Ðức thánh cha Benedicto XVI

và người Do thái

 

Ðức thánh cha Benedicto XVI và người Do thái.

[Zenit 27/1/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ðược Liên hiệp quốc thiết lập năm 2005, mỗi năm Ngày Tưởng Niệm cuộc sát tế người Do thái thường được gọi là "Shoah" thường được cử hành vào những ngày cuối tháng Giêng. Năm nay (2011) ngày này đã được cử hành tại trại tập trung đức quốc xã Auschwitz, Balan hôm 27 tháng Giêng năm 2011. Nhân dịp này, đài phát thanh Vatican đã ghi lại những phát biểu của Ðức thánh cha Benedicto XVI về "thảm kịch đã ghi dấu lịch sử trong thế kỷ 20 vừa qua".

Trước hết, trong chuyến viếng thăm trại tập trung Auschwitz ngày 26 tháng 5 năm 2006, Ðức thánh cha nói rằng ngài muốn thinh lặng hơn là đọc diễn văn tại nơi này. Ngài nói: "Lên tiếng tại nơi đầy khủng khiếp và tội ác chồng chất chống lại Thiên Chúa và con người, nơi chưa từng có trong lịch sử nhân loại này là điều hầu như không thể làm được. Ðây là điều đặc biệt khó khăn và uất nghẹn đối với một tín hữu Kitô, nhứt là đối với một vị Giáo hoàng đến từ nước Ðức. Trong một nơi như thế này, không có đủ lời nói để lên tiếng. Thật ra, chỉ có thể có một sự thinh lặng kinh hoàng, một sự thinh lặng vốn là tiếng kêu trong tâm hồn vang lên tới Thiên Chúa: Lạy Chúa, sao Ngài đã thinh lặng? Tại sao Ngài để cho điều đó xảy ra?"

Trong bài diễn văn, đức Benedicto XVI đã nhắc lại chuyến viếng thăm tại đây của vị tiền nhiệm ngài là Ðức Gioan Phaolo II. Ngài nói rằng cũng như đức Gioan Phaolo II đã đến đây với tư cách là một người con của nước Balan, thì ngài cũng đến đây với tư cách là một người con của nước Ðức, một dân tộc trong đó có một nhóm người tàn ác đã lên nắm quyền bằng một số lời hứa hẹn dối trá và sau đó xử dụng cả dân tộc như dụng cụ để thỏa mãn sự khao khát hủy hoại và thống trị của họ.

Trước đó, năm 1979, lúc còn làm Tổng giám mục Munich Freising, đức Benedicto XVI cũng đã tháp tùng đức Gioan Phaolo II và nhiều vị Giám mục khác đến Auschwitz. Năm 1980, ngài cũng đã cùng với một phái đoàn Giám mục Ðức trở lại đây một lần nữa.

Ngày 28 tháng Giêng năm 2009, trong buổi tiếp kiến chung nhân ngày tưởng niệm các nạn nhân của cuộc sát tế, Ðức thánh cha nhắc lại các chuyến viếng thăm của ngài tại Auschwitz. Ngài cầu mong cho việc tưởng niệm các nạn nhân của cuộc sát tế thúc đẩy nhân loại suy tư về sức mạnh không thể tiên liệu được của sự dữ khi nó xâm chiếm tâm hồn con người. Ngài nhấn mạnh: việc tưởng niệm cuộc sát tế dạy cho các thế hệ cũ và mới biết rằng chỉ có con đường lắng nghe, đối thoại, yêu thương và tha thứ, vốn là một con đường khó khăn, mới có thể dẫn đưa các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo thế giới tiến tới mục tiêu được mong mõi là tình huynh đệ và hòa bình trong sự thật.

Ngày 9 tháng 11 năm 2008, khi kỷ niệm 70 năm "Ðêm Thủy Tinh", tức đêm Ðức quốc xã mở chiến dịch bài người Do thái bằng cách đập phá các cửa tiệm, văn phòng, nhà ở và hội đường của người Do thái, Ðức thánh cha đã kêu gọi người Công giáo hãy tỏ tình liên đới sâu xa với thế giới Do thái.

Ðức thánh cha nhấn mạnh đến nghĩa vụ phải giáo dục giới trẻ về sự tôn trọng đối với người khác.

Ngày 17 tháng Giêng năm 2010, đức thánh cha đã đến thăm đại hội đường Do thái ở Roma. Với tất cả cay đắng, ngài nhìn nhận rằng nhiều người Công giáo vẫn tỏ ra dửng dưng trước thảm kịch của cuộc sát tế người Do thái. Ngài nhắc lại rằng kể từ khi công đồng Vatican II công bố tuyên ngôn "Nostra Aetate" về mối quan hệ với người Do thái, thì con đường thân hữu giữa Công giáo và Do thái là một con đường không thể đảo ngược được nữa.

Ngài nhắc lại lời cầu nguyện đau buồn của đức Gioan Phaolo II tại bức tường Than khóc ở Gierusalem ngày 26 tháng 3 năm 2000 như sau: "Lạy Thiên Chúa của cha ông chúng con, Chúa đã chọn Abraham và hậu duệ của ông để Danh Chúa được mang đến các dân tộc: chúng con lấy làm đau buồn sâu xa vì cách cư xử của những ai trong dòng lịch sử đã làm cho con cái Chúa đau khổ. Kêu cầu Chúa tha thứ, chúng con cũng muốn dấn thân sống một tình huynh đệ đích thực với Dân của Giao ước".

Trong cuốn sách "Ánh Sáng thế gian" vừa mới được cho phát hành hồi cuối năm 2010, Ðức thánh cha cũng nhắc đến mối quan hệ giữa Do thái và Công giáo. Ngài nói đến việc huấn luyện thần học của ngài và mối liên hệ bất khả phân ly giữa Cựu Ước và Tân Ước. Ngài cho biết: ngài và người dân Ðức rất xúc động trước những gì đã xảy ra dưới thời Ðệ Tam Ðế Chế. Lúc đó, ngài thấy phải nhìn dân tộc Israel vừa với khiêm tốn và xấu hổ, vừa với tình yêu thương. Và điều này đã ảnh hưởng sâu xa đến suy tư thần học của ngài.

Cũng trong cuốn sách nói trên, ngài nhìn nhận rằng "người Do thái không thích nghe kiểu nói "người anh cả" mà đức Gioan 23 đã từng xử dụng. Trong truyền thống Do thái, người anh cả, tức Esau, cũng là người anh bị quở trách.

Tuy nhiên, theo đức Benedicto XVI, người ta vẫn có thể xử dụng kiểu nói này bởi vì nó nói lên một điều quan trọng. Nhưng đúng hơn phải nói rằng người Do thái cũng là "cha trong đức tin" của chúng ta. Kiểu nói này có lẽ còn làm nổi bật hơn mối quan hệ của chúng ta với người Do thái.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page