Các tín hữu Kitô Tunisia hoang mang

trước những thay đổi chính trị

 

Các tín hữu Kitô Tunisia hoang mang trước những thay đổi chính trị.

Bắc Phi [Zenit 31/1/2011] - Các tín hữu Kitô tại Tunisia kêu gọi cầu nguyện cho sự thay đổi chính phủ được diễn ra tốt đẹp và hòa bình chóng được vãn hồi trong xứ sở.

Theo các chứng từ được tổ chức cứu trợ của Tin lành có tên là "Open Doors" [những cánh cửa mở ra] thu thập, các tín hữu Kitô tại Tunisia lo sợ rằng các cuộc biểu tình đòi hỏi nhiều dân chủ và tự do hơn có thể dẫn đến những cuộc đụng độ bạo động hơn.

Ngoài ra, các tín hữu Kitô cũng đang sống trong hoang mang sau khi có sự thay đổi chính phủ, vì biết rằng tại Tunisia, Hồi giáo vẫn là quốc giao và một nền dân chủ trong đó mọi người đều có tiếng nói không được bảo đảm.

Trong danh sách các nước có bách hại tôn giáo được tổ chức "Open Doors" thiết lập, Tunisia đứng hàng thứ 37. Cùng với người Do thái, các tín hữu Kitô chỉ là một thiểu số nhỏ. Phần lớn trong số 22,800 tín hữu Kitô đang sống tại Tunisia đều là người ngoại quốc.

Một tín hữu Kitô người Tunisia nói rằng dưới thời tổng thống Ben Ali, tình trạng chưa hẳn là tốt đẹp, nhưng các tín hữu Kitô vẫn có được tự do để thực hành đạo.

Tunisia đã ký tên vào các thỏa ước quốc tế bảo đảm tôn trọng nhân quyền, trong đó có quyền được thay đổi tôn giáo cũng như quảng bá nội dung niềm tin của mình.

Dân số nước này có khoảng 10 triệu người mà phần lớn theo Hồi giáo. Mặc dù Hồi giáo là quốc giáo nhưng Tunisia vẫn nổi tiếng là một nước khoan nhượng đối với các tín hữu Kitô. Hiến pháp bảo vệ tự do lương tâm và tự do thực hành đạo, miễn là không làm xáo trộn trật tự công cộng. Việc thay đổi tôn giáo cũng không bị luật pháp lên án, nhưng lại chính thức bị ngăn cấm. Chia sẻ Tin Mừng với một người Hồi giáo bị xem như một ý đồ chiêu dụ tìn đồ, do đó cũng bị cấm.

Tại Tunisia, Giáo hội Công giáo được công nhận và có các cơ sở riêng, trong đó có nhà thờ chính tòa Tunis. Nhưng kể từ khi quốc gia này dành được độc lập vào năm 1956, các nhóm tôn giáo thiểu số khác như Tin lành chẳng hạn, không có quy chế của một nhóm tôn giáo được thừa nhận. Họ bị xem là bất hợp pháp và như vậy bị buộc phải nhóm họp tại các tư gia.

Những người bỏ Hồi giáo để gia nhập Kitô giáo gặp nhiều khó khăn trong gia đình và thường không tìm được hay mất việc làm.

Kể từ năm 2007, các tín hữu Kitô gốc Hồi giáo sống trong tình trạng vô cùng căng thẳng. Các tín hữu Kitô ngoại quốc cũng bị theo dõi chặt chẽ. Các mục sư của cộng đồng ngoại quốc cũng bị theo dõi và việc nhập sách báo Kitô giáo, bằng tiếng Á rập, gặp nhiều khó khăn.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page