Lời kêu gọi đổi mới Hồi giáo
của một số học giả và trí thức Ai cập
Lời kêu gọi đổi mới Hồi giáo của một số học giả và trí thức Ai cập.
Ai cập [Asianews 26, 28/1/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Mới đây, tuần báo có tên là "Yawm Al Sabi" [Ngày thứ Bảy] xuất bản tại Ai cập, có đăng tải một văn kiện quan trọng có tựa đề "Canh tân ngôn ngữ tôn giáo". Chỉ trong một ngày, văn kiện đã được phát tán lên 12,400 trang mạng bằng tiếng Á rập. Văn kiện là ý kiến của 23 nhà trí thức và thần học thuộc Ðại học Hồi giáo nổi tiếng "Al Azhar" tại Cairo, Ai cập.
Theo ghi nhận của cha Samir Khalil Samir, một linh mục Dòng Tên chuyên về hồi giáo học, văn kiện đã được phổ biến vào ngày 24 tháng Giêng năm 2011, đúng một ngày trước khi bùng nổ cuộc nổi dậy của dân chúng Ai cập. Các cuộc biểu tình bắt nguồn từ những khó khăn về kinh tế và chính trị. Ðiều này có nghĩa là, ngoài các chính sách của chính phủ hiện hành, hiện có một trào lưu trí thức tại nước này đang chán ngán về một thứ Hồi giáo được quảng bá từ 30 năm nay chỉ chú trọng đến bề ngoài mà quên cái cốt lõi của đạo lý. Theo cha Samir, bởi vì Ai cập là một quốc gia hàng đầu tại Trung đông, người ta có thể hy vọng rằng những thay đổi đang diễn ra tại nước này sẽ lan rộng trong khắp vùng. Có thể những cuộc biểu tình như thế cũng sẽ tác động đến một thứ Hồi giáo "hình thức" trong vùng.
Cha Samir phân tách một số điểm nổi bật trong văn kiện của các học giả Hồi giáo Ai cập mà chúng tôi xin được trích đọc dưới đây.
Trước hết là vấn đề quan hệ nam nữ. Phe cứng rắn trong hồi giáo bác bỏ mọi hình thức "gặp gỡ" và tiếp xúc giữa nam nữ. Tại Á rập Saudi chẳng hạn, các nam sinh viên được ngồi đối diện với giáo sư, nhưng các nữ sinh viên thì lại phải ngồi trong một phòng khác và chỉ được theo dõi bài học trên màn ảnh truyền hình mà thôi. Trong văn kiện, các nhà trí thức và thần học của đại học Az Azhar khẳng định rằng Hồi giáo không hề cấm mọi tiếp xúc giữa nam nữ. Các quan hệ giữa nam nữ chỉ có vấn đề tại Ai cập là bởi vì lối sống "thanh giáo" ngày càng được áp đặt tại nước này. Theo các học giả và thần học của đại học Al Azhar, nếu nơi nào sự tiếp xúc giữa nam nữ là cần thiết, như trong trường học hay nơi công sở chẳng hạn, thì cần phải tôn trọng điều đó.
Về vấn đề "Jihad", tức thánh chiến, theo văn kiện của các nhà cải cách, trong Hồi giáo, thánh chiến chỉ trực tiếp nhắm vào những kẻ xâm chiếm các nước Hồi giáo mà thôi. Chú giải một câu trong kinh Coran, các học giả và thần học của đại học Al Azhar nói rằng kinh Coran cấm các tín đồ không được sát hại những người không có vũ khí, trẻ em, người già, phụ nữ, linh mục, tu sĩ và nhà cầu nguyện. Theo các học giả này thì cái nhìn trên đây đã có trong hồi giáo từ 1,400 năm nay. Như vậy, mục đích của thánh chiến là để tự vệ và chỉ được phép xảy ra trên đất Hồi giáo mà thôi. Như thế, các nhà cải cách Hồi giáo lên án mọi hành động khủng bố của Hồi giáo, nhứt là các cuộc tấn công mới đây nhắm vào các tín hữu Kitô tại Bagdad, Iraq và Alexandria, Ai cập.
Một điểm nổi bật khác trong văn kiện là các học giả và thần học của đại học Al Azhar lên án lối giữ đạo hình thức vốn trở nên thịnh hành tại Ai cập từ 30 năm nay. Các bậc thức giả này giải thích rằng nhiều người Ai cập đi làm việc tại bán đảo Á rập và khi trở về nước đã mang theo các tập tục của một số nước Hồi giáo khác, như để râu, mặc áo dài "Jihab", trùm khăn trên đầu.
Trích dẫn câu kinh Coran "hãy bảo các nam tín hữu rằng họ cần phải tự chế trong cái nhìn của mình và sống khiết tịnh", các học giả và thần học của đại học Al Azhar nói rằng điều quan trọng không phải là "đạo đức bề ngoài" mà là nội tâm và cái nhìn của mình. Theo cha Samir, quan điểm này rất gần với Tin mừng.
Trong chương 8 của văn kiện, các học giả và nhà thần học Hồi giáo có khuynh hướng cải cách đề cập đến vấn đề tách biệt giữa nhà nước và tôn giáo. Theo cha Samir, đây là điểm quan trọng nhứt trong văn kiện. Văn kiện xử dụng từ "Almaniyyah", tức chủ nghĩa thế tục. Cha Samir cho biết tại Thượng hội đồng Giám mục thế giới đặc biệt về Trung đông dạo tháng 10 năm 2010, các nghị phụ nói tiếng Á rập đã không dám xử dụng từ này, bởi vì nó thường được hiểu như là "chủ nghĩa duy vật", tức kẻ thù của tôn giáo.
Nhưng các học giả và nhà thần học Hồi giáo Ai cập đã xử dụng từ này để chỉ sự tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước. Theo các nhà tư tưởng này, "tục hóa" không nên bị xem như kẻ thù của tôn giáo, nhưng cần phải được bảo vệ để chống lại việc xử dụng tôn giáo vào mục tiêu chính trị hay thương mại. Văn kiện viết rằng "hiểu như thế thì "thế tục" là điều hài hòa với Hồi giáo và như vậy về mặt pháp lý có thể chấp nhận được".
Một điểm quan trọng khác được cha Samir ghi nhận trong văn kiện của các học giả và nhà thần học của đại học Al Azhar là trong số 9, các vị này khẳng định rằng "tự do, bình đẳng, tri thức, công bình và khoa học là những giá trị quan trọng nhứt mà kinh Coran đã mang lại cho chúng ta khi được mạc khải cách đây 14 thế kỷ".
Văn kiện trên đây đã được rất nhiều người Hồi giáo đọc trên Internet. Theo cha Samir, trái với tinh thần của văn kiện, đại đa số người Hồi giáo đang chạy theo một thứ Hồi giáo hình thức. Có nhiều nhà trí thức Hồi giáo có lối suy nghĩ hiện đại, nhưng họ không được các cơ chế Hồi giáo ủng hộ.
Cha Samir nhận định rằng đứng trước tình trạng bất ổn xã hội và những áp lực đòi hỏi phải thay đổi đang diễn ra tại nhiều nước Trung đông và Bắc Phi, chúng ta có thể nói rằng hồi giáo theo truyền thống Safi, tức Hồi giáo vụ hình thức, đang là một thứ "thuốc phiện ru ngũ quần chúng". Thứ Hồi giáo này chú trọng đến bề ngoài và những thực hành phụ thuộc, mà không màng đến sự phát triển và phúc lợi của xã hội. Trong khi đó, các thế lực chính trị cứ để mặc như thế miễn là thứ tôn giáo bề ngoài này không can dự vào chính trị.
Tại Ai cập, chính phủ không hẳn là một chế độ độc tài. Nhưng để duy trì quyền hành, chính phủ lại liên minh với thứ Hồi giáo hình thức này. Chính phủ muốn tỏ ra mình là "Hồi giáo" để tránh bị chỉ trích. Và bất cứ sự nhượng bộ nào của chính phủ cũng đều củng cố thứ Hồi giáo hình thức này.
CV.