Sự sống còn của các tín hữu Kitô

tại Trung đông đối với Âu Châu

 

Sự sống còn của các tín hữu Kitô tại Trung đông đối với Âu Châu.

Trung đông [La Croix 1 & 3/2/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Hôm thứ Hai 31 tháng Giêng năm 2011, các vị bộ trưởng ngoại giao của Liên hiệp Âu châu đã không thỏa thuận được với nhau để đưa ra một tuyên ngôn chung về việc bảo vệ tự do tôn giáo trên thế giới. Một trong những điểm gây chia rẽ giữa các bộ trưởng ngoại giao Liên Âu chính là không nhắc đến các vụ tấn công mới đây nhắm vào các tín hữu Kitô tại Trung đông.

Dự thảo tuyên ngôn do Cao ủy của Liên Âu bên cạnh các bộ ngoại giao các nước Liên Âu là bà Catherine Ashton biên soạn. Trước khi diễn ra phiên họp của các bộ trưởng ngoại giao Liên Âu, bản dự thảo tuyên ngôn đã được 27 đại sứ Liên Âu thông qua.

Một trong những nhà ngoại giao rất tích cực trong việc thăng tiến tự do tôn giáo trên thế giới là bộ trưởng ngoại giao Ý, ông Franco Frattini, nói rằng "Âu Châu sẽ đánh mất sự "khả tín" của mình, bởi vì một tuyên ngôn về bạo động chống các nhóm tôn giáo thiểu số lại không dám nhắc đến dù chỉ một lần từ "Kitô".

Với sự ủng hộ của Pháp và Balan, bộ trưởng ngoại giao Ý đã cố gắng đưa vào tuyên ngôn một đoạn nói về những vụ tấn công mới đây nhằm vào các tín hữu Kitô tại Trung đông. Nhưng những cố gắng tu chính của bộ trưởng ngoại giao Ý đã gặp nhiều chống đối từ phía Anh quốc và một số nước Bắc Âu, nhứt là Thụy Ðiển, bởi vì các nước này cho rằng nhắc đến các cuộc bạo động chống Kitô giáo trong bản tuyên ngôn sẽ tạo ra "một cuộc xung đột giữa các nền văn minh".

Tựu trung, chính vì không đá động đến các cuộc bạo động nhắm vào các tín hữu Kitô, mà bản tuyên ngôn về việc bênh vực tự do tôn giáo trên thế giới của Liên Âu đã không được các bộ trưởng ngoại giao của khối thông qua.

Ðã có nhiều phản ứng về việc bản tuyên ngôn nói trên không được thông qua.

Riêng Ðức cha Antoine Audo, giám mục Alep thuộc nghi lễ Calde tại Syria, khẳng định rằng "nếu các tín hữu Kitô tại Ðông phương biến mất thì Tây phương cũng sẽ đánh mất những cội rễ của mình".

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhựt báo Công giáo Pháp "La Croix" hôm 3 tháng 2 năm 2011, Ðức cha Audo nói rằng Liên Âu cần phải lên tiếng với các nước Trung đông đang trải qua bất ổn. Theo ngài, chỉ cần đọc lại lịch sử về mối quan hệ giữa Âu Châu và Trung đông, về truyền thống trao đổi xung quanh châu thổ Ðịa Trung Hải để thấy được rằng Âu Châu cần phải lên tiếng.

Ðức giám mục Alep nói rằng "hơn bao giờ hết, sự đóng góp của Âu Châu luôn được người đông phương mong đợi". Và theo vị Giám mục này, Âu châu có thể đóng góp vào việc chuyển hóa các não trạng tại Ðông phương.

Ðức cha Audo nhắc tới bài giảng của Ðức thánh cha trong thánh lễ khai mạc Thượng hội đồng Giám mục thế giới đặc biệt về Trung đông dạo tháng 10 năm 2011. Trong bài giảng, Ðức thánh cha đã lấy lại ý niệm về "thế tục tích cực" do tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy đề ra. Theo Ðức cha Audo, ý niệm "thế tục tích cực" này không thể áp dụng cho Cận đông, bởi vì nó gợi lên một cái nhìn tách biệt giữa chính trị và tôn giáo. Nhưng trong văn hóa Á rập và Hồi giáo, đây là điều không thể chấp nhận được.

Ðức cha Audo cho biết: trong Thượng hội đồng Giám mục thế giới, thay vì ý niệm "thế tục tích cực", các vị nghị phụ nhấn mạnh đến "công dân tính", sự bình đẳng trước niềm tin tôn giáo và nghĩa vụ của nhà nước phải phục vụ mọi người. Các nghị phụ cũng khai thác ý niệm về phẩm giá con người. Ðây vốn là điều được văn hóa Á rập - Hồi giáo đón nhận. Và đây cũng chính là điều mà Âu Châu có thể giúp quảng bá tại Ðông phương.

Về ảnh hưởng của việc các tín hữu Kitô biến mất khỏi Ðông phương, Ðức cha Audo nói rằng "các tín hữu Kitô là một thành phần quan trọng của lịch sử các nước Trung đông. Họ đã có mặt tại đây từ hai ngàn năm qua. Cùng với người Hồi giáo, họ đã biết xây dựng những xã hội đặt nền tảng trên sự tôn trọng hổ tương. Do đó thật là đáng tiếc, đối với Iraq cũng như các nước khác trong vùng, nếu các tín hữu kito Á rập biến mất khỏi vùng này".

Theo Ðức giám mục Alep, văn hóa Á rập cũng là văn hóa Kitô giáo. Ðối với người Hồi giáo, các tín hữu Kitô đã luôn là một chiếc cầu nối về văn hóa, nhờ sự cởi mở, công tác dịch thuật nền triết lý Hy lạp. Vào thời Văn nghệ phục hưng, chính các tín hữu Kitô Á rập là những người đã nhào nặn từ "Á rập tính", nhờ đó cho phép giải thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Thổ.

Khước từ sự đóng góp phong phú này sẽ là điều vô cùng tai hại không những cho các tín hữu Kitô mà còn cho chính Hồi giáo nữa, bởi vì tôn giáo này đang làm mồi cho các cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Chỉ cần nhìn vào các cuộc bạo động diễn ra giữa hai hệ phái Sunni và Shiite để thấy rõ điều đó.

Riêng đối với một Tây phương ngày càng bị tục hóa, sự biến mất của các tín hữu Kitô tại Trung đông cũng là một tai hại lớn lao, bởi vì Tây phương sẽ đánh mất chính những cội rễ lịch sử và địa lý của mình. Do đó, theo Ðức cha Audo, cần phải bảo vệ nền văn hóa của tôn trọng và đối thoại này.

Ðức cha Audo nói đến kinh nghiệm bản thân của ngài tại Syria. Ngài cho biết: tại nước này, người Hồi giáo và các tín hữu Kitô đã có một truyền thống lâu dài về sống chung với nhau. Ngày 1 tháng Giêng năm 2011, nhân ngày thế giới cầu nguyện cho hòa bình, ngài đã mời đại giáo trưởng Hồi giáo Syria đến nhà thờ chính tòa giáo phận Alep.

Ðược hỏi: liệu các tín hữu Kitô có thể biến mất khỏi Trung đông không, Ðức cha Audo nói: "Nói bạo động tiếp diễn, nếu không đặt ra những giới hạn cho một số khuynh hướng cực đoan của Hồi giáo, thì đây là điều đáng lo ngại. Khả năng kháng cự của chúng tôi có giới hạn".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page