Các tín hữu Kitô và người Hồi giáo

tại Ai cập liên kết trong cuộc nổi dậy

 

Các tín hữu Kitô và người Hồi giáo tại Ai cập liên kết trong cuộc nổi dậy.

Cairo [Asianews 28/1/2011] - Các tín hữu Kitô và người Hồi giáo tại Ai cập liên kết trong cuộc nổi dậy chống lại chế độ độc tài.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Asianews, một linh mục Copte xin được dấu tên, cho biết vì bị đè bẹp dưới sức nặng của nghèo đói và tham nhũng, các tín hữu Kitô và người Hồi giáo đã liên kết trong cuộc nổi dậy chống lại tổng thống Hosni Mubarak là người đã cai trị đất nước từ 30 năm nay.

Vị linh mục xưng tên là "Boulos Garas" nói rằng các tín hữu Kitô và người Hồi giáo liên kết với nhau trong các cuộc biểu tình tại thủ đô Cairo và nhiều thành phố khác. Nhà thờ và các đền thờ là những nơi dân chúng tụ tập lại để phát động các cuộc biểu tình. Tuy nhiên, theo cha Garas, dân chúng đi biểu tình không phải vì lý do tôn giáo, mà chỉ để đòi hỏi dân chủ, công bình xã hội và chống lại tham nhũng.

Ðược hỏi: liệu các cuộc biểu tình có phải do hồi giáo phát động không, vị linh mục này này nhắc lại rằng tại Tunisia, là nơi mà "hiệu ứng Domino" bộc phát, các cuộc biểu tình đều mang tính thế tục, chứ không chịu ảnh hưởng của hồi giáo. Tại Ai cập, trái lại các cuộc biểu tình đều có liên hệ đến đền thờ và tôn giáo. Tunisia là quốc gia thế tục từ 60 năm qua. Trong khi đó tại Ai cập, Hồi giáo đang là quốc giáo. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình lại không liên hệ đến Hồi giáo. Cha "Garas" nói rằng dân chúng đã quá mệt mõi vì gánh nặng của cuộc sống nghèo đói và tham nhũng. Ngược lại, các nhà lãnh đạo tôn giáo được nhà nước trả lương cho nên thường chỉ làm theo chỉ thị của chính phủ.

Về tương lai của các cuộc biểu tình, cha Garas nói rằng không ai có thể tiên đoán được những gì sắp xảy ra. Nhận định về một nhân vật có thế giá trên chính trường quốc tế là ông Muhammad El Baradei, cha Garas cho rằng ông này là một người tốt, nhưng không có đủ khả năng để lãnh đạo đất nước. Ông Baradei đã từng là giám đốc của Cơ quan giám sát về nguyên tử năng của Liên Hiệp Quốc.

Về số phận của các tín hữu Kitô, vị linh mục Copte này khẳng định rằng hiện nay những người biểu tình không hề chống lại các tín hữu Kitô. Ðức thượng phụ Chính thống Shenouda III đã kêu gọi các tín hữu Kitô bình tĩnh. Nhưng nhiều tín hữu Kitô và những người ngoài Kitô giáo nói với ngài rằng đây không phải là lúc "ngồi yên" nữa, bởi vì các tín hữu Kitô cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng. Ðối với các tín hữu Kitô, cuộc khủng hoảng càng trở nên tồi tệ hơn bởi vì họ đang đau khổ vì bị kỳ thị và khó tìm được việc làm. Vị linh mục kể ra một thí dụ: trong các cơ quan công quyền, chỉ có người hồi giáo mới được thăng chức; khi một tín hữu Kitô mở một tiệm buôn, ít có ai đến mua hàng của người đó.

Cha Garas kêu gọi các nước Tây phương hãy can thiệp để giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Ai cập. Cha nói: "Có lẽ Tây phương không muốn can thiệp vào chuyện nội bộ của một nước khác, nhưng đây không phải là vấn đề nội bộ, mà là chuyện "nhân phẩm" của mỗi một người dân Ai cập.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page