Bom dân chủ nổ
trong vùng Magreb
Bom dân chủ nổ trong vùng Magreb.
Ai cập (Vat. 4/02/2011) - Từ gần hai tháng qua toàn thế giới đã chứng kiến ngọn lửa dân chủ bừng cháy và lan nhanh trong vùng Magreb, tức các quốc gia A rập Bắc Phi, và đó đây trong vùng Trung Ðông. Từ Tunisia tới Libăng, từ Ai Cập tới Giodania, từ Algeria tới Yemen dân chúng đã ồ ạt xuống đường biểu tình phản đối cảnh vật giá leo thang, nạn thất nghiệp, gian tham hối lộ và chính sách cai trị độc tài của các chính quyền A rập. Họ đòi hòi tự do dân chủ, canh tân đất nước và cải tiến an sinh xã hội. Ngày mùng 2 tháng Giêng năm 2011 đã có 2 triệu người dân Ai Cập tụ tập nhau tại quảng trường Tahrir của thủ đô Cairo để yêu cầu tổng thống Hosni Mubarack từ chức.
Từ khi xảy ra cuộc nổi dậy, các vụ đụng độ giữa các đoàn biểu tình và cảnh sát, cũng như giữa các đoàn biểu tình và các nhóm phò tổng thống Mubarack hôm mùng 3 tháng 2 năm 2011, đã khiến cho nhiều người chết, và hàng trăm người bị thương. Nhiều nhà báo quốc tế cũng bị thương vì trúng đá gạch của cả hai bên cũng như bị bắt và bị hành hung. Chính quyền Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu châu kêu gọi tổng thống Mubarack tôn trọng các khát vọng chính đáng của nhân dân Ai Cập và mau chóng đáp ứng các đòi hỏi dân chủ của họ. Chính quyền Hoa Kỳ và nhiều nước khác cũng bắt đầu hồi hương các kiều dân của mình. Thứ Sáu 4 tháng 2 năm 2011 là ngày các đoàn biểu tình lại tụ tập nhau tại quảng trường Tahrir nhất quyết đỏi hỏi ông Mubarack phải ra đi.
Qủa bom dân chủ đã nổ trong vùng Magreb, tức các nước A rập vùng Bắc Phi, ngày 17 tháng 12 năm 2011 với cái chết tự thiêu của ông Mohammed Bouazzi, một người dân sống tại thành phố Sidi Bouzid, có bằng tiến sĩ, nhưng phải bán hàng rong bất hợp pháp vì không tìm ra việc làm. Ông đã tự thiêu để phản đối chính quyền của tổng thống Zine el Abidine Ben Ali và cuộc sống mắc mỏ không chịu nổi nữa. Cái chết thê thảm của ông Bouazzi đã là mồi lửa châm ngòi cho cuộc vùng dậy của nhân dân Tunisia, bắt đầu từ thành phố Sidi Bouzid. Trong một tháng liên tiếp dân chúng toàn nước đã xuống đường biểu tình chống lại nạn vật giá leo thang, nghèo đói thất nghiệp, gian tham hối lộ, và chính sách cai trị độc tài của nhà nước Tunisia. Người dân đã dùng hệ thống liên mạng Internet, Facebook và Twitter để huy động nhau xuống đường biểu tình đòi hỏi tự do dân chủ. Trước áp lực mạnh mẽ của toàn dân, ngày 14 tháng Giêng năm 2011 tổng thống Ben Ali đã phải trốn sang A Rập Sau đi tị nạn. Dân chúng Tunisia tiếp tục đòi hỏi loại bỏ tất cả mọi thành phần của chính quyền cũ và tổ chức các cuộc bầu cử đa đảng.
Ngọn lửa dân chủ Tunisia lập tức lan sang Algeria và các nước khác trong vùng, cùng với hàng chục vụ tự thiêu khác để phản đối các chính quyền A rập độc tài, đòi hỏi thay đổi, dân chủ và tự do. Algeria có 35.4 triệu dân với 10.2% thất nghiệp. Từ ngày 12 tháng Giêng năm 2011 đã có 8 vụ tự thiêu. Các đoàn biểu tình đã bị lực lượng an ninh đàn áp không cho tiến về trụ sở Quốc hội và đã có rất nhiều người bị thương trong. Ðể giảm bớt làn sóng phản đối chính quyền đã ra lệnh hạ giá thực phẩm, lúa, sữa và điện.
Lửa dân chủ cũng lan sang Libia, nơi đại tá Muammar Gheddafi đã cầm quyền từ 41 năm nay, và là người rất ủng hô nguyên tổng thống Ben Ali. Libia có 6.5 triệu dân với 13% thất nghiệp. Tuy các cuộc biểu tình bị cấm, nhưng cũng có vài vụ phản đối chính quyền diễn ra tại Al Bayda. Cho tới này Marốc là quốc gia duy nhất trong vùng Magreb chưa rơi vào tình trạng căng thẳng và hỗn loạn như Tunisia và Ai Cập, nhờ uy tín của vua Mohammed VI, được đa số nhân dân ủng hộ. Marốc có 32.3 triệu dân với 10% thất nghiệp. Nhưng cũng đã có các vụ biểu tình ôn hòa phản đối sự gian tham của các giới chức lãnh đạo vây quanh nhà vua.
Làn sóng phản đối cuộc sống đắt đỏ và nạn thất nghiệp cũng lan sang Giordania, với các vụ biểu tình trong thủ đô Amman. Giordania là một trong các quốc gia tương đối ổn định nhất vùng Trung Ðông, có 6.5 triệu dân nhưng có tới 14% không có công ăn việc làm. Tuy nhiên theo các nguồn tin không chính thức thì có tới 30% thất nghiệp. Dân chúng yêu cầu chính quyền đưa ra các biện pháp hữu hiệu để giảm nạn thất nghiệp và giữ giá thị trường. Họ yêu cầu thủ tướng Samir Rifai từ chức vì tỏ ra bất lực. Ngày 1 tháng 2 năm 2011 vua Abdullah đã chỉ định ông Marouf Bakhit làm tân thủ tướng, với nhiệm vụ khấn cấp "cải tổ chính trị, gia tăng dân chủ và bảo đảm một cuộc sống an ninh và xứng đáng hơn cho người dân Giordania".
Lửa dân chủ cũng lan sang Yemen với các vụ xuống đường biểu tình phản đối của dân chúng tại Aden, và các vụ biểu tình do sinh viên học sinh tổ chức trong thủ đô Sana'a. Từ năm 1978 tới 1990 miền bắc Yemen nằm dưới quyền cai trị của tổng thống Abdullah Saleh, sau đó ông tiếp tục cai trị toàn Yemen thống nhất. Lửa dân chủ cũng lan sang Libăng và Siria với nhiều vụ biểu tình đòi tự do dân chủ và cải cách.
Trong thông cáo công bố ngày mùng 3 tháng 2 năm 2011, sau khi kết thúc đại hội thường niên tại Algeri, Hội Ðồng Giám Mục các nước Tunisia, Algeria Marốc, Libia và vùng Tây sa mạc Sahara khẳng định rằng các biến cố đang lay động Tunisia và Ai Cập "là các đòi hỏi chính đáng tự do và phẩm giá cho người dân". Các vị đặc biệt đánh giá cao các vụ biểu tình do các thế hệ trẻ tổ chức với mục đích kêu gọi bài trừ nạn vật giá leo thang, thất nghiệp, tham ô hối lộ, cải tiến an sinh và tự do dân chủ cho các dân tộc toàn vùng.
Theo thống kê của viện Gallup liên quan tới 22 quốc gia A rập, người trẻ từ 15 tới 29 tuổi rất mong muốn di cư ra nước ngoài để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tại Yemen, Marốc và Tunisia giới trẻ chiếm 40-45% tổng số dân. Trong khi tại các nước vùng Vịnh chỉ có 6%.
Thế là qua giới trẻ Tunisia, bom dân chủ đã nổ trong các nước Bắc Phi và vùng Trung Ðông. Cầu mong ngọn lửa dân chủ do nó thắp lên cũng bừng cháy và lan nhanh sang nhiều quốc gia khác tại Phi châu, Á châu và châu Mỹ Latinh để cho người dân của các đại lục này có được cuộc sống tự do thịnh vượng, xứng đáng hơn với phẩm giá con người.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)