữ cho người Công giáo Ukraine được hiệp nhứt với nhau và thăng tiến hiệp nhứt Kitô giáo.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page