Ðại lễ Kim Khánh Giám Mục
Ðức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện
(22.01.1961-22.01.2011)
Ðại lễ Kim Khánh Giám Mục Ðức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện (22.01.1961-22.01.2011).
"Thực Hành và Chân Lý" (1Gioan 3, 18-19)
Âu
châu (22/01/2011) - Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam
và Nguyệt san Dân Chúa Âu Châu xin hân hoan chúc mừng Ðại
lễ Kim Khánh Giám Mục (50 năm), mừng 79 năm Linh mục
(20.2.2011) và mừng đại thọ 105 tuổi (13.03.2011) của Ðức Cha
Antôn Nguyễn Văn Thiện, nguyên Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long,
Kinh Sĩ Danh Dự của Nhà Thờ Chính Tòa Nice/Pháp (Chanoine d'
Honneur de la Basilique Cathédrale Ste Marie - Ste Réparate).
Mừng Ðại lễ Kim Khánh Giám Mục Ðức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện (22.01.1961-22.01.2011). |
Xin hiệp thông tạ ơn Thiên Chúa với Ðức Cha, với thân bằng quyến thuộc, với giáo phận Vĩnh Long và toàn thể Giáo Hội Việt Nam vì muôn hồng ân trong 50 năm Giám Mục, 79 năm linh mục và 105 năm cuộc đời của Ðức Cha.
Hết lòng nguyện chúc Ðức Cha đại Phúc, đại Lộc, đại Thọ và đại Thánh Ðức.
Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu
TM/ ban điều hành
Sau đây là đôi dòng về Ðức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện.
- Sinh ngày 13.03.1906 tại họ đạo Ba Trinh, Cái Côn, Sóc Trăng.
- Thụ phong linh mục ngày 20.02.1932 tại Nam Vang.
- 1932 Giáo Sư nhà giảng Banam, Cam Bốt.
- 1936 Phó xứ Họ Ðạo Hoa Lang.
- 1941 Cha Sở Họ Ðạo Cù Lao Tây.
- 1954 Sáng lập tờ báo Thực Hành làm cơ quan liên lạc trong địa phận.
- 1955 Cha Sở Họ Ðạo Năng Gù, Long Xuyên.
- 1955 Cha Sở nhà thờ Chính Tòa Cần Thơ.
- 1956 Cha chính địa phận Cần Thơ, lập một nhà in tại Cần Thơ để in ấn sách đạo.
- 24.11.1960 Ðược bổ nhiệm làm giám mục Giáo Phận Vĩnh Long.
- 22.01.1961 Thụ phong giám mục trước Vương Cung Thánh Ðường Sàigòn với khẩu hiệu "Thực Hành và Chân Lý".
- 03.04.1961 Chính thức nhận Giáo Phận Vĩnh Long.
Ðức Cha Antôn Thiện là giám mục thứ 19 trong các vị giám mục Việt Nam, chịu chức cùng ngày 22.01.1961 với các Ðức Cha sau đây:
* Micae Nguyễn Khắc Ngữ (1909 - 2009).
* Giuse Trần Văn Thiện (1908 - 1989).
* Philipphê Nguyễn Kim Ðiền (1921 - 1988).
Bốn vị nói trên đã chịu chức trong một hoàn cảnh khá đặc biệt, khi Giáo Hội Việt Nam bước vào một giai đoạn lịch sử quan trọng.
Sau 400 năm Tin Mừng được rao giảng ở Việt Nam (từ năm 1533), Giáo Hội Việt Nam mới có vị giám mục bản xứ đầu tiên là Ðức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng vào năm 1933. Tuy nhiên 27 năm sau, khi Giáo Hội Việt Nam có những dấu hiệu trưởng thành dưới sự dìu dắt của các vị giám mục bản xứ, Tòa Thánh dưới thời Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã chính thức thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam vào ngày 24.11.1960, nâng các giáo phận tông tòa trên toàn lãnh thổ Việt Nam lên hàng giáo phận chính tòa, trực thuộc ba giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn với ba vị tổng giám mục. Cùng ngày này Tòa Thánh quyết định thiết lập thêm 3 giáo phận mới trong giáo tỉnh Sài Gòn: Ðà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên.
Có những địa phận mới và vì sự thuyên chuyển của một số giám mục trong giai đoạn nầy, Tòa Thánh đã bổ nhiệm 4 vị giám mục:
- Ðức Giám Mục Nguyễn Văn Thiện, giám mục thứ hai của giáo phận Vĩnh Long (thay thế Ðức Giám Mục Ngô Ðình Thục được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Huế).
- Ðức Giám Mục Nguyễn Khắc Ngữ, giám mục đầu tiên của giáo phận Long Xuyên.
- Ðức Giám Mục Trần Văn Thiện, giám mục tiên khởi của giáo phận Mỹ Tho.
- Ðức Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền, giám mục thứ hai của giáo phận Cần Thơ (thay thế Ðức Giám Mục Nguyễn Văn Bình được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Sài Gòn).
Tên của 4 vị được ghi trong văn kiện lịch sử là sắc chỉ "Venerabilium Nostrorum" thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, được ký vào ngày 24.11.1960.
Ðức
Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện là giám mục thứ hai của Giáo
Phận Vĩnh Long kể từ khi Giáo Phận này được thiết lập
vào năm 1938. Tuy nhiên, trên một phương diện khác, ngài là
giám mục chính tòa tiên khởi của Vĩnh Long, được nâng
lên hàng giáo phận chính tòa theo sắc chỉ nói trên.
Huy hiệu giám mục của Ðức Cha Antôn có hình cây dừa và hai cụm mây xanh. Ngài nói: "Cây dừa tượng trưng cho sự kiên nhẫn và bền bĩ, cây dừa phải trồng lâu năm mới sinh hoa trái, thời gian sống của cây dừa bền lâu hơn nhiều cây khác." |
Hơn 7 năm chăm sóc Giáo Phận Vĩnh Long (24.11.1960-18.09.1968), Ngài nhận thấy cánh đồng bao la, thợ gặt ít, nên Ngài đã khởi xướng và thành lập trung tâm Tu Hội Truyền Giáo: một cho Nam Giới (giao cho Cha Raphae Nguyễn Văn Diệp), một cho Nữ Giới (Cha Phaolô Ngợi đảm trách). Năm 1961, Ðức Cha lập Trung Tâm Truyền Giáo tại Ngã Ba Cần Thơ (cơ sở II Tiểu Chủng Viện) để huấn luyện những người có năng lực đi giúp việc truyền giáo: dạy giáo lý, đi thăm viếng...
Với tâm hồn tông đồ nhiệt thành, Ðức Cha Antôn đã tổ chức tại Trung Tâm Truyền Giáo hơn 30 khóa huấn luyện Quới Chức và các Hội Ðoàn, đào tạo nên những tông đồ giáo dân cho Họ Ðạo và cho xã hội. Năm 1961 và 1962 mỗi tuần đều có mở khóa, đến 1963 ban huấn luyện đi mở khóa trong các Họ Ðạo.
Năm 1964 Trung Tâm nầy được sửa chữa để làm Ðại Chủng Viện cho 3 giáo phận trong vùng (Cần Thơ, Vĩnh Long và Mỹ Tho) và Trung tâm Truyền Giáo được di dời về Cầu Vồng. Năm 1964 Ðại Chủng Viện Xuân Bích Vĩnh Long khai giảng khoá đầu tiên dưới sự hướng dẫn và đào tạo của các Linh mục Tu Hội Xuân Bích.
Từ cuối năm 1964 Ðức Cha Antôn đã cho xây cất Nhà Thờ Chính Tòa với một phần vật liệu do Ðức Cha Phêrô Martinô Ngô Ðình Thục để lại, ở Ngã Ba Cần Thơ, theo mô hình của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ phỏng theo mẫu con tàu to lớn của ông Noe trong sách Cựu ước.
Năm 1965, Ðức Cha Antôn quyết định sử dụng nhà thờ Chính Toà mới, tuy chưa hoàn thành, tổ chức lễ tấn phong Giám Mục cho Ðức Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, Giám Mục Cần Thơ.
Năm 1965, do lòng yêu mến Ðức Mẹ sâu xa nồng nhiệt, Ðức Cha Antôn cho thành lập trung tâm hành hương Fatima, thu hút giáo hữu gần xa hành hương để thêm lòng yêu mến và tôn kính Ðức Mẹ.
Ngài có ý định hợp nhất Hội Dòng Mến Thánh Giá thành một thay vì hai Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum và Cái Mơn, nên Ngài cho xây dựng một nhà đệ tử chung. Năm 1970 nhà nầy thành hình và được giao cho Cha Giacôbê Trần Văn Quyển phụ trách.
Nếu không có trở ngại vì tình thế, nếu có đủ phương tiện vật chất, chắc chắn công trình của Ðức Cha Antôn đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho Giáo Phận.
- 1968 Ðức Cha Antôn bị đau mắt vì khói lửa và hơi độc, do đau buồn vì những hư hại của Giáo Phận do trận tổng công kích Tết Mậu Thân gây ra.
Mắt càng ngày càng mờ, Ðức Cha Antôn đi chữa trị ở nhiều nơi, các bác sĩ chuyên khoa địa phương và chuyên khoa Ngoại Quốc đều bó tay.
- 12.07.1968 Ðức Cha Antôn đệ đơn xin từ nhiệm vì lý do sức khỏe, trở thành Giám Mục Hiệu Tòa Spello, sau đó đi chữa bệnh mắt tại Pháp và Nhật nhưng không khỏi. Ở Nhật ngài mang thêm bệnh sạn trong túi mật phải giải phẫu. Ngài được tin Tòa Thánh chấp nhận cho từ chức. Ngài bay về Vĩnh Long để tham dự những lễ quan trọng: Ngày 12.09.1968, Ngài phụ phong trong lễ Tấn Phong Tân Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long, Ðức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu tại Vương Cung Thánh Ðường Sàigòn. Ngài dự lễ tri ân do các Linh Mục trong Giáo Phận Vĩnh Long tổ chức ngày 18.09.1968, và hai ngày sau đó, ngài về hưu ở nhà hưu dưỡng Giáo Phận Cần Thơ.
Ngài vẫn còn hy vọng và tiếp tục đi chữa bệnh mắt. Năm 1975 không thể trở về quê hương, Ngài nghỉ hưu tại Nice/Pháp.
- 1986 Ðức Cha tham dự Ðại Hội Công Giáo Việt Nam tại Konigstein/ Ðức.
- 19.06.1988 Ðức Cha Antôn là Vị Giám Mục Việt Nam duy nhất tham dự và đồng tế cùng với Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thánh lễ tôn phong 117 Vị Thánh Tử Ðạo Việt Nam tại Rôma.
Ðức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện để lại cho Giáo Phận Vĩnh Long một giáo phận với đầy đủ các cơ sở cần thiết và trên đà phát triển. Ngài để lại nhiều kỷ niệm tinh thần và vật chất cho thế hệ đã qua và để lại âm hưởng đức tin cho thế hệ sắp đến. Ðể nhớ đến vị cựu chủ chăn của giáo phận, năm 2006 giáo phận Vĩnh Long đã tổ chức lễ Tạ Ơn Sinh Nhật thứ 100 của Ðức Cha và luôn luôn cầu nguyện cho Ngài.
Huy hiệu giám mục của Ðức Cha Antôn có hình cây dừa và hai cụm mây xanh. Ngài nói: "Cây dừa tượng trưng cho sự kiên nhẫn và bền bĩ, cây dừa phải trồng lâu năm mới sinh hoa trái, thời gian sống của cây dừa bền lâu hơn nhiều cây khác."
Hiện nay Ðức Cha Antôn là Giám Mục cao niên nhất thế giới và là Vị Giám Mục Việt Nam đầu tiên được hồng ân tạ ơn 50 năm giám mục. Ngài luôn theo dõi tình hình Giáo Hội Hoàn Vũ và nhất là Giáo Hội Việt Nam, mỗi ngày với chuỗi mân côi Ngài cầu nguyện cho Giáo Hội và đặc biệt cho giáo phận Vĩnh Long. Tuổi thượng thọ nhưng Ðức Cha còn nhớ rất nhiều về lịch sử của Giáo Hội. Ngài là một chứng nhân của lịch sử Giáo Hội Việt Nam.
Ngày 22 tháng 01 năm 2011 xin hiệp thông với Ðức Cha Antôn tạ ơn Thiên Chúa về những hồng ân Ngài đã ban xuống trên Ðức Cha trong suốt 50 năm qua và nguyện xin Thiên Chúa ban cho Ðức Cha những gì tốt đẹp nhất theo Thánh Ý Chúa.
(Nguồn: VietKathMission - KA)
Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu
(Dân Chúa Âu Châu)