Các thành công của việc
dùng các tế bào gốc trưởng thành
để chữa bệnh
Các thành công của việc dùng các tế bào gốc trưởng thành để chữa bệnh.
Các tế bào gốc trưởng thành và các tiến bộ trong việc chữa trị các bệnh nan y.
Roma (Avvenire 9-1-2011) - Trong năm 2010 thế giới y khoa đã ghi nhận một số thành qủa liên quan tới việc sử dụng các tế bào gốc trưởng thành để chữa trị một số bệnh nan y. Mặc dù còn đang rất thận trọng, nhưng các nhà nghiên cứu đã bắt đầu áp dụng cho con người, sau thời gian thử nghiệm trên súc vật.
Khả thể vẽ bản đồ các hệ di truyền "genom" riêng rẽ mở đường cho một loại "y khoa nhân cách hóa", trong khi việc trị liệu di truyền bắt đầu được trải rộng ra cho cả các chứng bệnh khác nữa.
Trước hết cần phải xác định ý nghĩa của một vài từ vựng liên quan tới các tế bào gốc. Các tế bào gốc là các tế bào không chuyên biệt có thể biến đổi trong bất cứ loại tế bào nào khác của cơ thể con người. Từ tình trạng "khởi đầu" không có nhiệm vụ chuyên biệt đó, chúng sẽ trở thành khác nhau trong nhiều cách thức. Chúng được gọi là các "tế bào gốc toàn năng - totipotenti", khi chúng có thể sinh ra các tế bào của toàn một cơ phận. Chúng được gọi là các "tế bào gốc đa năng - multipotenti", khi có thể biến thành nhiều loại tế bào khác nhau. Chúng được gọi là các "tế bào gốc độc năng - unipotenti", khi chỉ làm nảy sinh ra một loại tế bào xác định.
Các tế bào gốc phôi thai là các tế bào toàn năng, làm thành phôi thai trong các giai đoạn phát triển đầu tiên của nó.
Các tế bào gốc trưởng thành hay các tế bào của cơ thể là những tế bào đa năng và độc năng, được tìm thấy trong các mô của cơ phận trưởng thành hay trong máu của cuống rốn.
Các tế bào gốc trưởng thành "tái định hướng" là các tế bào giống các tế bào của phôi thai, nhưng được lấy từ các tế bào gốc trưởng thành được tái định hướng trên bình diện di truyền để trở lại tình trạng ban đầu.
Việc tái định hướng này theo tiến trình sau đây. Trước hết các tế bào gốc trưởng thành đa năng được lấy từ các tế bào trưởng thành khác nhau của chính các bệnh nhân, qua một tiến trình gọi là chương trình "tái hoạch định di truyền". Các bác sĩ lấy từ bệnh nhân một vài tế bào, từ một cho tới ba yếu tố di truyền tạo ra tính chất gốc được đưa vào trong các tế bào, qua một dụng cụ cho phép tháp các yếu tố di truyền này vào trong tế bào di truyền. Các tế bào bị thay đổi như thế bắt đầu phát triển để đạt tới một "tình trạng khai mào" giống như tình trạng của các tế bào của phôi thai.
Các chuyên viên phòng thí nghiệm theo dõi xem điều gì xảy ra cho tế bào đó trong tiến trình phát triển, và khi thấy xuất hiện vấn đề thì cần sửa chữa và tìm hiểu tại sao. Các tế bào đã được tái hoạch định này có thể tái khởi hành trong tiến trình phát triển của chúng, để có thể trở thành các tế bào chuyên môn trong mọi hướng. Qua việc nghiên cứu tế bào mẫu độc đáo này có thể nhận diện các can thiệp cần thiết phải thực hiện tại nhà thương. Với phương pháp này có thể có các tế bào "thích hợp" cho từng bệnh nhân, mà không có nguy cơ khước từ, bởi vì chúng phát xuất từ chính cơ phận của người bệnh.
Từ nhiều năm nay toán chuyên viên của bác sĩ Alfredo Gorio, giáo sư khoa dược học y khoa của đại học Milano, bắc Italia, nghiên cứu trường hợp chấn thương cột sống và các vết thương của tủy cột sống trên bình diện thần kinh và chấn thương thần kinh, bằng cách tìm hiểu phản ứng của chứng viêm thần kinh và đọng máu sau khi bị chấn thương, và phương cách chữa trị bằng các tế bào gốc. Việc nghiên cứu đã đạt các kết qủa khả quan. Sau khi chích các tế ào gốc trưởng thành vào óc chuột, 24 giờ đồng hồ sau khi chúng bị chấn thương, các chuyên viên nhận thấy 2/3 các tế bào gốc này xuống tới tủy và trong vòng 15 ngày chuột bắt đầu đi lại được, vì hai chân sau của chúng tái phục hồi khả năng cử động. Các chuyên viên đã minh nhiên được một loại tiểu tế bào, có khả năng chặn đứng một phần các tế bào ăn hại tủy và biến thành các tế bào thần kinh lành mạnh sửa chữa các tế bào bị thương. Tiếp đến các tế bào gốc này có khả năng chống cự trong môi trường nghèo nàn dưỡng khí này, nhờ việc điều hòa chất nội tiết "eritropoietina", giúp biến đổi ổn định thành các tế bào thần kinh, và khiến cho hiệu qủa của việc chữa trị kéo dài hơn. Khi thử nghiệm với các tế bào gốc của phôi thai chuột, nhóm các bác sĩ nói trên cũng đã đạt được các kết qủa tốt. Bác sĩ Alfredo Gorio cho biết giai đoạn tới sẽ là việc thử nghiệm chữa trị cho con người.
Bác sĩ Camillo Ricordi, giám đốc "Học viện nghiên cứu bệnh tiểu đường" và "Trung tâm cấy tế bào gốc ở Miami" bên Hoa Kỳ cho biết hy vọng có thể áp dụng việc cấy tế bào gốc trưởng thành của tụy tạng để chữa bệnh tiểu đường, là căn bệnh đang hành hạ 240 triệu người trên thế giới. Hiện nay các chuyên viên đang thử nghiệm việc cấy các chùm tế bào tụy, chứa các tế bào Beta sản xuất chất Insulina, từ một người cho đã qua đời, vào trong gan của người nhận, và khiến cho gan cũng hoạt động như tụy tạng. Song song là việc nghiên cứu dùng các tế bào gốc của chính người bệnh qua việc tái hoạch định tế bào để chữa trị. Phương cách này tránh được việc khước từ. Hiện nay các chuyên viên cũng đang nghiên cứu việc dùng các tế bào gốc trưởng thành lấy từ cuống rốn và mô mỡ, có khả năng sản xuất lượng tế bào gốc vô tận. Như thế trong tương lai có thể chữa bệnh tiểu đường bằng cách cấy các tế bào gốc trưởng thành hay bằng cách phòng ngừa và tái lập sinh hoạt đã bị hư hại.
Việc cấy các tế bào gốc trưởng thành cũng giúp diệt trừ các tế bào bị ung thư. Ðây là thử nghiệm đang được một toán các bác sĩ thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Alessandro Massimo Gianni, giám đốc "Cơ cấu y khoa ung thư 3 của Học viện quốc gia ung thư Italia". Toán chuyên viên này nghiên cứu việc sử dụng guồng máy loại trừ tự nhiên của hệ thống miễn nhiễm, bằng cách nhận diện các phân tử màng bọc. Trong loại tế bào máu này có một thứ chất béo gọi là "proteina trail" có khả năng giết chết các vi khuẩn ung thư.
Các thử nghiệm chứng minh cho thấy khi đưa vào trong các tế bào gốc gen của phân tử màng bọc này, các tế bào gốc có khả năng giết chết các mô bị bệnh thuộc mọi loại ung thư, kể cả ung thư máu, với sự hữu hiệu lớn hơn là hình thức được dùng trong thuốc chống ung thư. Khi chích các tế bào đã được cải biến vào trong các con chuột bị bệnh ung thư bạch huyết cầu, 40% chúng sống sót và bệnh ung thư không phát triển nữa trong một thời gian lâu. Mục đích các bác sĩ đang nhắm tới là thử nghiệm cho các bệnh nhân ung thư trong các nhà thương với tiến trình này, nghĩa là sản xuất các tế bào gốc đã được biến đổi thành các mảng tế bào hay các trái cầu nhỏ đưa chất proteina nói trên vào trong các tế bào ung thư như là thuốc chữa. Nhưng đây là loại thuốc tự nhiên, không có chất độc gây phản ừng phụ và được cơ thể của bệnh nhân chấp nhận dễ dàng, và nhất là nó có khả năng chữa trị mọi chứng ung thư.
Hồi cuối năm 2010, tạp chí y khoa chuyên nghiên cứu về máu cũng đã loan tin một bệnh nhân bị ung thư máu và bị bệnh Sida đã hoàn toàn khỏi bệnh, nhờ cấy các tế bào gốc tủy của một người khác thích hợp cống hiến cho. Người hiến tủy là một người dân vùng Caucaso bên Nga, có hệ di truyền qúy hiếm, có khả năng chống lại vi khuẩn của bệnh Sida. Chỉ có 1% người trên thế giới có hệ di truyền qúy báu này. Bệnh nhân vừa bị ung thư máu nặng vừa bị bệnh liệt kháng, nhưng bốn năm sau khi được cấy tủy sống đã không còn dấu vết nào của hai chứng bệnh giết người nói trên. Hệ thống miễn nhiễm của ông đã hoạt động khỏe mạnh một cách hoàn hảo. Việc cấy tủy sống rất nguy hiểm và chỉ được thực hiện rất hạn chế, nhưng trong trường hợp nói trên nó đã đem lại kết qủa rất tốt, và là một đóng góp tích cực cho việc nghiên cứu. Bác sĩ Mario Milco D'Elios, chuyên viên miễn nhiễm nổi tiếng quốc tế thuộc đại học Firenze, trung bắc Italia, cho biết trường hợp này rất hay, vì nó mở đường cho các phương thức trị liệu nhắm tới các cá nhân người bị bệnh Sida. Việc cấy các tế bào gốc lấy từ một người khỏe mạnh có yếu tố di truyền được thay đổi qúy hiếm là loại CCR5, cần thiết cho vi khuẩn Sida để gây bệnh cho bạch huyết cầu, và vì thế có khả năng kháng cự lại chính vi khuẩn này và chữa bệnh ung thư.
Việc cấy các tế bào gốc được biến đổi yếu tố di truyền cũng có khả năng chữa lành bệnh hư hoại hình dạng hồng huyết cầu gọi là Beta talassemia. Sau 10 năm thử nghiệm tại phân bộ sinh học trị liệu của nhà thương nhi đồng Necker Paris, một bệnh nhân bị bệnh này đã được chữa lành nhờ cấy các tế bào gốc được biến đổi. Bác sĩ Marina Cavazzana Calvo đã hướng dẫn một nhóm chuyên viên và thành công trong việc chữa trị này. Các bác sĩ đã cô lập các tế bào gốc tủy xương của bệnh nhân, và thay đổi chúng trong ống nghiệm với một cặp gen lành mạnh. Sau khi được kiểm soát an toàn nhiều lần, chúng được cấy trở lại vào trong bệnh nhân được điều trị bằng hóa liệu để ngăn chận hoạt động của tủy xương. Các tế bào gốc được biến đổi đã sản xuất hồng huyết cầu lành mạnh một cách ổn định. Bác sĩ Bruno Dallapiccola, chuyên viên nhi đồng tại nhà thương Chúa Giêsu Hài Ðồng ở Roma cho biết: cho tới nay phương pháp trị liệu này đã chỉ được áp dụng cho một số rất ít trường hợp bệnh rất họa hiếm như vài thứ bệnh của hệ miễm nhiễm di truyền và một số ít các thứ bệnh khác. Nhưng phương pháp trị liệu di truyền này đang có các kết qủa nhảy vọt, mà giới y khoa đã chờ đợi từ nhiều năm nay, nghĩa là để chữa trị thứ bệnh rất thông thường trên thế giới là bệnh hư hoại hình thể hồng huyết cầu talassemia. Vì thế cần phải lập lại phương pháp trị liệu thành công này đối với càng nhiều các bệnh nhân bao nhiều càng tốt bấy nhiêu.
Thật ra, từ nhiều thập niên qua, các bác sĩ thuộc nhiều lãnh vực tại Italia đã dùng các tế bào gốc trưởng thành để chữa trị thành công rất nhiều thứ bệnh khác nhau kể cả bệnh mù mắt. Nhưng kết qủa các nghiên cứu và chữa trị của họ ít được giới truyền thông đề cao, trái lại báo chí chỉ chú ý tới việc cổ võ sử dụng các tế bào gốc lấy từ phôi thai người, là phương pháp vô luân nhằm tạo dựng phôi thai người để lấy tế bào rồi hủy hoại thai nhi.
(Avvenire 9-1-2011)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)