Giáo hội tại Phi Châu
và tương lai của Kitô giáo
Giáo hội tại Phi Châu và tương lai của Kitô giáo.
Phi Châu [Zenit 13/2/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình truyền hình "Nơi Thiên Chúa khóc" do tổ chức "trợ giúp các Giáo hội đau khổ" tài trợ, Ðức cha Kieran O'Reilly, Giám mục Killaloe, Ái nhĩ lan, đã nói đến tình hình Giáo hội tại Phi Châu và vai trò của Giáo hội này đối với Giáo hội hoàn vũ.
Ðức cha O'Reilly đã được tấn phong Giám mục Killaloe dạo tháng 8 năm 2010. Ngài đã từng là bề trên tổng quyền của Hội Thừa Sai Phi Châu trong vòng 10 năm. Hội Thừa Sai Phi châu đã hoạt động tại lục địa này trong hơn 150 năm qua. Công giáo đã gia tăng rất nhanh tại Phi Châu: năm 1900, trên toàn lục địa chỉ có khoảng một triệu hai trăm ngàn tín hữu, nay con số này lên đến 140 triệu người.
Là một nhà truyền giáo hiểu biết nhiều về lục địa Phi Châu, Ðức cha O'Reilly giải thích rằng việc gia tăng con số tín hữu tại lục địa này là một ơn cao cả của Chúa. Nhưng theo Ðức cha, lý do chính khiến con số tín hữu gia tăng tại Phi châu chính là kể từ khi dành được độc lập từ 40 đến 50 năm qua, lục địa này đã có một sự phát triển đô thị rất nhanh. Với sự phát triển đô thị, nhiều người đã rời bỏ làng mạc để tìm đến các thành phố và hội nhập tức khắc vào các cơ cấu của đời sống Giáo hội trong các đô thị. Nhờ tinh thần gắn bó với làng mạc, những người mới đến các đô thị luôn tìm cách liên lạc với người đồng hương. Do đó, mặc dù di chuyển chỗ ở, họ vẫn giữa liên lạc với nơi xuất xứ của mình. Theo Ðức cha Reilly, việc bành trướng của Giáo hội tại Phi Châu cũng gắn liền với việc tăng trưởng xã hội. 90 phần trăm dân số Phi Châu hiện ở vào lứa tuổi dưới 24. Ðức cha Reilly nói rằng đây là một thách đố lớn đối với Giáo hội.
Ðức cha cựu bề trên tổng quyền Hội Thừa Sai Phi Châu nói rằng lúc còn làm việc tại những thành phố lớn như Kinshasa, Lagos, Abidjan, Nairobi hay những thành phố khác, ngài rất ngạc nhiên về con số giới trẻ đếm không xuể, nhứt là các học sinh trung học và kế đó là những người tốt nghiệp đại học nhưng không có việc làm.
Do đó, một trong những việc làm chính của Giáo hội là phải xây cất trường học. Cứ bên cạnh một nhà thờ là một trường học. Nhưng ngày nay, vì son số trẻ em cấp sách đến trường ngày càng đông, cho nên Giáo hội địa phương không thể tự mình đáp ứng nhau cầu. Chính vì vậy mà Giáo hội luôn xin các tổ chức từ thiện ngoại quốc như "Trợ giúp các Giáo hội đau khổ" chẳng hạn tài trợ các phương tiện.
Năm 2005, có 3 nước Phi Châu được xếp vào danh sách những nước Công giáo lớn nhứt thế giới. Ba nước đó là Uganda, Congo và Nigeria. Ðược hỏi: liệu Giáo hội tại Phi Châu có phải là tương lai của Công giáo không, Ðức cha O'Reilly nói rằng đây là một câu hỏi khó trả lời. Theo ngài, một phần lớn của tương lai Công giáo sẽ nằm tại Phi Châu, do đó Giáo hội cần phải ý thưc về thực tại Phi Châu trong lòng Giáo hội. Giáo hội Phi Châu không quá xa Roma. Chỉ cần vượt qua Ðịa Trung Hải là tới Roma.
Nói về đức tin của người dân Phi Châu, Ðức giám mục Killaloe nói rằng người dân Phi Châu ý thức về sự hiện hữu của Chúa, về con người của Chúa Giêsu trong cuộc sống của họ; Kitô giáo có thể học hỏi những giá trị phong phú của nền văn hóa hóa Phi Châu như sự tương trợ, lòng quảng đại. Ðức cha O'Reilly đặc biệt nhấn mạnh đến tinh thần tính hiếu khách, tinh thần chia sẻ của các tín hữu Kitô Phi Châu.
Một trong những điểm yếu trong đời sống Công giáo tại Phi Châu là người ta không mau mắn đương đầu với những vấn đề môi sinh. Ngoài ra một trong những vấn đề lớn của lục địa này là nạn tham nhũng. Ðức cha O'Reilly nói rằng tham nhũng trong xã hội là một căn bệnh khủng khiếp tạo ra vô số thiệt hại cho tế bào xã hội. Nhưng người lương thiện, có khả năng, không thể tìm được việc làm vì họ không chịu hối lộ. Toàn bộ cơ cấu quyền hành đều xây dựng trên tham nhũng và hối lộ. Giáo hội tìm cách chữa trị nhưng rất khó khăn bởi vì đây là một thói quen đã ăn rễ sâu trong nhiều văn hóa và thường lại được các công ty ngoại quốc đến khai thác tài nguyên thiên nhiên củng cố. Ðể có được những hợp đồng tốt, các công ty này không ngần ngại hối lộ.
Nhưng theo đức cha O'Reilly, thách đố lớn nhứt đối với Giáo hội tại Phi Châu chính là sự gia tăng nhanh chóng của Hồi giáo. Hiện nay cứ 3 người Phi Châu thì có một người tự nhận là Hồi giáo. Thách đố lớn nhứt đối với các tín hữu Kitô là phải sống và làm việc bên cạnh người Hồi giáo. Ngay trước nhà thờ lại có một đền thờ Hồi giáo. Các tín hữu và người Hồi giáo làm việc chung trong một cánh đồng, cùng đi chung một chuyến xe buýt. Do đó, một trong những điều quan trọng nhứt là phải tôn trọng lẫn nhau: tôn trọng những giá trị của nhau để khám phả ra những giá trị chung và cùng nhau tìm kiếm điều thiện và công bình..
Theo đức cha O'Reilly, một trong những nguy cơ thường thấy trong Hồi giáo lẫn Kitô giáo là trong tôn giáo nào cũng có những thành phần cực đoan tìm cách khai thác tôn giáo vào những mục tiêu chính trị, xã hội hay kinh tế để tạo sự bất ổn cho một chính phủ hay toàn vùng.
Ðức cha nói rằng một trong những điểm tích cực đạt được trong 30 năm vừa qua là đã có những tiến bộ trong việc xích lại gần nhau giữa hai tôn giáo. Chẳng hạn như mới đây tại bang Bauchi ở Nigeria, đại diện của Giáo hội Công giáo và thủ lãnh Hồi giáo đã gặp nhau để trao đổi về các cuộc bạo động và tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề.
CV.