Haiti một năm sau động đất

 

Haiti một năm sau động đất.

Haiti (RG 18-1-2011) - Phỏng vấn Ðức Hồng Y Robert Sarah, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Cor Unum Ðồng Tâm, và ông Marco Bertotto, giám đốc tổ chức phi chính quyền "Hành động", về chuyến viếng thăm Haiti nhân tưởng niệm 1 năm động đất.

Cách đây một năm ngày 12 tháng Giêng năm 2010 Haiti đã bị một trận động đất lớn mạnh tới 7.5 độ theo thước Richter tàn phá. Chiều hôm sau Ðức Tổng Giám Mục Bernardito Auza, Sứ Thần Tòa Thánh cho biết thủ đô Port-au-Prince đã bị tàn phá hoàn toàn. Nhà thờ chính tòa, đinh tổng thống và rất nhiều nhà cửa dinh thự khác trong thủ đô, trong đó có các nhà thờ, các trường học, nhà thương đều bị sập hay hư hại nặng. Ðức Tổng Giám Mục Port-au-Prince, Serge Miot, và hàng trăm chủng sinh và linh mục cũng bị chết dưới các đống gạch vụn.

Theo ước lượng của chính quyền đã có 230,000 người thiệt mạng, nhưng có lẽ số người chết lên tới 300,000. Một năm sau trận động đất, gần hai phần 3 các đổ nát vẫn còn y nguyên chưa được dọn dẹp, vì thiếu các phương tiện và nhân viên. Ngoài ra, người dân Haiti còn phải đối phó với nhiều vấn đề khác trong đó có bệnh dịch tả lan tràn khiến cho gần 4,000 người chết từ vài tháng qua.

Nhân dịp kỷ niệm đau thương này của dân nước Haiti, trong các ngày 10 đến 13 tháng Giêng năm 2011, Ðức Hồng Y Robert Sarah, Chủ Tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Cor Unum Ðồng Tâm, đã lên đường viếng thăm Haiti, đem theo sứ điệp của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI. Ðức Hồng Y và linh mục Phó tổng thư ký Hội Ðồng cũng đem theo ngân khoản 1 triệu 200 ngàn mỹ kim của Ðức Thánh Cha, trong đó có 800 ngàn mỹ kim dành cho việc tái thiết các trường học và 400 ngàn mỹ kim để tái thiết các thánh đường.

Trong các ngày lưu lại Haiti, Ðức Hồng Y Sarah đã viếng thăm các cơ sở của Giáo Hội, các dòng tu và các trung tâm tạm trú Parc Acra, và đã cử hành thánh lễ cho tín hữu tại đây. Ngày 12 tháng giêng Ðức Hồng Y đã gặp tổng thống René Préval. Và thứ tư 12 tháng giêng Ðức Hồng Y đã chủ sự thánh lễ cầu nguyện cho dân nước Haiti nhân kỷ niệm 1 năm động đất. Trong thánh lễ ngài đã công bố sứ điệp Ðức Thánh Cha gửi cho nhân dân Haiti.

Trong sứ điệp Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI bầy tỏ tình liên đới trong kinh nguyện với dân nước Haiti và viết như sau: "Tôi cũng muốn gửi đến anh chị em một lời hy vọng trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện nay. Thật vậy, bây giờ là lúc tái thiết, không những các cơ cấu vật chất, nhưng nhất là sự sống chung dân sự, xã hội và tôn giáo. Tôi cầu chúc nhân dân Haiti là những người nắm giữ vai chính trong lịch sử hiện tại và tương lai của mình, và cũng hy vọng nơi sự trợ giúp của quốc tế. Sự trợ giúp này đã có những dấu hiệu quảng đại qua những viện trợ kinh tế, và những người thiện nguyện đến từ tất cả các nước".

Ðức Hồng Y Sarah cũng đã gặp gỡ các Giám Mục, linh mục và các chủng sinh cũng như các vị đặc trách các tổ chức từ thiện, người thiện nguyện và tổ chức Caritas.

Haiti rộng 27,000 cây số vuông, cách Cuba khoảng 80 cây số và có hơn 9 triệu dân, đa số theo Công giáo. Giáo hội Công giáo có 7 triệu 40 ngàn tín hữu sống trong 10 giáo phân. Cho tới trước khi xảy ra trận động đất nhân lực của Giáo Hội gồm 18 Giám Mục, 485 linh mục triều, 306 linh mục dòng, 332 tu huynh, 1,851 nữ tu, và 421 đại chủng sinh. Giáo Hội điều khiển 26 nhà thương, 213 trạm xá y tế, 4 trung tâm phong cùi, 23 nhà dưỡng lão, và 39 viện mồ cô. Một số nhân lực nói trên đã bị thiệt mạng trong trận động đất, và đã có rất nhiều nhà thờ và cơ cở của Giáo Hội bị phá hủy hoàn toàn.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Ðức Hồng Y Robert Sarah về chuyến viếng thăm này.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, chuyến viếng thăm của Ðức Hồng Y và sứ điệp Ðức Thánh Cha gửi cho dân nước Haiti, mà Ðức Hồng Y đã công bố trong thánh lễ cầu nguyện cho các nạn nhân trong thủ đô Port-au-Prince, nói lên lòng ưu ái và sự chủ ý của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đối với dân nước Haiti, có đúng thế không?

Ðáp: Vâng. Ðức Thánh Cha đã thực sự rất gần gũi với nhân dân Haiti. Chuyến viếng thăm của tôi đã đánh động người dân nước này rất nhiều, vì họ cảm thấy sự gần gũi của Ðức Thánh Cha, và nhận ra rằng người đặc biệt chú ý tới việc tái thiết con người. Tôi rất hài lòng vì trong chuyến viếng thăm này tôi đã có thể gặp gỡ vài tổ chức đang trợ giúp Giáo Hội và dân chúng tại Haiti. Tôi trông thấy tình liên đới và sự hiệp thông lớn lao, không phải chỉ của Giáo Hội công giáo mà thôi, vì có biết bao nhiêu người tới Haiti để trợ giúp dân chúng. Ðó là một dân tộc có lẽ đáng được hưởng một sự tổ chức tốt hơn, một chính quyền mạnh hơn. Nhưng sự việc lại như thế. Chúng ta phải tiếp tục trợ giúp nhân dân Haiti và cầu nguyện cho Haiti.

Hỏi: Thánh lễ cầu hồn cho các nạn nhân động đất, mà Ðức Hồng Y đã chủ sự trong thủ đô Port-au-Prince, đúng ngày kỷ niệm 1 năm trận động đất, tại bãi đất trống trước nhà thờ chính tòa bị tàn phá, là cao điểm của chuyến viếng thăm của Ðức Hồng Y, có phải vậy không?

Ðáp: Phải, chúng tôi đã cử hành việc tưởng niệm một cách rất cảm động. Ðó đã là một thời điểm sốt sắng và hy vọng. Tôi đã gặp Hội Ðồng Giám Mục Haiti và thấy các Giám Mục cương quyết góp phần vào việc tái thiết đất nước và Giáo Hội. Thật là cảnh rất đau lòng, khi trông thấy thủ đô Port-au-Prince bị tàn phá như thế: nhà thờ chính tòa, các nhà thờ, các trường học hư hại. Thật là điều khiến cho chúng ta phải đau khổ.

Hỏi: Trong sứ điệp gửi cho dân nước Haiti dịp này, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã nhắc rằng: "Giờ đây là lúc đặc biệt tái thiết sự sống chung dân sự, xã hội và tôn giáo". Việc tái thiết có thể dựa trên các giả thiết và nền tảng nào thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Tôi nghĩ rằng Giáo Hội có thể chu toàn một công việc rất quan trọng. Tái xây dựng các nhà thờ, và nhà ở đã bị tàn phá là điều dễ làm. Nhưng tái thiết cộng đoàn, tái thiết nhân dân Haiti xem ra là một công tác khó hơn. Tuy nhiên, Giáo Hội với sự gần gũi của Ðức Thánh Cha và với lời cầu nguyện, có thể tái thiết nhân dân nước này, không chỉ bị tàn phá mà còn bị chia rẽ nữa.

Ðây là một dân tộc đang phải sống một thời điểm khó khăn, người ta không biết các cuộc bầu cử sẽ đi tới đâu, và người ta cũng lo sợ nạn bạo lực. Tôi nghĩ rằng Giáo Hội phải nắm giữ một vai trò quan trọng hơn nữa trong việc hòa giải, hiệp thông, cộng tác với nhau để "tái tạo" nhân dân và đất nước này.

Hỏi: Cả lời cầu nguyện cũng có giá trị đinh đoạt đối với việc tái thiết một quốc gia hay sao thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Tôi đã trông thấy dân chúng cầu nguyện với nến sáng. Ðiều này cho thấy người dân biết rằng lời cầu nguyện quan trọng, không chỉ cho việc tái thiết đất nước, mà cũng quan trọng đối với việc tái xây dựng dân Chúa nữa. Như thế, Giáo Hội và các Giám Mục phải đưa ra một chương trình mục vụ cầu nguyện và thăng tiến các sinh hoạt giáo dục, bởi vì tại Haiti cũng thiếu các trường học, và việc đào tạo rất quan trọng cho việc góp phần tái thiết đất nước.

***  Sau đây là một số nhận xét của ông ông Marco Bertotto, giám đốc tổ chức phi chính quyền "Hành động" Italia, về việc tái thiết Haiti.

Hỏi: Thưa ông Bertotto, một năm sau trận động đất, việc tái thiết Haiti đã tới đâu rồi?

Ðáp: Chúng tôi đang ở trong giai đoạn tái thiết. Nhưng có rất nhiều chướng ngại ngăn cản việc tái xây dựng Haiti, nhất là còn có 1,3 triệu người đang phải sống trong các trại tị nạn. Họ kêu gọi cộng đồng quốc tế và các tổ chức nhân đạo hoạt động mau lẹ và cải tiến phẩm chất việc can thiệp thế nào để được nhanh chóng và hữu hiệu hơn.

Hỏi: Các chướng ngại này phát xuất từ đâu thưa ông?

Ðáp: Trước hết là tình trạng nghèo túng thê thảm của Haiti. Haiti đã là nước nghèo nhất vùng tây bán cầu: 50% tổng số dân không có nước trong lành để uống và 70% dân sống với lợi tức 2 mỹ kim mỗi ngày. Sau khi xảy ra động đất các trợ giúp nhân đạo quốc tế đã khiến cho mức sống của người dân khá hơn trước khi bị động đất.

Ngoài ra, cũng còn có tình trạng chính trị bất ổn, khiến cho Haiti không có một đối tác địa phương, một chính quyền có đủ tinh thần trách nhiệm và quyền bính để can thiệp vào vài khía cạnh chính yếu. Ðiều này khiến cho các trợ giúp nhân đạo chỉ che lấp được các vết nứt, mà không đương đầu nổi một cách có hệ thống với các nút thắt cơ cấu. Thề rồi còn có các chậm trễ từ phía cộng đoàn quốc tế: đã chỉ có một phần ngân khoản do cộng đồng quốc tế và các chính quyền hứa là thực sự tới với Haiti. Tất cả các lý do đó khiến cho việc cứu trợ bị trì trệ, và thực tại là chúng tôi đang ở trong tình trạng rất cần các dấn thân và cố gắng hơn nữa.

Hỏi: Tính theo phần trăm thì Haiti đã nhận được bao nhiêu trợ giúp?

Ðáp: Ủy ban tái thiết cho biết đã chỉ nhận được 60% ngân khoản đã hứa. Vào cuối năm 2010 thì đã chỉ có 40%. Vì thế dịp kỷ niệm này có lẽ sẽ khiến cho các chính quyền mau lẹ hơn trong công tác cứu trợ. Dĩ nhiên, sự chậm trễ này cũng gắn liền với tình trạng bất ổn chính trị của Haiti: nếu không có một chính quyền địa phương, nhiều quốc gia ân nhân không tin tưởng gửi ngân khoản trợ giúp, vì không biết chúng có tới tay các nạn nhận hay không.

Hỏi: Tình trạng này càng tệ hại thêm kể từ khi có nạn dịch hạch từ tháng 10 năm 2010, có đúng thế không thưa ông?

Ðáp: Vâng, đúng vậy. Nó là một tình trạng khẩn cấp trong tình trạng khẩn cấp. Ðã có 3,650 người chết. Bộ Y Tế nói nó sẽ lan tràn trong 12 tháng tới này và có thể sẽ lây sang 400,000 người khác. Và đây là một thách đố khổng lồ đối với các tổ chức nhân đạo. Tổ chức "Hành động" của chúng tôi làm việc để ngăn chặn bệnh dịch làn tràn, qua các trung tâm chữa trị và phòng ngừa, với việc gây ý thức cho dân chúng và cung cấp các phương tiện vệ sinh như nước uống trong lành, xây các nhà vệ sinh và các chỗ phân phát nước trong các trại tị nạn. Nhưng các hoạt động này có nguy cơ không đủ và không kịp, vì bệnh địch phát triển qúa nhanh.

(RG 18-1-2011)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page