Giới trẻ trong cuộc nổi dậy

tại Ai cập

 

Giới trẻ trong cuộc nổi dậy tại Ai cập.

Ai cập [Asianews 7/2/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Cha Henry Boulad, giám đốc của Trung tâm văn hóa của dòng tên tại Alexandria và ký giả Soliman Chafik, đã gởi đến hãng thông tấn Asianews một bài phân tách về cuộc nổi dậy tại Ai cập.

Ðể giúp theo dõi tình hình tại nước này, chúng tôi xin được trích đọc bài nhận định của cha Boulad và ký giả Chafik.

Câu hỏi đầu tiên mà người ta thường nêu lên về cuộc nổi dậy tại Ai cập là: ai là người đứng đàng sau cuộc nổi dậy?

Theo cha Boulad và ký giả Chafik, không phải tổ chức "Huynh đệ Hồi giáo", cũng không phải cơ quan tình báo Mossad của Israel, Iran, Hoa kỳ hay bất cứ một thế lực bên ngoài nào, mà chính là dân chúng.

Nhưng cần phải xác định rằng dân chúng ở đây không phải là những kẻ thấp cổ bé miệng luôn sống trong sợ hãi và tùng phục, mà là một thành phần rất đặc biệt: đó là giới trẻ và đặc biệt giới trẻ tuổi từ 25 đến 35. Họ là những người vừa tốt nghiệp đại học và đang thất nghiệp, không nhà cửa và cũng không có một tương lai nào.

Vượt qua một nền giáo dục tàn bạo trong nhà trường, vượt qua những khẩu hiệu tôn giáo trống rỗng, vượt qua những khiên cưỡng xã hội và luân lý, những người trẻ này đang tìm kiếm cho mình con đường để mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của họ xuyên qua Internet, đặc biệt những trang mạng xã hội như YouTube, Facebook và Twitter.

Với đôi mắt và lỗ tai rộng mở, những người trẻ này ngày đêm tiếp thu, tiêu thụ mọi thứ tốt cũng như xấu mà thế giới cống hiến cho họ trên mạng lưới Internet. Những người trẻ này, mà một số theo học tại các trường quốc tế hay đại học Hoa kỳ ở Cairo, mơ ước đất nước cởi mở và hiện đại hóa.

Biết suy nghĩ và sẵn sàng đón nhận phê bình, chính những người trẻ này đã mơ ước, tổ chức và thực hiện cuộc cách mạng. Nhưng một khi cuộc cách mạng vừa hình thành, thì tổ chức "Huynh đệ Hồi giáo" đã tìm cách ăn có, biến thành cuộc cách mạng riêng của họ.

Do đó, chúng ta thấy một bên là giới trẻ, tác nhân thực sự của cuộc cách mạng và bên kia là tổ chức "Huynh đệ Hồi giáo" đang tìm cách "khai thác" cuộc cách mạng.

Ngoài ra, theo cha Boulad và ký giả Chalik, còn có một số thành phần khác ít hay nhiều có can dự đến cuộc cách mạng. Trước hết phải kể đến tổng thống Hosni Mubarak, là người mặc dù đã cầm quyền từ 30 năm nay và với tuổi cao sức yếu vẫn cố bám vào quyền lực. Kế đó là tập đoàn cầm quyền mà các tác giả cho là "tham nhũng", thu tóm trong tay hàng tỷ mỹ kim bất kể dân chúng có nghèo đói. Họ đang cảm thấy mất tất cả cho nên cố bám vào quyền lực hay thích nghi với tình hình. Theo các tác giả của bài nhận định, nếu không có nhóm người này, thì chắc chắn đám đông có võ trang đã không tấn công vào đoàn người biểu tình hôm 5 tháng 2 năm 2011.

Bên cạnh đám đông mù quáng được giới lãnh đạo trả tiền để đi biểu tình ủng hộ chính phủ này, còn có các doanh nghiệp, thương gia và tài chính là những người trong hằng bao năm qua đã hưởng ơn mưa móc từ chế độ độc tài. Chính họ là những người đã động viên đám đông mù quáng để đe dọa và tấn công đoàn người biểu tình ôn hòa.

Ngoài ra, cha Boulad và ký giả Chafik cũng nhắc đến một số nước ngoài thừa nước đục thả câu. Nhưng đây chỉ là một thiểu số nhỏ.

Ðược hai tác giả đề cao nhứt là quân đội Ai cập. Trong suốt hai tuần lễ qua, quân đội đã luôn giữ thế trung lập. Thật ra, theo nhận định của cha Boulad và ký giả Chafik, quân đội Ai cập đã đứng về phía dân chúng và chống lại tổ chức "Huynh đệ Hồi giáo". Nếu tổ chức này lên cầm quyền thì chắc chắn quân đội sẽ là lực lượng chống đối mạnh mẽ nhứt.

Bàn về vai trò của Giáo hội, linh mục Boulad và ký giả Chafik viết rằng người Công giáo gồm có hàng giáo phẩm, linh mục, tu sĩ và giáo dân giữ một sự thinh lặng "thận trọng" và tìm nơi trú ẩn trong các nhà thờ và các buổi cầu nguyện. Ðức hồng y Thượng phụ Giáo chủ Giáo hội Công giáo Copte Ai cập đã cho công bố một tuyên ngôn bày tỏ sự ủng hộ dành cho tổng thống Mubarak.

Về phần mình, Giáo hội Chính thống Copte, vốn chiếm đa số Kitô giáo tại tại Ai cập, lại bị chia rẽ hơn bao giờ hết. Ðức thượng phụ Shenouda III cũng đã ca ngợi tổng thống Mubarak và bảo đảm với ông về sự cầu nguyện của Giáo hội. Một số tín hữu Chính thống Copte, tôn trọng sự tách biệt giữa Giáo hội và nhà nước, cho rằng Ðức thượng phụ Shenouda III đã có thái độ thỏa hiệp. Họ nói rằng ngài nên có một lập trường trung lập hơn để sau này không bị tố cáo đã hợp tác với chế độ cũ.

Theo nhận định của cha Boulad và ký giả Chafik, nhìn chung, phần lớn các tín hữu Kitô, ngoài trừ một số nhà tranh đấu hay trí thức, đều giữ khoảng cách với các cuộc xung đột chính trị. Chính hàng giáo phẩm khuyến khích họ nên có thái độ này. Trong thực tế, họ phải sống trong sợ hãi và chờ đợi điều tệ hại nhứt sẽ xảy ra nếu tổ chức "Huynh đệ Hồi giáo" lên cầm quyền.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page