Ðức Thánh Cha kêu gọi

các tín hữu sống các Mối Phúc thật

 

Ðức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu sống các Mối Phúc thật.

Vatican (Vat. 30/01/2011) - Chúa nhật 30 tháng 1 năm 2011, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 kêu gọi các tín hữu sống các Mối Phúc thật và ngài cùng với hai em bé thả chim câu tượng trưng cho khát vọng hòa bình.

Ðức Thánh Cha đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi đọc kinh Truyền Tin với 30 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô dưới bầu trời nắng đẹp. Trong số những người hiện diện đặc biệt có khoảng 5 ngàn thiếu nhi và thiếu niên thuộc Phong trào Công giáo tiến hành ở Roma, cùng với phụ huynh và các giáo chức tham gia cuộc tuần hành hòa bình theo truyền thống. Từ các giáo xứ và trường học, đoàn người đã tụ tập tại Quảng trường Navona lúc 8 giờ rưỡi, sinh hoạt với nhau, trao đổi sứ điệp hòa bình, và tuần hành tiến về quảng trường thánh Phêrô cách đó hơn 2 cây số, với khẩu hiệu "Chúng tôi hy vọng nơi hòa bình". Tại đây Ðức Hồng Y giám quản Roma, Agostino Vallini đã chào thăm các em và gia đình, cũng như đại diện của Hội Công giáo tiến hành Roma, trước khi đi bộ đến Quảng trường Thánh Phêrô để tham dự buổi đọc kinh truyền tin với Ðức Thánh Cha.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh Cha đã quảng diễn về bài Phúc Âm về các Mối Phúc thật được đọc trong thánh lễ Chúa nhật 30 tháng 1 năm 2011:

"Anh chị em thân mến, chúa nhật thứ IV thường niên này, Tin Mừng trình bày bài giảng dài đầu tiên của Chúa Giêsu nói với dân chúng trên ngọn đồi thoai thoải quanh hồ Galilea. Thánh Mathêu viết: "Khi thấy đám đông, Chúa Giêsu lên núi: ngài ngồi xuống và các môn đệ đến gần. Ngài bắt đầu giảng dạy họ" (Mt 5,1-2). Chúa Giêsu, là Môisê mới, "lên tòa giảng ở trên núi" (Ðức Giêsu thành Nazareth, Milano 2007, tr. 88) và tuyên bố "phúc" cho người có tinh thần thanh bần, người sầu khổ, người có lòng xót thương, những người đói khát công lý, có tâm hồn thanh khiết, những người bị bách hại (Xc Mt 5,3-10). Ðây không phải là một ý thức hệ mới, nhưng là một giáo huấn đến từ trên cao và liên hệ tới thân phận con người, thân phận mà Chúa đã muốn nhận lấy khi nhập thể, để cứu vớt. Vì thế, "Bài giảng trên núi được gửi đến tất cả mọi người, trong hiện tại và tương lai.. và người ta chỉ có thể hiểu và sống bài giảng này trong hành trình theo Chúa Giêsu, đồng hành với Ngài" (Ðức Giêsu thành Nazareth, tr. 92). Các Mối Phúc là một chương trình sống mới, để được giải thoát khỏi những giá trị giả dối của trần gian và cởi mở đối với những thiện ích chân thực, hiện tại cũng như tương lai. Thực vậy, khi Thiên Chúa an ủi, thỏa mãn sự đói khát công lý, lau sạch nước mắt của những người sầu khổ, có nghĩa là Ngài mở Nước Trời cho họ, ngoài việc thưởng công cho mỗi người một cách cụ thể. "Các Mối Phúc là đưa thập giá và sự sống lại vào trong cuộc sống của các môn đệ" (Sdd, tr.97). Các Mối Phúc ấy phản ánh cuộc sống của Con Thiên Chúa, Ðấng đã chịu bách hại, chịu khinh rẻ cho đến độ bị án tử hình, để con người nhận được ơn cứu độ."

"Một ẩn sĩ xưa kia đã quả quyết: 'Các Mối Phúc là những món quà của Thiên Chúa và chúng ta phải hết sức cảm tạ Chúa vì những hồng ân này và phần thưởng từ đó mà ra, nghĩa là Nước Trời trong tương lai, sự an ủi bây giờ, sự sung mãn mọi thiện ích và lòng từ bi của Chúa.. một khi ta trở thành hình ảnh của Chúa Kitô trên mặt đất này' (Pietro di Damasco, in "Filocalia", vol.3, Torino 1985, tr.79). Tin Mừng về các Mối Phúc được chú giải bằng chính lịch sử của Giáo Hội, lịch sử sự thánh thiện của Kitô giáo, vì - như thánh Phaolô đã viết - "Thiên Chúa đã chọn những gì là yếu đuối đối với thế gian, để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa chọn để hủy diệt những gì hiện có" (1 Cr 1,27-28). Vì thế, Giáo Hội không sợ nghèo khó, khinh rẻ, bách hại trong một xã hội thường bị giàu sang vật chất và quyền lực trần thế lôi cuốn. Thánh Augustino nhắc nhở chúng ta rằng: "Chịu đựng đau khổ vì những tai ương ấy chẳng ích gì, nhưng chịu đựng chúng vì danh Chúa Giêsu, không những với tâm hồn thanh thản, nhưng còn với niềm vui mừng, thì mới có ích" (De sermone Domini in monte, I, 5,13: CCL 35,13).

Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng:

"Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu khẩn Ðức Trinh Nữ Maria, là Ðấng có phúc tuyệt hảo, xin Mẹ ban sức mạnh để tìm kiếm Chúa (Xc Xp 2,3) và luôn vui tươi theo Ngài trên con đường các Mối Phúc.

Sau phép lành, Ðức Thánh Cha nhắc nhở mọi người về Chúa nhật này cũng là "Ngày thế giới các bệnh nhân phong cùi" do Ông Raoul Follereau cổ võ từ thập niên 1950 và được Liên Hợp Quốc chính thức nhìn nhận. Ngài nói: "Ðáng tiếc là, bệnh phong cùi, tuy đã giảm sút, nhưng vẫn còn làm cho nhiều người ở trong tình trạng lầm than trầm trọng. Tôi đặc biệt cầu nguyện cho tất cả các bệnh nhân phong cùi cũng như cho những người đang săn sóc họ, và dấn thân bằng nhiều cách khác nhau để bài trừ bệnh Hansen này. Tôi đặc biệt chào thăm Hiệp hội Italia các bạn của Raoul Follereau, đang mừng kỷ niệm 50 năm hoạt động."

Ðức Thánh Cha cũng gửi lời chúc Tết nhiều dân tộc Á châu và nói rằng: "Trong những ngày tới đây, tại nhiều nước Viễn Ðông, sẽ mừng Tết âm lịch trong vui tươi, đặc biệt là trong bầu không khí thân mật của gia đình. Tôi chân thành cầu chúc khang an thịnh vượng cho tất cả các dân tộc đông đảo ấy."

Ðức Thánh Cha nhắc nhở rằng "Hôm nay cũng là Ngày Quốc Tế cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Ðịa". Tôi hiệp ý với Ðức Thượng Phụ Công Giáo la tinh ở Jerusalem và Cha Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Ðịa để mời gọi tất cả mọi người cầu xin Chúa làm choi mọi tâm trí đồng thuận với nhau trong những dự án hòa bình cụ thể.

Sau cùng, Ðức Thánh Cha nồng nhiệt chào thăm hàng ngàn các em nam nữ thuộc Công Giáo tiến hành của giáo phận Roma, do Ðức Hồng Y Giám quản Agostino Vallini hướng dẫn. Ngài nói: "Các con thân mến, năm nay, các con cũng đến đây đông đảo, vào cuối cuộc Tuần Hành hòa bình với chủ đề "Chúng tôi hy vọng nơi hòa bình!". Bây giờ chúng ta hãy nghe sứ điệp mà các bạn của các con đứng cạnh cha đây đọc cho các con".

Em bé gái đã đọc sứ điệp hòa bình, và kêu gọi mọi người hãy yêu thương nhau và thông báo số tiền các em lạc quyên được tại các giáo xứ hồi tháng giêng này được dùng để trợ giúp một cô nhi viện do các Nữ tỳ Ðức Mẹ Vô Nhiễm đảm trách tại giáo phận thánh Giuse ở miền Siberia bên Nga; một phần khác của ngân khoản được dành để trợ giúp trung tâm giúp đỡ các trẻ em bụi đời ở thành phố San Pietroburgo cũng thuộc Liên bang Nga. Tại trung tâm này, các LM Công giáo và Chính thống làm việc chung để săn sóc các trẻ em vì nhiều lý do phải sống trong tình trạng bị bỏ rơi, cô độc và những khó khăn về xã hội. Các em cũng loan báo sẽ đến dự đông đảo lễ phong chân phước cho Ðức Gioan Phaolô 2 vào ngày 1-5 tới đây.

Tiếp đến, Ðức Thánh Cha đã chào thăm các tín hữu hành hương bằng nhiều thứ tiếng khác nhau: Pháp, Anh, Ðức, Tây Ban Nha, Ba Lan và Italia. Sau cùng ngài đã cùng hai em bé thả 3 chim bồ câu, tượng trưng cho khát vọng hòa bình.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page